Mạng việc làm JobStreet.com vừa cho biết, theo một nghiên cứu gần đây của Mercer về Xu hướng nhân tài toàn cầu và Xu hướng tuyển dụng năm 2017 của JobStreet.com, ngành nhân sự phải đối mặt nhiều thay đổi hơn trong năm 2017 và các năm tiếp theo.
Đầu tiên, việc tái cấu trúc sẽ xảy ra theo như 93% người phản hồi trong nghiên cứu của Mercer. Họ dự định thay đổi cơ cấu trong tổ chức của mình trong vòng 2 năm tới. Hầu hết họ đều hướng tới việc chuyển đổi các chức năng hỗ trợ sang dịch vụ chia sẻ, làm phẳng cơ cấu công ty và cắt giảm biên chế các phòng ban.
Những sự thay đổi khác gồm cơ chế phân quyền, xây dựng hệ thống mạng lưới nội bộ và tạo nên những nhóm tác vụ theo dự án. Tất cả những điều này nhằm làm cho công ty linh hoạt hơn, theo đó vận hành hiệu quả và tiết kiệm hơn, cũng như có thể phân quyền xuống cấp dưới giúp quá trình ra quyết định diễn ra nhanh hơn, giảm thiểu thời gian xét duyệt và khuyến khích văn hoá sáng tạo trong công ty.
Thông tin từ JobStreet.com cũng cho hay, xây dựng tính hiệu quả trong công ty chưa bao giờ là hoàn chỉnh nếu thiếu sự áp dụng CNTT. Những người tham gia khảo sát cho biết đây là xu hướng có ảnh hưởng nhất đến công ty họ trong vòng 2 năm tới. Tuy nhiên, chỉ dưới 10% nhận định họ là một công ty phát triển theo xu hướng công nghệ và số hoá, và gần 20% cho biết họ không hề có bất kỳ kinh nghiệm gì về việc áp dụng kỹ thuật số trong tuyển dụng.
“Thiếu sự hỗ trợ của công nghệ, vai trò của nhân sự trong việc quản lý dữ liệu nhân tài sẽ bị hạn chế. Đây là lĩnh vực các chuyên gia nhân sự cần phải chú ý”, JobStreet.com nêu.
Ngoài ra, nghiên cứu của Mercer và JobStreet.com chỉ ra rằng, về phía ứng viên, họ nhanh chóng tận dụng những lợi thế của kỷ nguyên công nghệ để chủ động hơn trên con đường thăng tiến sự nghiệp.
Khảo sát Xu hướng tuyển dụng 2017 của JobStreet.com khẳng định sự “thống lĩnh” của các kênh trực tuyến trong các kênh tìm việc của ứng viên với hơn 8.000 ứng viên trong khu vực Đông Nam Á, từ Indonesia, Malaysia, Philippine, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã được hỏi để xác định 3 kênh được sử dụng hàng đầu cho quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm mới.
Câu trả lời của tất cả các ứng viên từ các quốc gia nêu trên đã chứng minh nền tảng trực tuyến được ưa thích hơn hẳn so với các kênh thông thường như người giới thiệu, ngày hội việc làm, quảng cáo trên báo, các sự kiện tuyển dụng tại trường học và ngành nghề. Riêng tại Việt Nam có đến 8/10 ứng viên sử dụng kênh trực tuyến để tìm kiếm cơ hội việc làm mới tại Việt Nam.
Các ứng cử viên ở Indonesia, Singapore và Việt Nam đã bình chọn Trang mạng việc làm trực tuyến là sự lựa chọn hàng đầu của họ, tiếp theo là Người giới thiệu trong các kênh tìm việc. Ứng viên Malaysia, Philipine và Thái Lan lại thích Trang tuyển dụng/nghề nghiệp của công ty nhất rồi mới đến Trang mạng việc làm trực tuyến.
Bỏ qua sự khác biệt trong sở thích của ứng viên các nước, 3 kênh tìm việc được đa số ứng cử viên ưa thích là: các trang mạng việc làm; trang web của công ty - trang nghề nghiệp; người giới thiệu.
Tuy nhiên, điều quan trọng là các nhà tuyển dụng tại Việt Nam cần bảo đảm rằng tất cả các vị trí cần tuyển dụng được đăng tuyển trên các trang mạng việc làm, vì ứng viên Việt nam không nhận định trang nghề nghiệp của công ty như là nguồn chính để tìm kiếm việc làm giống như ứng viên tại các nước khác.
Với các nền tảng trực tuyến thì việc ứng tuyển cho 1 công việc yêu thích dễ dàng thực hiện ở bất cứ nơi đâu, điều này tạo ra nhiều áp lực hơn cho các tổ chức, công ty để xây dựng một thương hiệu tuyển dụng trực tuyến hấp dẫn và chuyển đổi quá trình tuyển dụng thành trải nghiệm trực tuyến tích cực đem lại sự thuận tiện, chủ động cho các nhân tài mà công ty mong muốn tiếp nhận và giữ lại.