Yahya Sinwar, người bị Israel réo tên “gã đồ tể của Khan Younis”, là ai?

Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, được cho là một trong những kẻ chủ mưu vụ tấn công vào ngày 7/10/2023 và là mục tiêu bị truy nã gắt gao nhất của Israel, đã bị tiêu diệt tại Gaza vào hôm 16/10, theo thông báo của quân đội Israel.
Thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar, người vừa bị Israel tiêu diệt trong một cuộc tấn công ở Gaza (Ảnh: MiddleEastEyes)

Là mục tiêu hàng đầu trong chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza, Sinwar đã được gán cho nhiều biệt danh như “gương mặt của ác quỷ” và “gã đồ tể của Khan Younis”. Trước đây, ông thường xuất hiện trước công chúng, nhưng kể từ sau các vụ tấn công tháng 10/2023, Sinwar đã biến mất, được cho là ẩn náu trong hệ thống đường hầm phức tạp dưới lòng đất Gaza.

Vào tháng 8, sau khi Ismail Haniyeh – thủ lĩnh trước đó của Hamas – bị ám sát tại Tehran, Sinwar đã chính thức trở thành một trong những lãnh đạo cấp cao nhất của Hamas.

Vai trò của Sinwar trong hàng ngũ Hamas đã được khẳng định từ lâu khi ông gia nhập tổ chức này vào cuối thập niên 1980 và nhanh chóng thăng tiến. Sinwar là người sáng lập chi nhánh tình báo an ninh nội bộ của Hamas, Majd, nổi tiếng với những hành động bạo lực nhằm vào những đối tượng bị nghi ngờ làm việc cho Israel.

Sinwar cũng được nhiều người nhìn nhận là một nhà lãnh đạo chính trị thực dụng: Năm 2017, ông được bầu làm lãnh đạo chính trị của Hamas tại Gaza, đứng đầu cơ quan chính trị của tổ chức này.

Sinwar tại lễ hội đoàn kết với nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa tại Sân vận động Palestine ở Thành phố Gaza vào ngày 1/10/2022 (Ảnh: Shutterstock)

Sinh ra tại trại tị nạn Khan Younis, miền Nam Gaza năm 1962, gia đình Sinwar đã bị trục xuất khỏi làng Al-Majdal – nay là thành phố Ashkelon của Israel – trong cuộc chiến Arab-Israel.

Vào đầu thập niên 1980, Sinwar theo học tại Đại học Hồi giáo Gaza, chuyên ngành tiếng Arab, đồng thời tham gia tích cực vào các tổ chức sinh viên dân tộc chủ nghĩa Palestine. Ông từng bị bắt vì tham gia các hoạt động chống lại sự chiếm đóng của Israel.

Năm 1985, trước khi Hamas được thành lập, Sinwar đã tổ chức Majd – một mạng lưới thanh niên Hồi giáo nhằm phát hiện và xử lý những điệp viên Palestine làm việc cho Israel. Sau này, Majd trở thành một phần không thể thiếu trong hệ thống an ninh của Hamas.

Sau đó, ông từng bị kết 4 án tù chung thân tại Israel vào năm 1988, với cáo buộc đã tổ chức vụ sát hại 2 binh sĩ Israel và 4 người Palestine bị nghi ngờ là cộng tác với Israel.

Trong thời gian bị giam giữ, Sinwar đã lạm dụng và thao túng các tù nhân khác, trừng phạt những người bị nghi là thông tin viên và bắt nạt với những tù nhân khác để thực hiện các cuộc tuyệt thực.

Sinwar cho biết ông đã dành thời gian trong tù để nghiên cứu kẻ thù, trong đó có việc học đọc và nói tiếng Do Thái.

Năm 2011, ông được phóng thích trong một cuộc trao đổi tù nhân, trong đó hơn 1.000 tù nhân Palestine đã được trao đổi để lấy Gilad Shalit, một binh sĩ thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), người đã bị giam giữ ở Gaza trong 5 năm".

Lúc đó, Sinwar đã gọi sự trao đổi tù nhân này là “một trong những dấu mốc chiến lược lớn trong lịch sử của chúng tôi”. Việc phóng thích này được cho là có sự can thiệp của em trai ông, người đã tham gia bắt cóc Gilad Shalit, cũng là người đã yêu cầu Israel phải đưa ông vào trong thỏa thuận trao đổi.

Sau khi được thả, ông trở về Gaza và bắt đầu hoạt động trong tổ chức vũ trang, khét tiếng với việc đối xử tàn bạo với những người bị nghi ngờ cộng tác với Israel.

Mặc dù một số người coi Sinwar là một chiến binh cứng rắn, nhưng cũng có người nhìn nhận ông như một nhà chiến lược tài ba.

Sau 15 năm thụ án, ông đã kêu gọi công chúng Israel ủng hộ một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas trong một cuộc phỏng vấn với một đài truyền hình Israel. “Chúng tôi sẽ không công nhận Israel, nhưng chúng tôi sẵn sàng thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài với Israel nhằm mang lại sự bình yên và thịnh vượng cho khu vực”, ông nói.

Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với một nhà báo Italy vào năm 2018, Sinwar cho biết nhóm của ông sẵn sàng tìm kiếm một giải pháp chính trị, nói rằng: “Chẳng ai mong muốn một cuộc chiến mới xảy ra”.

Năm 2018, dưới sự lãnh đạo của Sinwar, Hamas phát động chiến dịch “March of Return”, trong đó người dân Gaza tổ chức biểu tình hàng tuần gần biên giới Israel, kêu gọi Israel dỡ bỏ phong tỏa và cho phép người Palestine trở về quê hương của họ. Các cuộc biểu tình đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và nhận được sự ủng hộ từ các nhóm nhân quyền. Tại một trong những cuộc biểu tình, Sinwar đã khen ngợi những người đang dũng cảm đối mặt với “kẻ thù xung quanh chúng ta”.

Yahya Sinwar, giữa, cùng cố lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh, trái, tham dự lễ tang của chiến binh cấp cao Mazen Fuqaha tại thành phố Gaza vào ngày 25/3/2017 (Ảnh: Reuters)

Với cương vị là lãnh đạo chính trị của tổ chức, Sinwar tập trung phát triển đối ngoại, thiết lập các mối quan hệ quan trọng với các cường quốc Arab trong khu vực.

Ông đã đảm nhận việc khôi phục quan hệ của Hamas với các nhà lãnh đạo Ai Cập, đồng thời tiếp tục thu hút tài trợ quân sự từ Iran, theo nghiên cứu của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR).

Israel công khai cáo buộc Sinwar là “kẻ chủ mưu” đứng sau vụ tấn công khủng bố của Hamas nhằm vào Israel vào ngày 7/10/2023. Điều này khiến ông trở thành mục tiêu hàng đầu trong cuộc chiến ở Gaza.

Đây là cuộc tấn công chết chóc nhất trong lịch sử Israel. Hamas và các nhóm vũ trang Palestine khác đã giết hơn 1.200 người, chủ yếu là dân thường, và cũng đã bắt cóc khoảng 250 người vào Gaza.

Xuyên suốt cuộc chiến, ông đã củng cố vai trò lãnh đạo trong hàng ngũ Hamas, trở thành nhân vật quan trọng nhất của tổ chức. Ảnh hưởng của Sinwar tăng lên sau cái chết của các quan chức cấp cao khác của Hamas, như Mohammed al-Masri (còn được biết đến là Mohammed Deif), tư lệnh của Lực lượng Al-Qassam, và Marwan Issa, phó tư lệnh của Deif.

Năm 2015, ông bị Bộ Ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách khủng bố toàn cầu. Trong những năm gần đây, ông cũng bị Anh và Pháp trừng phạt.