|
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam xuất sắc nhận giải thưởng với giải pháp “Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến – VAES”. |
Chia sẻ về Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam Digital Awards) năm 2024, ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam không giấu được sự vui mừng, vinh hạnh khi nhận giải thưởng Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp chuyển đổi số xuất sắc tại Vietnam Digital Awards 2024.
"Đây là lần thứ 2 đơn vị tôi nhận giải thưởng về chuyển đổi số, tôi đánh giá việc tổ chức của Ban tổ chức được chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng, công phu. Uy tín giải thưởng ngày càng được đánh giá cao, các nhà thẩm định, ban tổ chức là những người có chuyên môn cao, quy trình chấm minh bạch", ông Minh chia sẻ sau khi nhận giải thưởng Vietnam Digital Awards 2024 do Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức hôm 5/10.
Sản phẩm đơn vị mang đến giải thưởng chuyển đổi số năm nay thể hiện sự chủ trương của bảo tàng trong việc thúc đẩy công nghệ số. Đây sẽ là cơ hội, động lực thúc đẩy Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam quyết liệt đẩy mạnh chuyển đổi số trong thời gian tới.
Cải thiện chất lượng sống
Số lượng truy cập sử dụng “Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến – VAES” của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tính từ tháng 10/2023 đến hết tháng 6/2024 là gần 90 ngàn lượt người (86.312 lượt người). Hiện tại có 15 triển lãm đang diễn ra trên nền tảng.
VAES của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang lại 4 lợi ích tới công chúng:
Thứ nhất, tiếp cận dễ dàng hơn: Người dùng có thể truy cập vào các bộ sưu tập, tác phẩm nghệ thuật và thông tin về bảo tàng mọi lúc, mọi nơi thông qua website hoặc ứng dụng di động.
Thứ hai, tăng cường trải nghiệm tương tác. Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường cho phép người dùng trải nghiệm các tác phẩm nghệ thuật một cách sinh động và dễ dàng tương tác.
Thứ ba, giáo dục nghệ thuật. Các triển lãm trực tuyến và tài liệu tương tác trực tuyến giúp người dùng hiểu biết hơn về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa, tạo ra không gian cho người yêu nghệ thuật giao lưu, chia sẻ ý tưởng và cảm nhận, giúp nhiều người tham gia hơn, không bị giới hạn bởi khoảng cách địa lý.
Thứ tư, khám phá nghệ thuật. Người dùng có thể dễ dàng khám phá nghệ thuật, thông tin về các nghệ sĩ, tác phẩm mới và xu hướng nghệ thuật thông qua nền tảng số một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Trong quá trình chuyển đổi số nhiều năm qua, Bảo tàng luôn nỗ lực, bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ, nghiên cứu và thể nghiệm để tạo ra những sản phẩm với mong muốn tăng cường trải nghiệm của công chúng, mở rộng cơ hội tiếp cận nghệ thuật và giáo dục nghệ thuật, đồng thời tạo ra sự kết nối mạnh mẽ hơn trong cộng đồng yêu nghệ thuật.
Ông Minh cho biết, việc thúc đẩy chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho người dân, trong đó phải kể tới những tiện lợi trong giao dịch. Theo đó, người dân có thể thực hiện các giao dịch trực tuyến, tiết kiệm thời gian và công sức. Các cơ quan nhà nước giúp giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết công việc và nâng cao chất lượng phục vụ.
"Bên cạnh việc tiếp cận thông tin dễ dàng, tăng cường kết nối, sự phát triển của công nghệ số giúp người dân dễ dàng truy cập thông tin, từ tin tức, giáo dục đến các dịch vụ công", ông Minh nói.
Việc nhanh chóng ứng dụng công nghệ số vào đời sống còn giúp nâng cao chất lượng giáo dục, có thể học tập trực tuyến và các tài liệu học tập số giúp người dân, đặc biệt là học sinh và sinh viên, có cơ hội học hỏi dễ dàng hơn.
Quảng bá các giá trị di sản văn hóa đến công chúng
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt cho hay bảo tàng đã tổ chức trưng bày trực tuyến, tạo các triển lãm ảo cho phép người xem khám phá các tác phẩm nghệ thuật và di sản văn hóa từ xa, giúp mở rộng đối tượng tham quan trên toàn cầu. Cung cấp thông tin, bản đồ và hướng dẫn tham quan, giúp người dân dễ dàng khám phá di sản văn hóa.
Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường với nội dung đa phương tiện tạo ra trải nghiệm sống động và tương tác cho người xem, giúp người xem dễ dàng tiếp cận và hiểu biết sâu hơn về giá trị của các tác phẩm nghệ thuật.
Ông Minh nhận thấy việc hợp tác tích cực với cộng đồng là nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và các tổ chức văn hóa để tổ chức sự kiện triển lãm trực tuyến, nhằm nâng cao nhận thức về di sản văn hóa. Sử dụng các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ hình ảnh, câu chuyện và thông tin về các tác phẩm nghệ thuật trên không gian VAES, qua đó thu hút sự quan tâm và tương tác từ cộng đồng.
Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho hay luôn tích cực tối ưu cho các chương trình giáo dục trực tuyến, đưa VAES là nguồn tư liệu hữu ích trong việc hỗ trợ tổ chức các khóa học và buổi giảng dạy trực tuyến về nghệ thuật và di sản văn hóa, giúp nâng cao kiến thức và tình yêu đối với văn hóa trong cộng đồng.
"Chúng tôi thường xuyên tổ chức khảo sát và phản hồi, sử dụng công nghệ để thu thập ý kiến phản hồi từ khách tham quan, từ đó cải thiện dịch vụ và nội dung quảng bá giá trị di sản", ông Minh nói.