Bệnh viện 198:

2 bệnh nhân nguy kịch thoát 'lưỡi hái tử thần' nhờ phương pháp mổ hiện đại

VietTimes -- Nhờ làm chủ kỹ thuật chụp mạch số hóa xóa nền DSA kết hợp với nút mạch, các bác sĩ của Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện 198 (Bộ Công an) vừa cứu sống 2 bệnh nhân chấn thương nguy kịch do tai nạn giao thông.
2 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 198.

Anh Phùng Đức M. (33 tuổi) và ông Phí Văn L. (62 tuổi) liên tiếp nhập viện trong hai ngày cuối tháng 10/2019.

Anh M. bị tai nạn xe máy gây đa chấn thương khắp cơ thể: sọ não, ngực kín, dập phổi, gẫy xương quay trái, chấn thương bụng kín vỡ lách nặng, tràn dịch ổ bụng. Còn ông L. chấn thương ngực kín gẫy nhiều xương sườn 2 bên, tổn thương bụng kín, vỡ gan, chấn thương sọ não và hàm mặt…

Mặc dù phải chịu đa chấn thương nặng, bệnh nhân có tốc độ hồi phục rất nhanh nhờ gặp được các bác sĩ có tay nghề tốt, đã làm chủ được kỹ thuật cao trong điều trị. 

Hôm nay (5/11), sau gần 1 tuần điều trị tích cực, 2 bệnh nhân đã hồi phục, có thể ăn uống.

Chia sẻ với VietTimes, bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường – Phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện 198 cho biết 2 bệnh nhân đều được điều trị bằng phương pháp nút mạch lách và mạch gan đang chảy để cầm máu trên hệ thống chụp mạch xóa nền DSA (Digital Subtraction Angiography).

Các bác sĩ sử dụng một ống thông nhỏ đường kính khoảng 1mm, luồn từ vùng bẹn phải vào động mạch đùi, đưa lên động mạch chủ vào đến động mạch gan và lách. Tiếp theo, bệnh nhân được bơm thuốc cản quang chụp toàn bộ hệ động mạch của gan, lách nhằm xác định nhánh động mạch bị vỡ gây chảy máu ổ bụng để bơm thuốc tắc mạch cầm máu.

Các bác sĩ của Bệnh viện 198 phẫu thuật cho bệnh nhân

“Phương pháp này có ưu điểm giúp chúng tôi can thiệp chính xác vào khu vực đang chảy máu ở trong gan và lách, giúp cầm máu tức thì. Trong thời gian đó, chúng tôi có thể xử trí các tổn thương ở khu vực khác trên cơ thể bệnh nhân” - bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường nói.

“Thông thường, những ca mổ này có thể kéo dài từ 2 đên 3 tiếng, chưa tính tới thời gian truyền máu. Thậm chí có trường hợp bệnh nhân phải cắt tạng. Nhưng với kỹ thuật mới, các bác sĩ chỉ mất 45 phút đến 1 giờ đồng hồ để có thể phẫu thuật thành công, thời gian mổ ngắn đi, bệnh nhân chỉ phải chịu xâm lấn tối thiểu” – bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường chia sẻ.

Nhờ vậy, bệnh nhân tránh được một cuộc đại phẫu, mổ mở, phải chăm sóc vết thương lâu ngày, ít phải chịu đau đớn hơn, tránh được các biến chứng gồm tắc ruột, chảy máu, biến chứng của gây mê trong phẫu thuật…

Tuy hiệu quả là thế song không phải bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng phương pháp hiện đại này. Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Trường, phương pháp nút động mạch chỉ định trong các trường hợp chấn thương gan, lách độ II, III và một số trường hợp độ IV, đồng thời không có các tổn thương các tạng khác kèm theo như vỡ ruột, vỡ dạ dày...

Bên cạnh đó, kỹ thuật nút mạch còn được áp dụng hiệu quả cho nhiều các bệnh lý của các cơ quan bộ phận khác nhau như: các bệnh về mạch máu do chấn thương, không do chấn thương, các chấn thương vỡ gan, lách, thận; u gan, ho ra máu, u xơ tử cung, u tiến liệt tuyến, tiêu sợi huyết do nhồi máu não.