Theo đánh giá của Cnet, dưới đây là những công nghệ chúng ta tưởng chừng như hữu ích nhưng thực tế lại vô dụng, thậm chí còn gây hại cho chất lượng hình ảnh mà nhà sản xuất đã thêm vào để "đánh bóng" cho sản phẩm của họ:
1. 3D
Tính năng 3D hầu như không được sử dụng trên tivi của người dùng, ngay cả khi họ đã sở hữu kính xem phim 3D. Ngoài ra, công nghệ 3D cũng được biết đến như là một thất bại đối với hai ông lớn, Vizio và Toshiba, khi họ đã phải từ bỏ nó trên các đời sản phẩm tivi tiếp theo. Do đó, không quá ngạc nhiên khi các nhà sản xuất tivi khác sẽ sớm có những động thái tương tự trong tương lai.
2. Màn hình cong
tivi màn hình cong chỉ là mánh lới của nhà sản xuất. Những thử nghiêm thực tế của Cnet cho thấy, hầu như không thể nhận thấy sự "cải thiện trải nghiệm người dùng" qua những hình ảnh trung thực và sắc nét hơn bằng đường cong của tivi như những gì nhà sản xuất đã quảng cáo. Trong khi đó, giá tiền cho một chiếc tivi LED màn hình cong lại đắt hơn rất nhiều so với một chiếc tivi bình thường.
3. 4K
Có thể bạn sẽ nghĩ: "Có sự nhầm lẫn nào đó ở đây chăng? Độ phân giải cao hơn thì có gì sai?" Giải đáp cho thắc mắc này là: Hầu như không có sự khác biệt giữa hình ảnh của độ phân giải HD và 4K khi ở cùng một tiêu chuẩn khoảng cách ngồi xem. Ngoài ra, việc phải dành nhiều băng thông và bit hơn cho hiển thị độ phân giải cao sẽ làm giảm khả năng cải thiện chất lượng hình ảnh của những công nghệ đã được tích hợp trong tivi trước đó. Trên hết, giá tiền cho một chiếc tivi 4K thực ra rất đắt đỏ.
4. LCD
Cho đến thời điểm hiện tại, LCD vẫn đang là màn hình HDtivi thành công nhất hiện nay. Nó đã loại bỏ màn hình CRT thế hệ cũ, màn chiếu, plasma và thậm chí còn đẩy lùi được cả OLED trên con đường cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, thực tế, LCD và các tivi LED lại thường cung cấp chất lượng hình ảnh kém hơn so với màn hình plasma hoặc OLED. Chúng có nhược điểm về khả năng hiển thị hình ảnh tại góc và xử lý các yêu cầu phức tạp. Bởi vậy, các video của chương trình truyền hình địa phương thường khó cho hình ảnh chất lượng cao. Hiện vẫn chưa có phương pháp tối ưu nào khác để thay thế cho công nghệ màn hình này.
5. Edge-lit LED (tivi LED viền)
Những sản phẩm tivi này thường được bán "đắt như tôm tươi" khi tung ra thị trường nhờ thiết kế siêu mỏng của mình. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đều gặp vấn đề về độ ổn định sáng hình ảnh, bao gồm các góc và mép sáng hơn tivi LCD đèn LED nền.
6. "Soap Opera Effect"
Tính năng tự động làm mịn chuyển động được cài đặt mặc định trong hầu hết những tivi hiện nay thường bị tắt đi (như ảnh trên). Nếu không tắt đi, nó thường khiến hình ảnh chuyển động dễ có hiện tượng mờ và tạo quầng xung quanh.
7. Màn hình gương (Glossy Screen)
Với công nghệ màn hình này, bạn thậm chí có thể tự cạo râu cho mình nhờ hình ảnh phản chiếu trên màn hình trong một căn phòng có ít ánh sáng. Mặc dù công nghệ này giúp cải thiện độ tương phản trên màn hình nhưng nó lại không thực sự hữu ích khi tivi được đặt trong môi trường có nhiều ánh sáng.
8. Công nghệ bảo vệ bản quyền HDCP
Công nghệ HDCP được thiết kế để ngăn chặn vi phạm bản quyền sử dụng. Tuy nhiên, nó lại không thực sự có nhiều tác dụng trong thực tế. HDCP thường xuyên khiến người dùng khó chịu khi liên tục hiện những khoảng trống hoặc màn hình trắng khi "bắt tay" (kết nối) thất bại (báo hiệu yêu cầu tích hợp HDCP không tương thích).
9. tivi thông minh
Ngày nay, tivi thông minh được nhà sản xuất tích hợp rất nhiều ứng dụng, trò chơi và những web "rác" trong đó. Bạn hầu như không bao giờ sử dụng đến chúng, nhưng nhiều khi chúng lại cản trở việc truy cập vào những dịch vụ thực tế mà bạn sẽ sử dụng. Đặc biệt, Smart tivi hiện nay cung cấp quá ít những ứng dụng "có thể dùng được".
10. Điều khiển bằng giọng nói và cử chỉ
Tính năng này nghe thì có vẻ như là "một cuộc cách mạng cho kỷ nguyên công nghệ điều khiển tivi". Tuy nhiên trong thực tế, bạn sẽ gần như không bao giờ sử dụng đến chúng. Việc sử dụng điều khiển từ xa luôn là cách tốt hơn để thực hiện được những điều bạn muốn trên tivi và tìm kiếm bằng từ khóa thông qua bàn phím ảo thường dễ dàng hơn thao tác điều khiển bằng giọng nói.
Theo Cnet