20% sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương là do nhầm liều

VietTimes – Sự cố y khoa là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới. Ít nhất có 5 người bệnh chết mỗi phút do chăm sóc y tế không an toàn, trong đó có 50% là phòng tránh được. 
12% tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn, tỷ lệ này tăng là 38% ở những người bệnh từ 75 tuổi trở lên

Thông tin rất đáng quan tâm này được PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - đưa ra tại lễ mít tinh nhân Ngày An toàn người bệnh thế giới 2022 do Bộ Y tế tổ chức chiều nay, 16/9.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê còn cho biết: Có tới 14,3% chi phí tại bệnh viện là để điều trị hậu quả các sự cố y khoa gây ra.

“Không ở đâu dễ mua thuốc kháng sinh như ở Việt Nam. Vì thế, tỷ lệ kháng kháng sinh ở nước ta rất cao, thậm chí các cơ sở khám, chữa bệnh đã có mẫu bệnh nhân bị kháng thuốc kháng sinh thế hệ thứ 3” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, liên quan tới vấn đề an toàn sử dụng thuốc, WHO cũng đưa ra ra con số đáng giật mình: Có tới 12% tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn, tỷ lệ này tăng là 38% ở những người bệnh từ 75 tuổi trở lên; 6-7% người bệnh nội trú gặp sự cố do liên quan tới thuốc. 30% người bệnh gặp sự cố khi dùng 5 loại thuốc trở lên. Tỷ lệ kê đơn sai liều lượng chiếm 27,6%.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - phát biểu tại lễ mít tinh

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, ở Việt Nam, từ 2019 đến tháng 8-2022, có 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố y khoa. Đáng chú ý khi có tới 1/3 số lượng sự cố được báo cáo là có thể ngăn chặn được, chưa xảy ra.

"Sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến trung ương và 18,5% sự cố về thuốc tại bệnh viện tỉnh, thành phố. Ở bệnh viện tuyến quận, huyện, sự cố gặp nhiều nhất, chiếm 23,7% do nhầm thuốc và thứ 2 là nhầm liều, chiếm 10%" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê thông tin.

Đại diện của WHO phát biểu tại buổi lễ

Để bảo đảm an toàn cho người bệnh, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: Bác sĩ khi kê đơn thuốc, cần kê đúng thuốc, đúng người, đúng bệnh. Chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh. Kê đơn thuốc phù hợp với chẩn đoán bệnh và mức độ bệnh. Việc kê đơn thuốc phải đạt được mục tiêu an toàn, hợp lý và hiệu quả. Với điều dưỡng khi thực hiện thuốc, cần đảm bảo 5 đúng, bao gồm: Đúng người bệnh, đúng thuốc, đúng liều, đúng đường dùng, đúng thời gian.

Đại diện Bộ Y tế khuyến cáo: Dịch vụ y tế mang tính đặc thù, nguy cơ về sự cố y khoa luôn thường trực, trong đó có các sự cố liên quan đến bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng thuốc. Thuốc có thể gây ra tổn hại nghiêm trọng nếu việc bảo quản, kê đơn, cấp phát, sử dụng không đúng cách, hoặc không được theo dõi đầy đủ. Do đó, người bệnh trước khi sử dụng thuốc cũng cần biết thông tin về thuốc, kiểm tra liều và thời gian sử dụng, hỏi lại nhân viên y tế nếu chưa hiểu rõ.

Các hành vi sử dụng thuốc không an toàn và sự cố về sử dụng thuốc là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn hại trong việc chăm sóc sức khỏe. Sự cố về sử dụng thuốc xảy ra khi hệ thống quản lý chất lượng yếu kém; các yếu tố chủ quan như nhân viên y tế mệt mỏi, điều kiện môi trường làm việc kém hay thiếu nhân lực đều ảnh hưởng tới an toàn sử dụng thuốc. Việc này có thể dẫn tới tổn hại nghiêm trọng cho người bệnh, gây tàn phế và thậm chí tử vong.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã và đang làm trầm trọng thêm nguy cơ xảy ra sự cố về sử dụng thuốc và các tổn hại có liên quan đến thuốc. Đó là lý do thông điệp “Sử dụng thuốc an toàn, không gây hại” được chọn làm chủ đề cho Ngày An toàn người bệnh thế giới năm 2022.