|
Việc lập trình cho các phần mềm, dự án sẽ được đơn giản hóa bằng các công cụ, dịch vụ có sẵn. |
Sự kiện Europe Code Week năm nay diễn ra từ ngày 15 đến ngày 23/10. Trong đó, các đoàn từ khắp nơi trên khắp thế giới sẽ tập trung vào thảo luận các vấn đề liên quan đến mã hóa.
Năm ngoái, sự kiện này thu hút đến 46 quốc gia tham dự. Điều này cho thấy chính phủ các nước trên thế giới ngày càng hiểu được tầm quan trọng của mã hóa, đặc biệt là với thế hệ những người trẻ tuổi vẫn còn đang học tập. Trong khoảng thời gian 20 năm trở lại đây, thế giới đã thay đổi rất nhiều và mã hóa đã trở thành trung tâm của các hoạt động trực tuyến khi internet thống trị cả thị trường và các chiến lược bán hàng.
Nói cách khác, các nhà lập trình hiện nay phải thấy rằng mã hóa là xu hướng để giữ cho các kỹ năng của họ không lạc hậu và tìm kiếm được các cơ hội tại các dự án. Trong khuôn khổ bài viết này, Siliconrepublic giới thiệu một số xu hướng mã hóa phổ biến hiện nay và trong thời gian sắp tới.
1. React
React là một thư viện viết bằng javascript, dùng để xây dựng giao diện người dùng (User Interface – UI).
Sự bùng nổ của nền tảng truyền thông xã hội dường như là sự phát triển lớn nhất của internet trong thập kỷ qua. Trong đó, JavaScript library React (các thư viện React được viết bằng javascript) là một phần quan trọng để xây dựng giao diện người dùng cho các nền tảng như Facebook và Instagram. React là một mảng yêu thích của các lập trình viên và kiến thức của nó cần thiết cho phần lớn các dự án truyền thông xã hội.
2. Docker
Docker là một open platform (nền tảng mở) cung cấp cho người sử dụng những công cụ và service (dịch vụ) để người sử dụng có thể đóng gói và chạy chương trình của mình trên các môi trường khác nhau một cách nhanh nhất.
Docker bao gồm: Docker Engine: Chứa các tool, engine để có thể đóng gói chương trình và vận hành chúng một cách đơn giản nhất.
Docker Hub: Giống như Github, là nơi bạn có thể lưu trữ các chương trình đã được đóng gói (image) của mình và quản lý các image.
3. Grunt
Grunt là 1 công cụ dòng lệnh dựa trên các task dùng để hỗ trợ các project javascript. Nó giúp bạn tiết kiệm thời gian lặp lại các thao tác bằng cách sử dụng một hệ thống tự động và một số plug-in được xây dựng cho nền tảng này. Sử dụng Grunt để mã hóa tiết kiệm cho các coder rất nhiều thời gian, việc Twitter và Adobe sử dụng đã phần nào cho thấy hiệu quả của Grunt. Khi tham gia vào các dự án lập trình, việc nắm vững các kiến thức về Grunt luôn là một lợi thế.
4. Elasticsearch
Elasticsearch là một công cụ tìm kiếm mã nguồn mở được phát triển trong Java và dựa trên Lucene – một thư viện phần mềm mã nguồn mở. Nó được gắn vào Lucene làm cho tính năng của nó có sẵn trong JSON và Java API. Mozilla, Facebook và SoundCloud là những tên tuổi lớn đã sử dụng Elasticsearch. Đối với những công ty có nhu cầu tìm kiếm các văn bản một cách chính xác thì những người có kỹ năng về Elasticsearch có thể được trả lương rất cao.
5. Ansible
Nếu bạn đang tham gia vào quản lý cấu hình, cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc triển khai ứng dụng thì bạn sẽ thấy công việc của mình trở nên dễ dàng hơn với công cụ tự động hóa Ansible. Nó được thiết kế để triển khai nhiều lớp của cấu hình. Các kỹ sư chuyên phụ trách các nền tảng thường được test các kỹ năng có liên quan đến Ansible trước khi được tuyển dụng.
6. Scala
Scala được biết đến như một "ngôn ngữ mở rộng', sử dụng các cú pháp đơn giản để thực hiện các quy trình CNTT dễ dàng hơn. Scala ra đời năm 2003 đã trở thành một ngôn ngữ server bậc cao được yêu thích trên toàn thế giới. Scala mang sức mạnh của lập trình hướng đối tượng được kế thừa và phát triển từ Java cộng với những tính năng của một ngôn ngữ lập trình hàm hiện đại.
7. Apache Cassandra
Một trong những khía cạnh chính của Apache Cassandra là khả năng mở rộng tuyến tính mà nó cung cấp. Apache Cassandra là hệ quản trị cơ sở dữ liệu theo kiểu NoSQL mở và miễn phí. Cassandra được thiết kế để dành cho các ứng dụng có lượng dữ liệu cực lớn (mạng xã hội) được sự hậu thuẫn của Facebook. Cassandra giúp cho các hệ thống lớn luôn ổn định và xử lý nhanh.
8. Tableau
Tableau là một công cụ dữ liệu trực quan kết hợp với chức năng logic. Nếu bạn đang đối phó với một lượng lớn dữ liệu trên một cơ sở dữ liệu theo từng ngày, bạn có thể sử dụng Tableau để tạo ra các biểu đồ và đồ thị một cách trực quan nhất.
9. RabbitMQ
Nếu bạn đang tìm kiếm một chức năng nhắn tin hiệu quả cho dữ liệu của bạn, RabbitMQ có thể là một lựa chọn không tồi. RabbitMQ cung cấp cho lập trình viên một phương tiện trung gian để giao tiếp giữa nhiều thành phần trong một hệ thống lớn. Nó sẽ nhận message đến từ các thành phần khác nhau trong hệ thống, lưu trữ chúng an toàn trước khi đẩy đến đích.
RabbitMQ được phát hành bởi giấy phép công cộng của Mozilla. Nếu yêu cầu đặt ra phải xử lí sự kiện hoặc lưu trữ các giải pháp phức tạp, RabbitMQ cũng có thể là một lựa chọn.
10. Twitter Bootstrap
Twitter Bootstrap là một khung làm việc front-end mã nguồn mở (open source front-end framework) được xây dựng với mục đích hỗ trợ việc thiết kế giao diện front-end của website (bao gồm HTML, JavaScript và CSS). Twitter Bootstrap hỗ trợ thiết kế responsive giúp website có thể hiển thị được trên nhiều loại thiết bị khác nhau. Twitter Bootstrap được xem là dạng khung làm việc front-end mã nguồn mở phổ biến nhất thế giới hiện nay. Các tổ chức đang hướng đến việc phát triển web nhanh chóng và sạch sẽ thường có yêu cầu sử dụng Twitter Bootstrap.
Trên đây là những kỹ năng mà nhà tuyển dụng sẽ ngày càng tập trung vào khi đánh giá các ứng viên trong quá trình tuyển dụng. Không giống như các lĩnh vực khác của công nghệ thông tin, các kỹ năng lập trình hoàn toàn có thể được trang bị qua quá trình tự học và nếu muốn dấn thân vào con đường này, bạn có thể bắt đầu ngay từ bây giờ.
Theo VnReview