|
Có 17.000 lô đất để bố trí tái định cư cho người dân bị “lọt sổ” nhưng không ai nhận là đã giấu. |
“Tất cả đơn vị liên quan đã nộp kiểm điểm nhưng không thừa nhận giấu đất. Nhưng việc có giấu đất không, ai là người giấu, cơ quan nào giấu thì TP sẽ kiểm tra, nếu phát hiện ra sẽ xử lý” - ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, trả lời báo chí hôm 9-4.
Ông Thương lý giải hằng năm Đà Nẵng đều tổng rà soát quỹ đất TĐC và yêu cầu phân bổ nền cho người dân. Tuy nhiên, có những lý do khách quan, chủ quan dẫn đến việc tổng rà soát chưa đến nơi đến chốn. “Vừa rồi lãnh đạo TP chỉ đạo một cách quyết liệt, cụ thể, có khoa học, có phương pháp cho nên mới xác định được con số thừa 17.000 lô như thế. Việc để thừa 17.000 lô đất như vậy là do chưa nắm hết số liệu, chưa nắm hết số lô đất, thống kê chưa sát thực tế, chưa khoa học nên thừa đất TĐC mà không biết. Từ những kiểm điểm mà các ban này đã gửi, TP sẽ có hướng xử lý tiếp theo” - ông Thương khẳng định.
Trả lời Pháp Luật TP.HCM về những cáo buộc nghi vấn tham nhũng tại dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên tại Đà Nẵng (tổng vốn đầu tư trên 218 triệu USD) WB vừa đưa ra, ông Thương cho biết diện mạo TP như hôm nay là nhờ huy động được nhiều nguồn vốn, trong đó có sự đóng góp lớn của WB. Nhưng về những cáo buộc của công ty tư vấn Mỹ (Louis Berger Group, Inc) thì Đà Nẵng chỉ mới được biết trên báo chí. Khi nào TP nhận được thông tin chính thức sẽ có chỉ đạo cụ thể cho các đơn vị liên quan.
Cũng tại buổi họp báo, các PV đã chất vấn việc ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khi đương chức đã cho phép cải tạo đất tại huyện Hòa Vang. Từ đây doanh nghiệp, người dân theo chiêu bài cải tạo đất sản xuất đã khai thác đất mặt (không làm thủ tục khai thác khoáng sản) đem bán thu hàng tỉ đồng gây bức xúc dư luận. Theo ông Thương, hiện TP đã chỉ đạo Sở TN&MT cùng huyện kiểm tra, rà soát lại và dự kiến sẽ có kết luận vào tuần tới. “TP có chủ trương cho người dân cải tạo đất sản xuất là đúng nhưng trình tự, thủ tục thực hiện lại không đúng. Đáng lẽ sau khi có chủ trương, huyện Hòa Vang phải phối hợp Sở TN&MT để hướng dẫn người dân làm đủ thủ tục rồi mới cấp phép khai thác. Nhưng huyện lại bỏ qua nên khi báo chí phản ánh thì TP yêu cầu tạm dừng và đã yêu cầu huyện Hòa Vang kiểm điểm” - ông Thương thông tin.
Theo ông Thương, con đường lên đỉnh Bà Nà là do Đà Nẵng đầu tư, được giao cho Sở GTVT và UBND huyện Hòa Vang quản lý. Tuy nhiên, vì vấn đề an toàn nên TP chỉ khuyến cáo người dân không nên đi chứ không cấm. Khi báo chí phản ánh việc Tập đoàn Sun Group dựng barie, không cho người dân sử dụng con đường này thì TP đã hỏi tập đoàn này. Sun Group trả lời là không chặn barie. Nếu Sun Group lập barie cấm đường là không đúng.
Theo PLTP