Dự án này do Bộ Y tế chủ trì và Trường Đại học Y Hà Nội là đơn vị tham gia chính với nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo, triển khai đào tạo thí điểm và chuyển giao công nghệ đào tạo, quản lý cho các trường đại học khác. Dự án nhằm bảo đảm đủ nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các huyện nghèo, biên giới và hải đảo.
Theo GS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, dự án là bước đột phá của ngành y tế nhằm giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở tuyến trên. Đặc biệt, tính nhân văn của dự án là hướng đến đảm bảo công bằng xã hội, người dân ở mọi vùng miền không phân biệt giàu nghèo đều có quyền được chăm sóc y tế như nhau.
Bác sĩ Đinh Huệ Quyên (Bệnh viện sản Trung ương, làm việc tại Trung tâm y tế Mường Ảng từ 2018) và bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu (Bệnh viện Nhi Trung ương, làm việc tại Bệnh viện TTYT huyện Mường Nhé từ 2017), cho biết hoạt động khám, chữa bệnh tại các huyện nghèo còn nhiều khó khăn: Phương tiện chẩn đoán bằng xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thiếu; thiếu các thuốc thiết yếu cho sản phụ khoa vv...
Nhưng với kiến thức đã được đào tạo tại Trường Đại học Y Hà Nội, các bác sĩ đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở địa phương, với việc triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuẩn hóa các kỹ thuật đang thực hiện, đặc biệt là trong nhi khoa, nội khoa, sản khoa; tham gia xử trí các bệnh nhân cấp cứu của nhiều chuyên ngành, chia sẻ kiến thức chuyên môn, phác đồ điều trị cấp cứu vv…. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại cơ sở y tế đã tăng lên. Nhiều bệnh nhân được cấp cứu tại chỗ, đã giảm đáng kể số bệnh nhân phải chuyển tuyến và hạn chế tử vong. Đặc biệt là tạo được niềm tin của người dân với ngành y tế và chính quyền địa phương. Các bác sĩ trẻ được đồng bào dân tộc địa phương gọi một cái tên trìu mến chung “Bác sĩ Hà Nội”.
GS. Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội và ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) thăm TTYT Mường Nhé |
Ông Lê Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng đánh giá cao hiệu quả của dự án và mong muốn địa phương được tăng thêm bác sĩ tình nguyện, đồng thời đề nghị kéo dài thời gian đi cơ sở của các bác sĩ trẻ từ 3 – 5 năm thay vì chỉ2 – 3 năm như hiện nay.
Đánh giá cao hiệu quả hoạt động của các bác sĩ trẻ tại Điện Biên, GS. Tạ Thành Văn cho biết sẽ quan tâm đến ý kiến góp ý từ các bác sĩ trong đề án hiện đang công tác tại cơ sở là điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp hơn với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, ông cũng mong muốn rằng dự án đào tạo thí điểm này sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách cân nhắc việc ban hành các văn bản luật quy định về trách nhiệm xã hội đối với các bác sĩ trẻ.
Trước mắt, trong xu hướng tự chủ, kinh phí dành cho các cơ sở đào tạo bị cắt giảm thì các cơ sở đào tạo và cơ sở tuyển dụng cần phối hợp để tăng cường đào tạo theo địa chỉ (số nhân lực phải chính xác đến từng chuyên ngành, từng khoa của từng bệnh viện ở mỗi tỉnh) để tránh thất thoát và lãnh phí về nguồn lực quốc gia. Thực tế hiện nay, các cơ sở đào tạo tự xác định chỉ tiêu chỉ dựa theo năng lực đào tạo của cơ sở mình mà không quan tâm đến nhu cầu nhân lực của mỗi chuyên khoa, của mỗi vùng miền.
Ông Phạm Văn Tác – Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án bác sĩ tình nguyện mong muốn bên cạnh việc khám chữa bệnh, tuyến cơ sở phải tăng cường công tác truyền thông, để nâng cao nhận thức người dân về sức khỏe.