|
S-Fone từng được coi như nhân tố tiên phong trong việc phá vỡ thế độc quyền viễn thông di động trên thị trường. |
Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông vừa cho biết, mạng di động sử dụng công nghệ CDMA cuối cùng của Việt Nam là S-Fone đã chính thức hết giấy phép. Việc xin gia hạn của nhà đầu tư cũng không được chấp thuận. Theo đó, Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT) - đơn vị sở hữu thương hiệu này -không còn quyền sử dụng kho số viễn thông, tần số vô tuyến điện.
Là thương hiệu của Trung tâm điều hành mạng S-Telecom, S-Fone ra đời theo hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa đối tác Việt Nam là SPT và Hàn Quốc SLD Telecom. Số tiền nhà mạng này có khi thành lập năm 2002 là 230 triệu USD và đến năm 2007, các bên hợp doanh đã ra tuyên bố nâng tổng vốn đầu tư hạ tầng lên 543 triệu USD.
Chính thức đi vào hoạt động vào giữa năm 2003, S-Fone là nhà mạng dùng công nghệ CDMA (đa truy cập phân chia theo mã) đầu tiên của Việt Nam. Trước đó, thị trường di động chỉ có VinaPhone và MobiFone đều sử dụng công nghệ GSM. Cả 2 nhà mạng này đều trực thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Chính vì thế, sự xuất hiện của S-Fone được coi như nhân tố tiên phong trong việc phá vỡ thế độc quyền viễn thông di động của VNPT.
Nhà mạng này được cơ quan quản lý cấp cho đầu số 095 và băng tần 850MHz. Đây là băng tần được đánh giá thuộc loại tốt, nhiều quốc gia châu Mỹ như Canada, Mỹ, Brazil... sử dụng (cùng với 1900MHz). Ngoài 2G - công nghệ truyền tải dữ liệu thoại và tin nhắn, băng tần này có thể sử dụng để phục vụ cho nền mạng 3G - cho phép truyền tải dữ liệu thoại và ngoài thoại (hình ảnh, email...).
Công nghệ CDMA mà S-Fone sử dụng có dung lượng và tốc độ truyền dữ liệu cao. Với công nghệ này, người sử dụng có nhiều tiện ích về chất lượng cuộc thoại, bán kính phủ sóng và khả năng chống nhiễu tốt... Dịch vụ nổi trội của S-Fone là vừa bảo mật thông tin vừa hạn chế khả năng bị trộm máy, bởi công nghệ CDMA không dùng sim, mỗi máy chỉ có một mã sản xuất duy nhất. Sau khi chủ máy báo mất điện thoại về trung tâm thì không ai có thể sử dụng được máy đó. Cũng vì lý do này, khi hoà mạng mới (cả loại hình thuê bao trả trước và trả sau), khách hàng phải xuất trình chứng minh nhân dân và hộ khẩu. Thêm vào đó, muốn đổi máy, khách hàng phải đến các cửa hàng trực tiếp hoặc đại lý làm thủ tục kích hoạt lại đúng số của mình cho máy mới.
Lãnh đạo nhà mạng khi đó cho rằng, tính bảo mật chính là một trong những ưu thế nổi bật của S-Fone. Ngoài ra, việc tính cước theo block 10 giây ngay từ phút đầu tiên sẽ khiến dịch vụ của nhà mạng khi đó rẻ hơn so với các đơn vị khác khoảng 15%. Nhà mạng này cũng tung các chương trình khuyến mại được coi là rất mới mẻ và hấp dẫn đối với thị trường vào thời điểm đó, đặc biệt là hình thức giảm giá máy di động thật rẻ khi mua một cặp máy, trong đó có một thuê bao trả sau.
Năm 2006, nhà cung cấp dịch vụ đã đưa ra mức giá chỉ 399.000 đồng cho cả thẻ sim có sẵn tài khoản và điện thoại. Nhắm vào đối tượng những người chưa có cơ hội tiếp cận với điện thoại di động, mức giá này đã giúp nhà mạng gia tăng lượng thuê bao mới. Ban đầu, chiến lược của S-Fone là chỉ phủ sóng ở Hà Nội và TP HCM. Chia sẻ với báo giới khi đó, lãnh đạo đơn vị này khi đó cũng nhận định, thị trường viễn thông Việt Nam đủ lớn và đủ chỗ cho nhiều nhà mạng cạnh tranh.
Kỳ vọng lớn và lần lượt tung ra các chương trình khuyến mại nhằm tăng số lượng thuê bao song sự khó khăn liên tục đeo đuổi S-Fone trong suốt thời gian hoạt động. Chỉ một năm sau khi nhà mạng này chính thức hoạt đông, Viettel cũng tham gia thị trường và theo đuổi chiến lược giá rẻ, đầu tư nhanh. Cũng không lâu sau đó, năm 2006-2007, thị trường có sự góp mặt thêm của 2 nhà cung cấp dịch vụ CDMA là HT-Mobile và EVN Telecom.
Cuộc chiến trên thị trường viễn thông ở giai đoạn này được coi là "nóng bỏng" nhất, đặc biệt về giá cước khi các nhà mạng đều đua nhau giảm giá về mức ngang bằng nhau và hợp hơn túi tiền của người dân. Do đó, giá cước của S-Fone cũng không còn là lợi thế.
Một trong những điểm mấu chốt nữa nằm ở công nghệ CDMA - vốn ít thiết bị đầu cuối trên thị trường, trong khi người dùng mạng GSM khi đó có thể lựa chọn giữa hàng trăm mẫu điện thoại mới với nhiều tính năng. Một nhà mạng khác cũng đã gặp khó khăn khi sử dụng công nghệ này là HT-Mobile. Ngoài ra, tính bảo mật được S-Fone nhận định là thế mạnh của mình lại khiến đa phần khách hàng ngần ngại.
Vì thế, trong khi số thuê bao của các đối thủ khác liên tục tăng thì S-Fone có giai đoạn gần như không tăng trưởng. Tới đầu năm 2008, nếu tính cả số thuê bao được HT-Mobile gửi gắm sau khi chuyển đổi công nghệ thì S-Fone mới hơn 3 triệu số. Trong khi đó, các đối thủ lớn khác, số thuê bao đã tính tới hàng chục triệu.
Đầu năm 2012, SPT xác định kế hoạch "thay máu" công nghệ, khai tử CDMA để chuyển sang HSPA để tiến lên 3G (con đường mà các mạng lớn ở Việt Nam đang đi). Tuy nhiên, trước khi thực hiện được kế hoạch chuyển đổi nói trên thì nhà mạng đã liên tục sa lầy trong những khó khăn kể từ năm 2010 sau khi đối tác Hàn Quốc tuyên bố rút khỏi dự án, khiến SPT ngày càng bế tắc.
Từ năm đó, số lượng thuê bao của S-Fone còn rất ít. Để tránh bị thua lỗ nặng, nhà mạng bắt đầu cắt các trạm BTS của mình trên toàn quốc. Vùng phủ sóng dần bị thu hẹp lại, chỉ còn ở các thành phố lớn.
Giữa năm 2012, S-Fone sa thải toàn bộ nhân viên, đóng cửa tất cả các điểm giao dịch, website ngừng hoạt động. Không lâu sau đó, lãnh đạo doanh nghiệp xác nhận đã mất khả năng chi trả. Nhà mạng nợ lương, bảo hiểm của nhân viên lên đến hàng chục tỷ đồng cũng như phí thuê nhà trạm mà không thể thanh toán.
Đại diện nhà mạng khi đó thừa nhận không còn thuê bao nào, mạng lưới tê liệt và không có lưu lượng phát sinh. Cùng với đó, họ phải gánh khoản nợ khổng lồ, bao gồm phí tần số, kho số, viễn thông công ích, phí hạ tầng nhà trạm...
Trao đổi với báo giới khi đó, lãnh đạo cấp cao của S-Fone từng lý giải, có 4 nguyên nhân dẫn tới thất bại của mạng di động này. Thứ nhất, chiến lược kinh doanh tới đâu phủ sóng tới đó là sai lầm. Thứ hai, mạng CDMA nhận được hỗ trợ rất ít từ các hãng máy điện thoại đầu cuối. Thứ ba, những rắc rối trong việc vận hành mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) giữa 2 đối tác khiến các quyết định kinh doanh được đưa ra chậm.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, chính sách quản lý thời kỳ ban đầu không cho phép S-Fone đưa ra những chương trình mang tính đột phá để tạo ra cú huých mạnh đối với sự phát triển. Vị lãnh đạo này nói thêm, khi muốn có một chương trình giảm cước hay khuyến mại gây sốc, S-Fone đều cần phải xin phép cơ quan quản lý. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình được tung ra đều không đủ độ mạnh cần thiết, cũng không kịp thời nên các cơ hội kinh doanh cứ trôi dần.
Từ năm 2012 đến nay, S-Fone gần như chấm dứt sự tồn tại trên thị trường. Tuy nhiên, việc giấy phép vừa hết hạn cũng đồng nghĩa con đường trên thị trường viễn thông Việt Nam của doanh nghiệp này đã đến hồi kết sau nhiều năm sống lay lắt.
Theo VnExpress