Em Nguyễn Thanh Hoàng (14 tuổi, quê Thái Bình) được điều trị bằng phương pháp mới từ nửa năm trước. Trước khi điều trị, Hoàng có vết lõm sâu tới 18 mm, khó thở, tức ngực. Sau khi điều trị, các triệu chứng đó đã khỏi hẳn, vùng lõm chỉ còn 10 mm, đường kính diện lõm đã thu hẹp. Còn bé Hoàng Thanh An (6 tuổi, Hà Nội) cũng mắc lõm xương ức bẩm sinh, nay không còn khó thở, biếng ăn.
TS. Tô Mạnh Tuân – Phó Trưởng khoa Ngoại – Tổng hợp của Bệnh viện, cho biết, lõm xương ức là dị tật thành ngực phổ biến ở trẻ em với tỷ lệ 1/300 trẻ mắc.
Trước đây, phương pháp duy nhất để điều trị bệnh này là mổ đặt thanh nâng ngực tuy nhiên có tỷ lệ biến chứng trong, sau khi phẫu thuật, đồng thời, khiến các em nhỏ phải mang dị vật trong một thời gian dài.
Xương ức của bệnh nhi được cải thiện rõ rệt sau khi điều trị bằng phương pháp mới
|
Vì vậy, chuông nâng xương ức ra đời, hiện thức hóa việc điều trị lõm xương ức không xâm nhập. Bộ thiết bị này sẽ đặt bên ngoài lồng ngực, úp lên diện lõm sau đó điều chỉnh áp lực bằng bóng bóp. Thiết bị sẽ giúp nâng xương ức và khung xương sườn bằng lực hút chân không, giúp các em nhỏ được điều trị mà không cần phải chịu phẫu thuật gây đau đớn, lâu hồi phục hoặc dùng trong thời gian chuẩn bị mổ, tạo khoang sau xương ức, giúp việc phẫu thuật đặt thanh nâng ngực an toàn hơn.
Với hiệu quả điều trị và sự an toàn mà phương pháp mới mang lại cho các em nhỏ, TS. Tô Mạnh Tuân hi vọng phương pháp đặt chuông nâng xương ức sẽ được ứng dụng rộng rãi, giúp các gia đình có thêm lựa chọn điều trị cho con em mình.