Hôm qua, Vingroup (HoSE:VIC) cho biết đã ký kết với Công ty Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19. Theo thoả thuận, Arcturus Therapeutics sẽ cấp giấy phép độc quyền và CTCP Công nghệ Sinh học VinBioCare (công ty thành viên của Vingroup) sẽ tiến hành sản xuất vaccine phòng Covid-19 có tên VBC-COV19-154. Vaccine theo công nghệ mRNA, có khả năng chống lại các biến chủng mới nguy hiểm như Delta (Ấn Độ), Alpha (Anh), Beta (Nam Phi), Gamma (Brazil)…VBC-COV19-154 có dạng đông khô, vận chuyển thuận tiện ở nhiệt độ từ 2 – 8 độ C.
Hiện, kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 của VBC-COV19-154 tại Singapore và Mỹ cho tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh đạt trên 90%, đạt yêu cầu về độ an toàn và khả năng dung nạp. Theo lộ trình, tháng 8, VinBioCare sẽ phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo của Bộ Y tế đưa vaccine VCB-COV19-154 vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam trên quy mô 20.000 người. Tháng 12, VinBioCare dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Y tế xin cấp phép khẩn cấp có điều kiện để sử dụng VCB-COV19-154 tại Việt Nam. Dự kiến, lô vaccine đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào đầu năm 2022.
Nhà máy sản xuất vaccine của VinBioCare sẽ đặt tại Tổ hợp Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử VinSmart tại KCN Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội) với tổng vốn đầu tư hơn 200 triệu USD, công suất 200 triệu liều mỗi năm. Hiện nay VinBioCare đã ký kết xong các hợp đồng mua sắm máy móc thiết bị, dự kiến trong tháng 9 sẽ dùng chuyên cơ chuyển về Việt Nam. Công tác xây dựng nhà xưởng cũng đã cơ bản hoàn thành, việc lắp đặt thiết bị dự kiến sẽ kết thúc trong tháng 11/2021.
Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện 5 loại vaccine phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam của Moderna (Skipevax hay mRNA-1273), Pfizer/BioNtech (BNT162b2), Sputnik V (Gam-COVID-Vac), Astra Zeneca (AZD1222) và Vero Cell của Sinopharm. Các hãng dược này cũng đạt được kết quả kinh doanh khả quan nhờ việc khan hiếm vaccine phòng dịch Covid-19.
Ngoài các loại nói trên, Việt Nam hiện đàm phán chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất 4 loại vaccine khác gồm 2 sản phẩm nội địa và 2 sản phẩm nhận chuyển giao công nghệ. 2 sản phẩm nội địa là Covivac và Nanocovax.
Về chuyển giao công nghệ, Công ty Tiến bộ quốc tế (AIC) và Công ty Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đã ký thỏa thuận với Công ty Shionogi (Nhật Bản), chuẩn bị triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine.
Đồng thời, Vabiotech và Công ty DS-Bio đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vaccine Sputnik-V từ bán thành phẩm. Dự kiến, đến 10/8 sẽ có kết quả kiểm định, sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã tìm kiếm, mở rộng nguồn cung vaccine phòng Covid-19 để sớm bao phủ vaccine cho ít nhất 70% dân số nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng vào đầu năm 2022. Bộ đã có cam kết và ký hợp đồng đảm bảo được cung cấp 170 triệu liều vaccine Covid-19. Tính đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 17,6 triệu liều vaccine Covid-19 cho 5 loại vaccine được phê duyệt và gần 7 triệu liều vaccine được tiêm chủng.
Các nhà sản xuất vaccine mRNA tăng giá nhờ độc quyền
|
Vaccine Pfizer và Moderna. Ảnh: Reuters |
Theo Financial Times, Pfizer và Moderna đã nâng giá bán vaccine trong các hợp đồng cung cấp gần đây nhất cho Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, một liều vaccine BNT162b2 tăng từ 18,39 USD lên 23,15 USD và giá của vaccine Moderna cũng tăng từ 22,6 USD lên 25,5 USD.
Trong khi đó, kỹ thuật sản xuất vaccine của Pfizer và Moderna được phát triển nhờ nguồn ngân sách công với khoảng 8,3 tỷ USD. Điều này cho thấy những loại vaccine này có thể được sản xuất với chi phí khoảng 1,2 USD/liều.
Tuyên bố mới nhất của Liên minh Vaccine cũng chỉ ra rằng vaccine của Pfizer và Moderna đang được chào bán cho các chính phủ với mức giá cao hơn 41 tỷ USD so với chi phí sản xuất ước tính. Cụ thể, EU trả quá 1,96 tỷ USD cho các đơn hàng mua hai loại vaccine này, Colombia có khả năng trả cao hơn 375 triệu USD so với chi phí ước tính …
Tính đến nay Pfizer và Moderna đã bán hơn 90% số vaccine của họ cho các quốc gia giàu có với giá cao gấp 24 lần chi phí sản xuất ước tính bất chấp sự gia tăng nhanh chóng các trường hợp mắc và tử vong do Covid-19 trên khắp các nước đang phát triển. Điều đáng nói là cả hai hãng dược phẩm đều không đồng ý chuyển giao đầy đủ công nghệ vaccine mRNA với bất kỳ nhà sản xuất có năng lực nào ở các nước đang phát triển. Theo Liên minh Vaccine, đây là một động thái nhằm ngăn cản nguồn cung vaccine giá rẻ trên toàn cầu và cứu sống hàng triệu người.
COVAX, cơ chế được thành lập để giúp các quốc gia tiếp cận với vaccine Covid-19, đã phải chi trả với mức giá trung bình gấp gần 5 lần và cũng phải chật vật để có đủ liều lượng đáp ứng nhu cầu bởi các nước giàu đã tìm cách để được đứng đầu danh sách chờ mua bằng các mức giá cao hơn nhiều.
COVAX cho biết rằng đối với 1,3 tỷ liều đầu tiên, họ phải trả giá trung bình là 5,2 USD/liều. Với giá được báo cáo sẵn có cho các loại vaccine, giả thiết hợp lý là COVAX trả ít hơn 5,2 USD cho vaccine AstraZeneca (thấp hơn giá trung bình) và có khả năng trả nhiều hơn cho Pfizer/BioNTech (cao hơn giá trung bình).
Nếu độc quyền về vaccine làm hạn chế nguồn cung và đẩy giá tăng lên, số tiền mà COVAX chi cho đến nay có thể đủ để tiêm chủng đầy đủ cho tất cả các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Tuy nhiên, vì không mua được bằng giá thành sản xuất nên COVAX sẽ chỉ cung cấp được cho nhiều nhất là 23% dân số thế giới vào cuối năm 2021.
Moderna lần đầu lãi tỷ đô nhờ vaccine mRNA
Vaccine Moderna và vaccine Pfizer/BioNtech là 2 loại vaccine phòng Covid-19 được sản xuất theo công nghệ sử dụng vật chất di truyền dạng RNA (mRNA - Messenger RNA), giúp cơ thể tạo ra protein bề mặt của virus corona (protein gai) để đánh lừa hệ thống miễn dịch rằng đã bị nhiễm virus và “huấn luyện” tạo kháng thể phù hợp chống lại mầm bệnh.
Công nghệ mRNA là bước chuyển lớn so với công nghệ bào chế vaccine truyền thống (thường dùng virus đã bị làm yếu, virus đã chết hoặc một phần của virus). Ưu điểm lớn nhất của công nghệ này là không cần nuôi protein virus tinh khiết, phân tử mRNA đơn giản hơn so với protein. Đối với vaccine, mRNA được sản xuất bằng phương pháp hóa học tổng hợp chứ không phải sinh học, do đó việc thiết kế, mở rộng quy mô và sản xuất hàng loạt nhanh hơn so với vaccine truyền thống. Điều này đẩy mạnh sản xuất vaccine nhanh chóng hơn, đáp ứng hiệu quả khi có đại dịch xảy ra trong thời gian ngắn và quy mô rộng lớn.
Về vaccine BNT162b2, đây là sản phẩm của tập đoàn dược phẩm Pfizer, New York (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz (Đức) hợp tác phát triển. Vaccine phòng Covid-19 của hãng là loại vaccine đầu tiên được Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12/2020.
Pfizer là một trong những cái tên tiêu biểu của trong thị trường dược phẩm thế giới. Khởi đầu từ một công ty dược phẩm và hóa chất nhỏ, Pfizer đã trở thành công ty dược phẩm toàn cầu tập trung vào lĩnh vực phát triển các loại thuốc, vaccine trong nhiều lĩnh vực bao gồm ung thư học, miễn dịch học, thần kinh học và tim mạch… Sản phẩm nổi tiếng nhất của Pfizer có thể kể đến là Viagra - thuốc trị rối loạn cương dương và giảm ham muốn tình dục nam.
|
Pfizer mới đây đã nâng dự báo doanh thu bán vaccine BNT162b2 năm nay lên mức 33,5 tỷ USD, tăng 28,8% so với dự báo trước đó. Pfizer cho biết quyết định nâng doanh thu vaccine dự kiến dựa trên những thỏa thuận đã được ký kết về việc bán khoảng 2,1 tỷ liều vaccine trong năm nay và con số trên có thể sẽ tiếp tục tăng nếu công ty ký thêm các hợp đồng khác. Năm 2021, Pfizer và BioNTech dự kiến sản xuất khoảng 3 tỷ liều vaccine Covid-19. Số lượng này có thể tiếp tục tăng mạnh trong 2022 sau khi hãng công bố thông tin rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể sẽ cần tiêm thêm một mũi thứ 3 để tăng khả tăng chống lại biến thể của virus corona. Ngày 28/7, Pfizer thông báo sẽ nộp hồ sơ xin cấp phép khẩn cấp việc tiêm bổ sung mũi 3 vào đầu tháng 8 tới.
Theo báo cáo lợi nhuận quý II, doanh thu công ty tăng 92% lên gần 19 tỷ USD, trong đó doanh thu bán vaccine Covid-19 lên đến 7,8 tỷ USD. Lợi nhuận sau thuế tăng 60% lên gần 5,6 tỷ USD. Trước đó, công ty dược phẩm này đã có kết quả kinh doanh vaccine Covid-19 tích cực ngay trong quý đầu tiên của năm với doanh thu ở mức gần 3,5 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng doanh thu quý I.
Sau nửa đầu năm, tổng doanh thu đạt gần 33,6 tỷ USD, tăng 68% so với cùng kỳ. Riêng vaccine BNT162b2 đóng góp 34% vào cơ cấu doanh thu, tương đương 11,3 tỷ USD, trong đó đơn hàng tại Mỹ có giá trị 5,4 tỷ USD. Hiện vốn hóa thị trường của Pfizer gần 230 tỷ USD, giá cổ phiếu PFE giao dịch quanh mức 43 USD, tăng 19% so với đầu năm.
|
Vaccine mRNA còn lại được sản xuất bởi ModernaTX, Inc. - công ty công nghệ sinh học của Mỹ được thành lập vào năm 2010, trụ sở đặt tại Cambridge, Massachusetts (Mỹ). Doanh nghiệp này chuyên phát triển công nghệ mRNA và là một trong những công ty tiến hành nghiên cứu vaccine phòng virus corona chủng mới từ những ngày đầu tiên, khi cấu trúc gen của virus SARS-CoV-2 được công bố.
Từ cuối tháng 12 năm ngoái, Moderna bắt đầu bán vaccine Covid-19 cho Mỹ và các quốc gia khác. Tập đoàn Zuellig Pharma là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối vaccine cho các quốc gia Đông Nam Á.
Vào tháng 5, hãng dược phẩm dự báo nguồn cung vaccine trong năm nay tăng từ 800 triệu liều lên 1 tỷ liều, qua đó doanh thu bán vaccine Covid-19 đạt 19,2 tỷ USD, cao hơn dự báo trước đó là 18,4 tỷ USD. Số lượng vaccine cung cấp trong năm 2022 kỳ vọng lên đến khoảng 3 tỷ liều.
Moderna chưa có báo cáo tài chính quý II nhưng đã có kết quả kinh doanh tích cực ngay trong quý I. Kinh doanh vaccine Covid-19 đã giúp công ty lần đầu tiên đạt doanh thu tỷ đô. Cụ thể, doanh thu 3 tháng đầu năm đạt 1,9 tỷ USD, trong khi cùng kỳ ở mức 8 triệu USD. Về cơ cấu doanh thu, hoạt động bán vaccine Moderna đã mang về hơn 1,7 tỷ USD, trong đó 1,4 tỷ USD từ việc bán vaccine cho chính phủ Mỹ. Sau 3 tháng đầu năm, lợi nhuận đạt hơn 1,2 tỷ USD, cải thiện so với khoản lỗ 124 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.
|
AstraZeneca thu lời kém hơn Pfizer do bán giá thấp
Khác với hai loại vaccine trên, vaccine AstraZeneca và Sputnik V là theo cơ chế vector. Đây là loại vaccine sử dụng một loại virus khác, không gây bệnh nhưng giúp chuyển tải kháng nguyên của virus corona vào cơ thể. Công nghệ này đã được ứng dụng trong nhiều loại vaccine, điển hình như vaccine Ebola.
Vaccine AstraZeneca được phát triển bởi sự cộng tác của hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford. AstraZeneca là công ty dược phẩm sinh học toàn cầu tập trung phát minh, phát triển các loại thuốc đặc trị trong các lĩnh vực ung thư, tim mạch, thận & chuyển hóa và hô hấp, miễn dịch. Hãng dược phẩm có trụ sở tại Anh, bên cạnh kinh doanh tại hơn 100 quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
Ngày 29/7 vừa qua, lãnh đạo AstraZeneca chia sẻ hãng và các đối tác đã phân phối 1 tỷ liều vaccine phi lợi nhuận cho hơn 170 quốc gia. Việc này khiến hiệu suất kinh doanh của AstraZeneca bị kém hơn so với Pfizer. Bên cạnh đó, công ty cũng phải đối mặt với những nghi ngờ về tính an toàn và đình chỉ ở một số quốc gia châu Âu vì các báo cáo về tình trạng máu đông hiếm gặp. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan quản lý Dược phẩm châu Âu đã tuyên bố lợi ích của loại vaccine này vượt trội hơn bất kỳ rủi ro nào.
Tại quý IV năm ngoái, doanh số bán hàng đã tăng 12% lên hơn 7 tỷ USD nhờ phát triển vaccine chống Covid-19. Công ty cho biết đây là lần đầu tiên trong nhiều năm doanh số bán sản phẩm hàng quý tăng mạnh như vậy. Trong nửa đầu năm nay, gã khổng lồ dược phẩm nước Anh cho biết doanh thu bán vaccine Covid-19 đạt 1,2 tỷ USD nhờ sản xuất 319 triệu liều. Cộng thêm sự đóng góp của các mảng kinh doanh khác như ung thư học, miên dịch học, tim mạch…tập đoàn ghi nhận tổng doanh thu tăng 25% lên 15,5 tỷ đồng và lợi nhuận ròng tăng 40% lên 2,1 tỷ đô la trong nửa đầu năm.
|
Theo NDH