Trong 10 năm qua, Sở TT&TT Thái Nguyên cũng đã triển khai một số dự án lớn về CNTT hướng tới Chính phủ điện tử như: Xây dựng hệ thống thư điện tử tỉnh Thái Nguyên, hỗ trợ chỉ đạo điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tại địa chỉ htttp://thainguyen.gov.vn với 8.000 tài khoản hòm thư đã cấp cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh đã cung cấp 55 kênh thông tin, tích hợp trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử đạt 100% dịch vụ công mức độ 2. Phần mềm hỗ trợ điều hành và quản lý văn bản đi/đến, hồ sơ công việc đã được triển khai tại các cơ quan đảng và các sở, ngành.
Nguồn nhân lực CNTT đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, công tác ứng dụng CNTT được tăng cường trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của bộ máy quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và trên mọi lĩnh vực đời sống, góp phần thiết thực vào sự phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh, giữ vững ổn định chính trị.
Bên cạnh đó, lĩnh vực viễn thông, Internet của tỉnh đạt 100 thuê bao/100 dân, tỷ lệ người sử dụng internet đạt 70% dân số; tỷ lệ phủ sóng truyền hình đạt 100% diện tích. Mạng thông tin di động của doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh là 1089 trạm BTS, đã phủ sóng tới các thôn bản, cụm dân cư, đáp ứng tốt các dịch vụ thoại và truyền dữ liệu cơ bản, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cấp ủy, chính quyền các cấp…
Dịch vụ điện thoại cố định truyền thống đạt 39.532 thuê bao, đáp ứng tốt nhu cầu của các cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp. Tính đến quý II/2016, tổng số thuê bao di động ước đạt 1.092.425 thuê bao. Dịch vụ internet, cáp quang, 3G trên toàn tỉnh có 89.268 thuê bao, trong đó có 36.132 thuê bao ADSL. 49.100 thuê bao FTTH, 4024 thuê bao CATV. Dịch vụ truyền hình cáp và truyền hình qua giao thức internet đã đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, phù hợp với Đề án số hóa truyền hình của nhà nước, với số lượng thuê bao là 41.335 thuê bao.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, mặc dù trải qua khó khăn nhưng Sở TT&TT Thái Nguyên đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sở đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Bộ TT&TT để chủ động đề xuất, tham mưu cho Tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch mang tầm chiến lược, phù hợp với tình hình thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực của ngành tại địa phương.
Đánh giá về hoạt động và những kết quả nổi bật trong 10 năm qua của Sở TT&TT Thái Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết: Lĩnh vực ứng dụng CNTT đã có những chuyển biến tích cực. Chỉ số ICT Index năm 2015 ở vị trí thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (năm 2014, 2013, 2012 vị trí thứ 9/63). Công nghiệp CNTT trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật - dịch vụ mũi nhọn của tỉnh. Mạng lưới bưu chính, viễn thông tiếp tục được mở rộng và hoạt động ổn định, chất lượng dịch vụ được nâng lên, doanh thu bưu chính, viễn thông hàng năm tăng mạnh. Công tác Quản lý báo chí, xuất bản được ghi nhận, đánh giá cao…
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm mà Sở TT&TT Thái Nguyên cần tập trung thực hiện:
Thứ nhất: Phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chương trình, kế hoạch công tác của Bộ TT&TT; định hướng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để làm tốt công tác tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trên các lĩnh vực được giao.
Thứ hai: Đẩy mạnh các hoạt động quản lý ở những lĩnh vực còn nhiều bức xúc như: game online, thuê bao di động trả trước; bên cạnh đó sử dụng CNTT làm cầu nối ra toàn quốc và khu vực nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy các lĩnh vực tăng trưởng bền vững.
Thứ ba: Tăng cường hoạt động quản lý về báo chí, xuất bản, in - phát hành và các trang thông tin điện tử theo quy định của pháp luật.
Thứ tư: Quản lý và khai thác tốt hạ tầng CNTT hiện có, đẩy mạnh hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan Đảng, các cơ quan hành chính nhà nước, củng cố nguồn nhân lực, đưa CNTT thực sự trở thành động lực phát triển cho các ngành sản xuất, dịch vụ và nền hành chính của tỉnh. Trong quá trình ƯD CNTT cần đặc biệt chú trọng đến công tác đảm bảo ATTT, nhất là trong tình hình hiện nay.
Thứ năm: Thường xuyên phối hợp tốt với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ TT&TT để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; đẩy mạnh công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ các phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện, thành phố.