Tính đến ngày 20/8, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cả nước đạt 65,11%, trong đó tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 là 43,4%. |
Bộ TT&TT vừa tiếp tục có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai, cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.
Đưa 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 đã được Bộ TT&TT xác định là một chỉ tiêu quan trọng cần đạt để mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử được hoàn thành trong năm 2021 và mở đầu cho giai đoạn thực hiện chiến lược Chính phủ số.
Trong các tháng gần đây, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục Tin học hóa đã đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 7, Bộ TT&TT có công văn 2662 gửi các bộ, địa phương về đẩy mạnh triển khai kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm 2021.
Tuy nhiên đến nay, theo thống kê, vẫn còn một số bộ, tỉnh chưa ban hành kế hoạch hoặc chưa thúc đẩy tiến độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 trung bình của cả nước mới đạt 43,4%.
Để hoàn thành mục tiêu cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến mức độ 4 trong năm nay, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo xây dựng và triển khai ngay kế hoạch của bộ, tỉnh mình trong năm 2021 (nếu chưa xây dựng) theo hướng dẫn của Cục Tin học hóa.
Với 12 bộ, tỉnh chưa ban hành kế hoạch, Bộ TT&TT đề nghị những đơn vị này sau khi ban hành, gửi kế hoạch về Bộ trước ngày 10/9 để tổng hợp và hỗ trợ triển khai.
Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên nguồn lực để thực hiện thành công, đúng tiến độ kế hoạch trong năm 2021 và định kỳ hàng tháng gửi báo cáo tình hình triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến về Bộ TT&TT tại địa chỉ https://dti.gov.vn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, chỉ đạo sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đặc biệt là kết nối, khai thác triệt để dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để cung cấp hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, giảm thiểu giấy tờ khi người dân và doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công.
Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp là một chỉ số quan trọng nhất trong phát triển Chính phủ điện tử. Trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương đã nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 từ 10,86% trong năm 2019 lên đạt 31%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra tại Nghị quyết 17.
Tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt hồi giữa tháng 6, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quan điểm: “Phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025” .
Theo ICTNews