Y tế thông minh: Hướng đến bệnh án điện tử

VietTimes – Cùng với sự phát triển của y tế thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin vào việc khám chữa trị bệnh cho bệnh nhân, Sở Y tế TP. HCM đang tham mưu với Bộ Y tế thực hiện bệnh án điện tử.
Y tế thông minh: Hướng đến bệnh án điện tử
Y tế thông minh: Hướng đến bệnh án điện tử

“Nếu xây dựng được bệnh án điện tử, mỗi bệnh nhân sẽ có 1 mã riêng biệt. Điều này tạo ra sự thuận lợi cho bệnh nhân và các Bệnh viện (BV) trong việc khám chữa bệnh, quản lý hồ sơ, xem xét bệnh sử” – Ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Trong thời gian qua, ngành Y tế TP.HCM đã nỗ lực triển khai thực hiện các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế, nâng cao chăm sóc sức khỏe người dân TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Các kết quả đạt được là sự kích lệ lớn đối với ngành y tế TP.HCM.

Sau 2 năm triển khai, nhiều BV trên địa bàn thành phố đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc khám chữa bệnh, theo dõi sức khỏe bệnh nhân hiệu quả hơn.

Ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM
Ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Cụ thể, BV 115 đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật thần kinh, BV Bình Dân ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phẫu thuật nội soi, BV Ung bướu ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tiếp cận y học cá thể để điều trị bệnh ung thư,… và Sở Y tế TP.HCM đã ứng dụng “Teleconsultlation” để kết nối bác sĩ chăm sóc ban đầu tại trung tâm y tế với bác sĩ chuyên khoa tại các BV tuyến cuối trên địa bàn TP.HCM.

“Thậm chí, có BV đã ứng dụng công nghệ mà Ban Giám đốc đang ngồi tại phòng có thể biết được bác sĩ kê đơn thuốc như thế nào và tình hình bệnh nhân ngay từ khoa khám bệnh.

Tất cả những ứng dụng công nghệ thông tin vào chương trình y tế thông minh đều hướng đến người dân, bệnh nhân. Khi các BV ứng dụng tốt, bệnh nhân sẽ bớt tốn kém tiền bạc mà vẫn được lợi nhiều hơn từ chẩn đoán đến điều trị" - Ông Thượng chia sẻ.

Đai diện BV quận Thủ Đức chia sẻ ứng dụng mô hình "Bệnh viện số".
Đai diện BV quận Thủ Đức chia sẻ ứng dụng mô hình "Bệnh viện số".

Hiện nay, việc ứng dụng y tế thông minh vào việc chữa bệnh cho bệnh nhân đã đạt 82%, tăng 1% so với năm 2018. Tuy nhiên, đây là năm đánh dấu thành công khi mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh.

Ông Tăng Chí Thượng cho biết: “Định hướng của ngành Y tế là cho các Sở Y tế xây dựng y tế thông minh, hướng đến bệnh nhân. Khi áp dụng y tế thông minh trên toàn thành phố, chúng ta không thể đòi hỏi sự đột phá đến 90% hay nhiều hơn. Tôi chắc rằng hiệu quả sẽ tăng dần theo mỗi năm. Một khi thực hiện hành công lộ trình y tế thông minh, chắc chắn người dân sẽ hài lòng hơn rất nhiều”.

Ngày 14/12, Ủy ban Nhân dân TP.HCM đã tổ chức Hội thảo Quốc tế Y tế thông minh ở TP.HCM.

Hội thảo là cơ hội để ngành Y tế TP.HCM tiếp cận các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo AI vào công tác quản lý, khám, điều trị, đem lại sự hài lòng cho bệnh nhân. Đây cũng là dịp để các chuyên gia y tế trong và ngoài nước giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân.

Theo đánh giá, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực, góp phần xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh trong tương lai. Sự thành công này đã góp phần thực hiện thành công đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025” của Ủy ban Nhân dân TP.HCM, ngày 26/11/2017.