|
Bánh hamburger đầu tiên được trồng trong phòng thí nghiệm vào năm 2013 tốn hơn 300.000 USD để sản xuất. |
“Thịt trong ống nghiệm” là cách sản xuất thịt từ nhân bản tế bào gốc của các loại gia súc, gia cầm và nuôi dưỡng chúng trong môi trường nhân tạo. Đây là một trong những giải pháp lý tưởng của tương lai giúp giải quyết vấn đề cung cấp lương thực, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường và phúc lợi cho động vật.
Vào tháng 12.2018, trang trại Aleph có trụ sở ở Israel đã tiết lộ món bít tết đầu tiên được trồng trong phòng thí nghiệm.
Khi sản xuất một miếng bít tết, công ty đã vượt qua một trong những thách thức lớn của ngành công nghiệp non trẻ này: phát triển một sản phẩm thịt trong phòng thí nghiệm tích hợp cả mô cơ và mô mỡ.
Didier Toubia, đồng sáng lập và CEO của Aleph Farms cho biết: "Thịt là một mô phức tạp, không chỉ là một khối tế bào. Đó là các loại tế bào khác nhau tương tác với nhau tạo thành cấu trúc 3 chiều."
Vài tháng trước, tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm và Bộ Nông nghiệp tuyên bố rằng họ sẽ "cùng giám sát việc sản xuất các sản phẩm thực phẩm nuôi cấy tế bào có nguồn gốc từ gia súc và gia cầm". Đó là dấu hiệu cho tương lai thịt nhân tạo sản xuất bằng công nghệ thay thế được thịt được lấy từ bò nuôi đang tới rất gần, nhất là khi ngày càng có nhiều người ăn chay và các nhà hoạt động vì quyền động vật đang tuyên truyền cho xu hướng ngừng giết mổ và ăn thịt động vật.
Tốt cho môi trường?
Với mức tiêu thụ thịt toàn cầu dự kiến sẽ tăng 70% trong ba thập kỷ tới và dân số Trái đất dự kiến sẽ đạt 9,6 tỷ vào năm 2050, các loại thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm có thể giúp bù đắp chi phí môi trường.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), các tổ chức chăn nuôi chiếm 14,5% tổng lượng khí thải nhà kính liên quan đến hoạt động của con người và chiếm phần lớn đất nông nghiệp. Thịt bò đại diện cho nguồn phát lớn nhất trong lĩnh vực này.
Một vấn nạn nữa với việc nuôi những con vật trong chuồng trại, người nông dân thường sử dụng kháng sinh để giúp chúng tăng trưởng nhanh. Hơn 80% các loại thuốc kháng sinh bán ra ở Hoa Kỳ được sử dụng trong chăn nuôi và bị lạm dụng.
Nếu đem ra so sánh, sản xuất thịt nhân tạo tốn ít diện tích hơn, vì chúng ta có thể tiết kiệm bằng cách tận dụng không gian cao tầng. Nó cũng sử dụng ít nước hơn và tạo ra ít khí thải nhà kính. Không có động vật sống thì sẽ không cần cho chúng uống nước và cũng không còn phân động vật. Không cần chữa bệnh cho chúng với kháng sinh liều cao.
Mặc dù việc sản xuất thịt trong phòng thí nghiệm hiện đang tốn khá nhiều năng lượng nhưng lợi ích của chúng đối với môi trường có thể tăng đáng kể. Dù vậy, vẫn còn một số người nghi ngờ rằng nó không thực sự giảm lượng khí thải nhà kính.
Tốt cho con người?
Theo các nhà nghiên cứu, thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm giúp giảm số ca mắc bệnh do thịt như salmonella, E.Coli và bệnh bò điên vì khi thịt được nuôi trong phòng thí nghiệm, nguy cơ nhiễm khuẩn được giảm đáng kể.
Thịt nhân bản từ tế bào cũng sẽ không cần sử dụng kháng sinh hoặc hormone mà các nhà chăn nuôi hiện đang phụ thuộc.
Ngoài ra, thịt nhân bản có thể được điều chỉnh các yếu tố nhất định chẳng hạn như hàm lượng muối tổng thể hoặc tỷ lệ chất béo bão hòa và không bão hòa.
Theo ông Toubia, mùi vị của bít tết Aleph Farms hứa hẹn cho một tương lai của thịt nhân bản. Năm nay họ có kế hoạch tăng kích thước của miếng thịt, cải thiện một chút hương vị và giảm chi phí.
Ông cho biết thêm: "Chúng tôi vẫn còn ít nhất hai năm để hoàn thiện và phát triển cho đến khi đạt được một sản phẩm thương mại và sau đó có lẽ sẽ mất thêm hai năm nữa để chuyển nó sang sản xuất và mở rộng quy mô, số lượng lớn hơn cho hoạt động thương mại".
Theo đó, các sản phẩm của họ sẵn sàng xuất hiện trên các kệ trong siêu thị vào khoảng năm 2022.
Theo Sở hữu Trí tuệ & Sáng tạo