Phá vỡ giới hạn địa lý
Gần một năm trước, tháng 10/2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (Virtual Art Exhibition Space – VAES), tại địa chỉ vnfam.trienlamso.com. Chỉ bằng thao tác chạm trên smartphone hoặc click chuột trên máy tính, khách tham quan bước vào không gian trưng bày kết hợp giữa mỹ thuật cổ và đương đại.
Ngay bên trái trang chủ, 12 không gian trưng bày với nhiều chủ đề phong phú như Tấm lòng nghệ sĩ Việt Kiều với Bác Hồ, Phạm Luật, Sắc Dó, Con đường độc lập, Ký hoạ kháng chiến miền Nam,… để người tham quan lựa chọn.
Khác với các bảo tàng trước nay đều chỉ đón khách trong khung giờ nhất định và bị hạn chế bởi khoảng cách địa lý thì nay, khách tham quan ở khắp nơi trên thế giới vào tham quan bảo tàng số không quản ngày giờ, cho dù ở bất cứ nơi đâu.
Hoạ sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ: “Trong thời đại số, nếu không tận dụng được công nghệ thì thật lãng phí, cả về không gian và thời gian. Bảo tàng thường mở cửa từ 8h sáng đến 5h chiều, thế nhưng một người châu Âu vẫn có thể tham quan bảo tàng số tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam lúc nửa đêm. Đó là lợi thế của không gian triển lãm trực tuyến. Hơn thế, triển lãm không chỉ diễn ra trong một tuần tại đây mà tùy theo mức độ quan tâm của những người yêu nghệ thuật có thể diễn ra 1 hoặc 2 tháng”.
Từ khi ra mắt và đưa vào hoạt động, từ tháng 10/2023 tính đến hết tháng 6/2024, Không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến VAES đã thu hút hơn 50.000 lượt truy cập từ những người quan tâm thuộc các quốc gia trên thế giới. Lượng truy cập cao nhất trong tháng 3/2024 với 12.000 lượt.
Trao đổi với VietTimes, TS. Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, không gian triển lãm Mỹ thuật trực tuyến VAES của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam mang đến một nền tảng sáng tạo để kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu liên quan đến nghệ thuật và văn hóa, để giới thiệu và phát huy giá trị di sản mỹ thuật, sức sống mới của nền mỹ thuật nước nhà đến với đông đảo công chúng trên toàn cầu.
"Chúng tôi gửi vào đó mong muốn xoá đi giới hạn về khoảng cách, kết nối không gian, không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến còn mang tính chia sẻ thông tin về các tác phẩm nghệ thuật giá trị của Việt Nam đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ họa sỹ đương đại”, TS. Nguyễn Anh Minh nói.
Bước khởi đầu tạo nên môi trường mỹ thuật hấp dẫn
Nói về xu hướng phát triển các phòng trưng bày triển lãm, bảo tàng ảo, NSND Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ góc nhìn rằng tất cả các nghệ sĩ đều có nhu cầu giới thiệu tác phẩm của mình. Không gian trưng bày ảo là một kênh rất mới, giúp công chúng yêu nghệ thuật tương tác với nghệ sĩ, với tác phẩm một cách dễ dàng. Theo ông, không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trở thành địa chỉ lưu giữ rất nhiều tác phẩm tốt cho Nhà nước, những tác phẩm tiêu biểu cho lịch sử mỹ thuật Việt Nam ở nhiều thời kỳ.
Ông bày tỏ mong muốn bảo tàng ảo là bước khởi đầu và cùng với nó, hệ thống các sàn đấu giá, bảo tàng tư nhân... sẽ cùng nhau tạo nên một môi trường mỹ thuật hấp dẫn hơn với công chúng, làm cho mỹ thuật không những là có tiếng, đứng vững ở thị trường Việt Nam mà còn lan tỏa ra quốc tế.
“Chất lượng của tượng, của tranh được số hóa càng sát với chất lượng bản gốc càng tốt, nó sẽ giúp cảm nhận của công chúng chân thực hơn, giúp các nhà sưu tầm có đánh giá đúng về tác phẩm. Đây là điều rất quan trọng, có tính quyết định đối với thành công của một triển lãm, bảo tàng ảo”, NSND Vương Duy Biên nói.
Để công tác chuyển đổi số, số hóa, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào trưng bày, trải nghiệm, phục vụ khách tham quan, nhiều chuyên gia cho rằng cần có sự đồng bộ hơn nữa, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bảo tàng và các nguồn lực khác.
Trong đó, đối với các bảo vật là hiện vật mỹ thuật cổ dạng 3D như tượng gỗ, cánh cửa gỗ,… hoàn toàn có thể nghiên cứu thực hiện các video tái hiện lại quy trình thực hiện tác phẩm theo phương pháp truyền thống bằng kỹ thuật 3D từ các bước như chọn gỗ, ghép mộng gỗ, kỹ thuật đục, chạm, làm sơn… giúp người xem đến gần với tác phẩm, hiểu hơn về kỹ thuật chế tác, quan niệm văn hóa truyền thống của người Việt.
Ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyên môn
Trước đó, tháng 4/2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA, hỗ trợ trên cả 2 hệ điều hành Android và iOS. Đây là ứng dụng gồm âm thanh, văn bản và hình ảnh chất lượng cao, trợ giúp du khách tham quan trực tuyến và trực tiếp tại Bảo tàng.
Với 8 ngôn ngữ phổ biến Việt, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha, iMuseum VFA cung cấp những bài thuyết minh cô đọng về 165 hiện vật tiêu biểu, giúp công chúng trong nước và quốc tế tiếp cận thông tin tương đối đầy đủ về các tác phẩm mỹ thuật Việt.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, iMuseum VFA có nhiều tính năng vượt trội, đáp ứng nhu cầu thực tế của du khách. Chính vì vậy, lượng bán vé của iMuseum VFA đều đặn duy trì tương ứng 10% trên tổng số vé tham quan. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được nhận Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2021, hạng mục Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc.
Với sự đổi mới cách thức truyền thông quảng, giai đoạn 2021-2023, lượng người trẻ đến bảo tàng ngày càng đông, chiếm khoảng 40% tổng lượng khách tham quan. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã và đang tích cực đổi mới, chuyển mình, thể hiện rõ nét qua việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động chuyên môn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Minh cho rằng, bài toán đổi mới trong bối cảnh hiện nay không thể chỉ do các đơn vị văn hóa nhà nước thực hiện đơn độc mà cần sự tham gia của toàn xã hội.