Trong số 25 bác sỹ trẻ tình nguyện lần này, có 15 bác sỹ là người dân tộc Mông, Thái, Tày, Mường và Nùng. Họ đã được Trường Đại học Y Hà Nội cấp bằng chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề thuộc 8 chuyên ngành mà các địa phương vùng khó khăn đang rất thiếu: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Ngoại, Nhi, Nội, Phụ sản và Y học cổ truyền.
Các bác sĩ tình nguyện này sẽ về công tác ở 16 huyện nghèo, gồm Sìn Hồ, Mù Cang Chải, Đồng Văn, Xín Mần, Tương Dương, Sốp Cộp….. thuộc 10 tỉnh miền núi phía Bắc.
Như vậy với 5 lần tổ chức bàn giao, Bộ Y tế đã đưa được 77 bác sĩ về công tác tại 37 huyện nghèo thuộc 13 tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung. Những bác sĩ trẻ này sẽ trở thành nguồn cán bộ được đào tạo các chuyên khoa sâu hoặc quản lý y tế.
PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội trao Bằng cho các bác sĩ trẻ xuất sắc nhất |
PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng trao Bằng cho các bác sĩ tình nguyện
|
Đây là các bác sĩ được đào tạo chuyên khoa cấp I trong Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”, do Bộ Y tế triển khai từ 2013, để đến năm 2020 sẽ đưa 300 đến 500 bác sĩ trẻ về các địa bàn trên.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) –cho biết: Hiện nay, ở các vùng nghèo, người dân còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Một trong các nguyên nhân là do thiếu các bác sĩ có trình độ chuyên môn. Thực tế, 62 huyện nghèo còn thiếu tới 598 bác sĩ ở 15 chuyên khoa, trong đó 7 chuyên khoa thiếu nhiều nhất là Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Truyền nhiễm và Chẩn đoán hình ảnh. Tổng số bác sĩ còn thiếu của 7 chuyên khoa này là 316 người.
PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng mong muốn các bác sĩ trẻ tình nguyện vượt qua khó khăn để góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân
|
Để kéo gần khoảng cách về y tế giữa các vùng, Bộ Y tế đã tạo bước đột phá bằng Dự án bác sĩ trẻ tình nguyện, với việc đào tạo các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại khá, giỏi có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Dự án đã thu hút được nhiều bác sĩ trẻ tình nguyện đăng ký tham gia và đang tổ chức đào tạo 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học Y- Dược Huế và Trường Đại học Y- Dược Hải Phòng.
“Khi đáp ứng đủ các bác sĩ về các vùng khó khăn, người dân sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, đồng thời, giảm tử vong, tiết kiệm chi phí cho người dân vì không phải đi xa để khám, chữa bệnh” - PGS.TS. Nguyễn Tuấn Hưng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thúy Anh cùng đại diện Bộ Y tế và Trường Đại học Y Hà Nội tặng quà các bác sĩ tình nguyện
|
Theo PGS.TS. Đoàn Quốc Hưng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – các bác sĩ trẻ tình nguyện được đào tạo trong một chương trình riêng, do Bộ Y tế xây dựng mới, thẩm định và phê duyệt. Chương trình này chú trọng yêu cầu thực hành tay nghề.
Tại Trường Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ tình nguyện được đào tạo như bác sĩ nội trú, mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên, để đảm bảo khi về cơ sở công tác, họ có thể chủ động trong việc khám, chữa bệnh với nhiều kỹ thuật cao mà tuyến dưới chưa phổ biến.