Chuyển đổi số nâng cao trải nghiệm nhân viên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Để trải nghiệm nhân sự được đánh giá tốt, nhà quản trị cần nhanh chóng vun đắp tư duy, kiến thức của bản thân, học hỏi và ứng dụng những kỹ năng mới như tư duy thiết kế, chuyển đổi số, tổ chức linh hoạt, về dịch vụ, marketing.
Trải nghiệm nhân viên chính là những tương tác, góc nhìn của nhân sự với tất cả khoảnh khắc xuyên suốt quá trình làm việc của họ.
Trải nghiệm nhân viên chính là những tương tác, góc nhìn của nhân sự với tất cả khoảnh khắc xuyên suốt quá trình làm việc của họ.

Thông tin trên được nêu rõ tại báo cáo “Trải nghiệm nhân sự Việt Nam 2020 – Hiện tại và những điều có thể làm cho tương lai” do ACheckin – giải pháp quản trị nâng cao trải nghiệm nhân sự - vừa công bố. Báo cáo cho thấy việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ giúp nâng cao trải nghiệm nhân viên tại Việt Nam lên mức tốt hơn.

Ngay phần mở đầu, báo cáo đưa ra định nghĩa về khái niệm còn khá mới này: Trải nghiệm nhân viên (Employee eXperience – EX) là những điểm chạm, khoảnh khắc mà nhân viên cảm thấy có ý nghĩa trong môi trường làm việc. Điều này đang được ứng dụng trong chiến lược phát triển kinh doanh chủ chốt của nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới, như IBM, LinkedIn, General Electrics, Facebook và được các tổ chức tư vấn quản lý hàng đầu thế giới như Deloitte, McKinsey, Gartner, Mercer cho là xu hướng phát triển nhân sự của tương lai.

Đã có hàng loạt nghiên cứu, bài học trên thế giới thể hiện trải nghiệm nhân viên tốt đem lại lợi ích kinh tế thực sự bền vững cho doanh nghiệp. Trong khảo sát của Kincentric năm 2019, 79% doanh nghiệp cũng đồng ý rằng trải nghiệm nhân viên có tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh, họ cho rằng tác động đó phần lớn đến từ việc nhân viên tích cực, gắn bó và tạo được sự kết nối cá nhân với mục tiêu của tổ chức.

Trải nghiệm nhân viên của Việt Nam chưa chạm đến mức tốt

Trải nghiệm nhân viên nhìn chung dừng ở mức độ khá, chưa có phần trải nghiệm nào chạm đến mức tốt. Ngoài ra, trải nghiệm về cơ hội phát triển tiệm cận mức tệ (57%).

Khảo sát với nhóm quản trị nhân sự và quản lý cấp cao đại diện 150 doanh nghiệp của 21 ngành nghề khác nhau, cùng hơn 800 nhân viên tại hai khu vực chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong tháng 8/2020.

Trải nghiệm nhân viên có sự phân hoá rõ theo quy mô doanh nghiệp. Cụ thể: Các tổ chức lớn trên 450 nhân viên có điểm trải nghiệm nhân viên cao nhất, đạt mức tốt ở nhiều yếu tố như an toàn, ổn định và công việc có ý nghĩa. Các doanh nghiệp từ 101 - 250 nhân viên có điểm trải nghiệm nhân viên thấp nhất, chỉ ở mức cơ bản (64%), thậm chí bị đánh giá tệ trong nhiều mặt như cơ hội phát triển và lãnh đạo doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp nhỏ từ 10 - 100 nhân viên có điểm trải nghiệm nhân viên ở mức khá, điểm sáng của nhóm này là nhân viên thấy tin tưởng và ngưỡng mộ quản lý trực tiếp. Các doanh nghiệp từ 251 - 450 nhân viên có điểm trải nghiệm nhân viên tương đương với nhóm 10 - 100 nhân viên, tốt hơn về an toàn tài chính, lương, nhưng yếu hơn về sự tin tưởng, ngưỡng mộ quản lý trực tiếp.

Nhân viên phía Nam ứng dụng công nghệ trong môi trường làm việc vượt trội so với phía Bắc

Các doanh nghiệp Việt Nam chưa có sự quan tâm đến trải nghiệm nhân viên. Có tới 40% HR và quản lý cấp cao, lãnh đạo doanh nghiệp chưa từng đọc, nghiên cứu về trải nghiệm nhân viên. Và chỉ có 21% doanh nghiệp có vị trí quản lý chuyên trách về trải nghiệm nhân viên.

Ứng dụng công nghệ trong quản lý doanh nghiệp còn hạn chế chỉ có 54% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm HRM, ERP vào quản lý và vận hành.

Ứng dụng công cụ công nghệ tại phía Nam (95%) vượt trội so với doanh nghiệp phía Bắc (66%).

Top 10 điều các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm và cải thiện để đem lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Ảnh chụp từ báo cáo.

Top 10 điều các doanh nghiệp Việt Nam muốn làm và cải thiện để đem lại trải nghiệm tích cực cho nhân viên. Ảnh chụp từ báo cáo.

Báo cáo cũng đánh giá, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang làm những nghiệp vụ quản trị nhân sự truyền thống, chưa mở rộng và thử những góc nhìn và công cụ mới, đặc biệt là trong việc lắng nghe, theo sát cảm xúc, ý kiến của nhân viên. Hiện mới chỉ có 48% doanh nghiệp thực hiện khảo sát nhân sự, mà trong đó có tới 88% thực hiện một năm một lần hoặc ít hơn.

Xu hướng xây dựng trải nghiệm nhân viên của Việt Nam sẽ ra sao?

Báo cáo chỉ ra, tại Việt Nam, trải nghiệm nhân viên còn là khái niệm mới, tư duy cũng như cách làm còn chưa được khai phá và thử nghiệm nhiều tại Việt Nam. Để trải nghiệm nhân sự được đánh giá tốt, nhà quản trị cần nhanh chóng vun đắp tư duy, kiến thức của bản thân, học hỏi và ứng dụng những kỹ năng mới như tư duy thiết kế, chuyển đổi số, tổ chức linh hoạt, tư duy thiết kế dịch vụ, marketing.

Đặc biệt, báo cáo cho rằng cần phải mở rộng, lắng nghe và thấu hiểu hành trình trải nghiệm của nhân viên, tối ưu hóa những điểm chạm, mang lại ý nghĩa thực sự cho người lao động. Công nghệ và phân tích dữ liệu, hành vi con người sẽ là người đồng hành không thể thiếu của công tác quản trị nhân sự trên con đường xây dựng trải nghiệm nhân viên và môi trường làm việc của tương lai.