Trước những áp lực và bê bối liên quan đến xử lý nội dung bẩn, các nhân viên YouTube đã xây dựng Roomba. Đây là bộ chính sách đặc biệt do CEO Susan Wojcicki đứng đầu nhằm kiểm soát những nội dung được và không được xuất hiện trên nền tảng video của Google.
Từ các video tư vấn sức khỏe gây tranh cãi đến quảng bá tổ chức tội phạm, chính sách về nội dung trên YouTube được tranh luận và bổ sung thường xuyên vào Roomba. Các nhân viên sẽ cân nhắc bổ sung quy định nếu video có khả năng tạo ra những bài báo tiêu cực, sự chú ý không mong muốn từ cơ quan quản lý dành cho YouTube.
YouTube xây dựng Roomba từ năm 2017 sau khi bị nhiều nhà quảng cáo dọa tẩy chay do để tràn lan video có nội dung tiêu cực. Trái ngược với Facebook, cách tiếp cận chậm rãi, không ồn ào góp phần giúp YouTube loại bỏ phần nào nội dung bẩn, tránh sự dòm ngó của giới truyền thông và cơ quan lập pháp.
Cách tiếp cận thận trọng
Trong 8 năm giữ vị trí CEO, Wojcicki giúp YouTube né tránh một số bê bối mà các công ty công nghệ lớn thường đối mặt. Trong vụ bạo loạn tại Điện Capitol hồi tháng 1, Mark Zuckerberg của Facebook, Jeff Bezos của Amazon và Sundar Pichai của Google đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, trong khi Wojcicki vẫn trong vùng an toàn.
Trong thời gian đó, YouTube đã âm thầm kiếm hàng tỷ USD. Nhà phân tích Laura Martin từ Needham Analysis cho rằng nếu là công ty độc lập, giá trị của YouTube có thể đạt 1.000 tỷ USD .
Là nền tảng thuộc Google, tuy nhiên YouTube có bản sắc, văn hóa và trụ sở riêng. Ảnh: TechCrunch. |
"Mặc dù Facebook thu hút nhiều sự chú ý hơn, tôi cho rằng YouTube cũng đang mắc nhiều vấn đề tương tự... Chúng ta cần những can thiệp mạnh mẽ và sự thay đổi trong mô hình kinh doanh từ các công ty này", Thượng nghị sĩ Mark Warner từ bang Virginia (Mỹ) chia sẻ.
Năm 2020 gây ra nhiều khó khăn cho YouTube khi đại dịch bùng phát, tin giả xoay quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trái ngược với "Di chuyển nhanh và phá vỡ mọi thứ", câu nói quen thuộc của CEO Facebook Mark Zuckerberg, YouTube của Wojcicki đi chậm rãi để tránh tạo ra sóng gió. Hơn một tháng sau bầu cử, YouTube mới xử lý thông tin sai lệch về kết quả. Đây cũng là nền tảng cuối cùng trong nhóm Big Tech cấm tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tháng 9 năm nay, YouTube tuyên bố cấm tất cả video chứa thông tin sai lệch về vaccine, 7 tháng sau khi Facebook đưa ra chính sách tương tự. Theo Business Insider, YouTube đã tham khảo ý kiến từ Đại học Stanford nhằm xây dựng quy định cấm nội dung sai lệch về vaccine từ nhiều năm trước. Tuy nhiên phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nền tảng này mới chính thức áp dụng quy tắc.
Những bước đi thận trọng liên quan đến các chủ đề tranh cãi trong xã hội đôi khi giúp YouTube thoát khỏi cơn bão. Tháng 10/2020, Facebook và Twitter đã cấm một bài viết nhắc đến con trai của Joe Biden, trong khi YouTube không làm gì cả. Một tháng sau, Zuckerberg và Jack Dorsey, CEO Twitter được Ủy ban Thượng viện Mỹ triệu tập liên quan đến lệnh cấm.
Phải đến khi có những sự việc nghiêm trọng xảy ra, YouTube mới thay đổi. Sau khi bị phát hiện chèn quảng cáo vào video chứa nội dung bẩn vào năm 2017 khiến nhiều nhà quảng cáo dọa tẩy chay nền tảng, YouTube đã khởi động chương trình nội bộ có tên Asiago để giảm thiểu tác động.
"Lá chắn" đến từ Google
Dưới sự dẫn dắt của Wojcicki và Giám đốc Sản phẩm Neal Mohan, YouTube tổ chức họp mỗi tuần, với sự góp mặt của khoảng 20 nhân viên pháp lý, kỹ thuật để bàn về các chính sách liên quan đến Roomba.
"Khi thế giới và chính phủ các nước chú ý đến chính sách của nền tảng, đó là lúc Roomba xuất hiện", một cựu nhân viên YouTube chia sẻ. Megan Brown, nhà khoa học dữ liệu tại Trung tâm Truyền thông Xã hội và Chính trị Mỹ, nhận định chưa đủ dữ liệu để nghiên cứu xem cách tiếp cận nhanh hay chậm mang đến hiệu quả hơn trong việc hạn chế thông tin sai lệch.
Susan Wojcicki (phải) và chồng Dennis Troper, cũng là nhân viên tại Google. Ảnh: LA Times. |
Trong trường hợp liên quan đến bầu cử tổng thống Mỹ, Brown cho biết lượng chia sẻ tin giả giảm rõ rệt sau khi YouTube ban hành chính sách kiểm duyệt nội dung.
"Điều đó cho thấy YouTube nên tiến nhanh hơn trong các trường hợp này, đặc biệt khi YouTube là một phần quan trọng của hệ sinh thái thông tin", Brown nhận định.
Về phía Wojcicki, bà sẵn sàng đến nhà những người có tầm ảnh hưởng để bàn về nội dung trên YouTube. Tháng 4/2019, Wojcicki đã đến nhà YouTuber Shane Dawson để thảo luận về bê bối của anh trên YouTube, bao gồm vấn đề đến từ cơ chế thuật toán của nền tảng.
"Chúng tôi không đồng ý với mọi động thái của YouTube. Nhưng nhìn chung, họ lắng nghe một cách cẩn thận", Dave Sifry, Phó chủ tịch Liên đoàn Chống phỉ báng cho biết. Theo các nhân viên YouTube, Wojcicki thường nói về việc giành chiến thắng trước "người đưa ra quan điểm" (nhà lập pháp, nhà báo...) trong các cuộc họp nội bộ.
"Bà ấy có rất nhiều quyền hành mà các lãnh đạo sản phẩm khác tại Google không có. Chức danh chính của bà là giám đốc điều hành, dù YouTube không phải một công ty", cựu nhân viên YouTube cho biết. Nói cách khác, YouTube là một bộ phận của Google nhưng lại duy trì bản sắc, văn hóa và thậm chí có trụ sở riêng.
"Mối liên kết với Google như lá chắn bảo vệ YouTube khỏi một số áp lực mà các dịch vụ Internet lớn thường đối mặt", Kara Frederick, thành viên nghiên cứu của tổ chức chính sách Heritage Foundation cho biết, lấy ví dụ Wojcicki chưa bao giờ điều trần trước Quốc hội Mỹ.
Không thể làm hài lòng tất cả
Đầu năm nay, Internet lan truyền "thử thách thùng sữa", buộc TikTok ra lệnh cấm vì sợ người "bắt chước" tham gia bị thương nặng. Trong khi đó, YouTube lại đắn đo một thời gian trước khi bổ sung chính sách cấm video có trẻ vị thành niên tham gia thử thách. Điều đó cho thấy cách tiếp cận thận trọng của YouTube, tất nhiên không phải ai cũng hài lòng.
Năm 2020, một số nhân viên YouTube phẫn nộ khi nền tảng không gỡ bỏ video rap từ năm 2014 chứa lời lẽ tục tĩu nhắm vào người châu Á. Theo Bloomberg, các lãnh đạo YouTube thừa nhận lời bài hát có tính xúc phạm, nhưng việc gỡ bỏ sẽ tác động lớn đến những ca khúc khác.
Một số trường hợp kiểm duyệt video có thể ảnh hưởng lớn đến Google, quyết định cuối cùng vẫn thuộc về CEO Sundar Pichai. Ảnh: Bloomberg. |
Cuộc điều tra của Mozilla Foundation hồi tháng 7 cho thấy thuật toán trên YouTube thường xuyên gợi ý người dùng xem các video vi phạm chính sách. Một số nhà nghiên cứu cho biết nhiều video thuộc "nội dung ranh giới", nằm trong vùng xám giữa nội dung vi phạm và không vi phạm chính sách.
Với những video này, YouTube triển khai công cụ có tên XLQ (Extra Low Quality, chất lượng cực thấp) để giảm lượng người dùng tiếp cận chúng. Đôi khi XLQ được sử dụng để làm chậm mức độ lan truyền của video, trong khi dựa trên chính sách của Roomba để phân tích trước khi xóa hoàn toàn video. Đây là công cụ hữu ích trong những ngày đầu bùng phát dịch, khi nền tảng xuất hiện nhiều video sai sự thật.
Tuy nhiên, một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh khiến Google vướng vào tranh cãi. Khi đó, quyết định xóa bỏ video không thuộc về Wojcicki hay Roomba. Đó là khi cựu Tổng thống Trump đăng video hạ thấp quan điểm về virus, một số nhân viên YouTube tin rằng video của ông Trump đã vi phạm chính sách. Tuy nhiên, sau khi vấn đề được đưa lên CEO Google Sundar Pichai, ông đã quyết định không xóa video đó.
Một số nhà phân tích cho rằng việc được xem là nền tảng chia sẻ video giúp YouTube tránh nhiều bê bối. Luật sư Ángel Díaz cho rằng YouTube "không được coi là nền tảng truyền thông xã hội như những website khác".
"Nếu đến trước Quốc hội và đăng bài, người khác sẽ dễ dàng nhìn thấy chúng. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ phức tạp hơn khi có video dài 30 phút với một số đoạn nội dung vi phạm chính sách, phần còn lại thì không", Díaz nhận định.
"Một số quyết định của chúng tôi gây tranh cãi, tuy nhiên những chính sách đều được áp dụng bình đẳng... Chúng tôi chấp nhận sự phức tạp và lộn xộn vốn có của Internet. Việc tước bỏ mọi thứ gây tranh cãi có thể làm im lặng nhiều quan điểm, ý tưởng quan trọng", Wojcicki chia sẻ.
Cách tiếp cận thận trọng giúp Google tránh vướng vào những tranh cãi như Facebook, Twitter. Ảnh: CNET. |
YouTube đã có những động thái chủ động hơn về chính sách. Vào tháng 10, nền tảng này cho biết sẽ tắt kiếm tiền với những kênh có nội dung sai lệch về khí hậu, quan điểm cứng rắn nhất của một nền tảng Internet liên quan đến chủ đề này.
Những hành động trong khâu kiểm duyệt của YouTube cũng có thể sớm được công khai khi các nhà lập pháp tại California cân nhắc buộc các nền tảng công bố quy trình kiểm duyệt nội bộ. Loạt bài báo của WSJ về cách kiểm duyệt nội dung của Facebook đã đặt ra câu hỏi về những nghiên cứu của các website lớn.
Tuy nhiên, một số người cho rằng khác biệt lớn nhất giữa YouTube và Facebook là sức hút của chúng sau những khủng hoảng. "Với Facebook, bạn có thể vào app và cảm thấy không thích thú... Còn khi truy cập YouTube, nhiều người vẫn có trải nghiệm vui vẻ", một cựu nhân viên của Facebook lẫn YouTube nhận định.
Theo Zing