Trong vài khoảnh khắc sáng giá, Tencent và các hãng công nghệ Trung Quốc tưởng như sẽ lấn lướt các đồng nghiệp tại thung lũng Silicon. Tuy nhiên, mọi thứ nhanh chóng sa sút. Cuộc chiến thương mại với Mỹ và những lời đồn về định giá ảo dẫn đến vết thương nghiêm trọng cho gần như mọi hãng công nghệ lớn.
Tencent
Từng là một trong những công ty mạnh nhất Trung Quốc, gã khổng lồ mạng xã hội Tencent đã đánh mất 38% giá trị thị trường, khoảng 220 tỉ USD, kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng 1. Nhà chức trách nước này bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn game online, nguồn thu chính của Tencent, giữa những lo ngại về tệ nạn nghiện game.
Huawei
Có lẽ không công ty nào bị xem là nguy cơ đối với thương mại nhiều như Huawei. Từng là một nhà cung cấp thiết bị viễn thông kém tiếng, Huawei đã vượt qua Apple về doanh số smartphone và trong cuộc đua dẫn đầu mạng 5G, thách thức các nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã nhắc đến Huawei khi chặn đứng thương vụ sáp nhập Qualcomm – Broadcom vì e ngại nó có thể trao vị trí tiên phong về 5G cho Trung Quốc. Huawei còn bị cấm bán thiết bị tại Úc, không được tham gia hợp đồng với Hàn Quốc và thậm chí còn bị Mỹ làm khó dễ tại Papa New Guinea.
Alibaba
Một biểu tượng thành công khác của Internet Trung Quốc, Alibaba, đã mất khoảng 14% giá trị thị trường trong năm 2018, khoảng 60 tỷ USD. Đầu tháng 11, công ty còn hạ mức dự báo trong toàn bộ năm tài khóa kết thúc tháng 3/2019 như hiệu ứng từ chiến tranh thương mại với Mỹ.
Xiaomi
Xiaomi từng được định giá 100 tỷ USD nhưng khi trở thành công ty đại chúng chỉ vào tháng 7 chỉ đạt được một nửa con số này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Kể từ đó, kết quả kinh doanh “lồi lõm” của Xiaomi tại quê nhà đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc mở rộng tại Ấn Độ, nơi họ có nhiều đối thủ hơn hẳn một năm trước. Cổ phiếu Xiaomi cũng đã giảm 22% so với thời điểm phát hành cổ phiếu lần đầu.
ZTE
Tháng 10/2018, ZTE dự báo lỗ cả năm 2018 khoảng 1 tỷ USD sau khi Bộ Thương mại Mỹ cấm hãng mua linh kiện từ các nhà cung ứng Mỹ. ZTE bán thiết bị cho Iran, Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, sau đó vi phạm điều khoản thỏa thuận và nói dối về điều này. Như một phần trong thỏa thuận gỡ bỏ lệnh cấm, ZTE sa thải phần lớn bộ máy lãnh đạo. Sự đánh đổi này có hiệu quả hay không cần phải có thêm thời gian. Chỉ biết rằng, giá trị thị trường của công ty thiết bị viễn thông Trung Quốc còn chưa bằng một nửa so với đầu năm 2018.