Ý nghĩa của việc Fitch Ratings nâng triển vọng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Xếp hạng tín dụng của Việt Nam vẫn được Fitch Ratings giữ nguyên ở mức BB. Tuy nhiên triển vọng đã khả quan hơn khi chuyển tử “ổn định” lên “tích cực”.
Fitch Ratings nâng triển vọng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”
Fitch Ratings nâng triển vọng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”

Fitch Ratings là một trong ba tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới, bên cạnh Moody's và Standard & Poor's. Fitch Ratings đưa ra xếp hạng đối với các doanh nghiệp hoặc quốc gia để nhà đầu tư có cái nhìn về mức độ rủi ro khi rót vốn.

Trong báo cáo ngày 1.4.2021, Fitch Ratings khẳng định tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (Long-Term Foreign-Currency Issuer Default Rating - IDR) của Việt Nam ở mức BB, nhưng nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”. Trước đó vào ngày 18.3, Moody’s cũng nâng triển vọng đối với Việt Nam.

“Triển vọng tích cực phản ánh khả năng tăng trưởng và phục hồi về tài chính công của Việt Nam trước cú sốc đại dịch COVID-19, đồng thời tiếp tục tăng cường tài chính nước ngoài nhờ vào thặng dư tài khoản vãng lai liên tục và tăng dự trữ ngoại hối”, Fitch cho biết trong báo cáo.

Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương thuộc nhóm các nước hạng BB có thể duy trì tăng trưởng dương ở mức 2,9% như năm 2020 trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.

Lý do dẫn đến khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam

Fitch cho rằng thành quả này của Việt Nam là nhờ thành công trong việc kiểm soát dịch COVID-19 nhanh chóng, bất chấp tác động của đại dịch đối với hoạt động kinh tế trong nước và dòng vốn du lịch. Một lý do khác dẫn đến khả năng tăng trưởng dương là nhờ vào sự hỗ trợ chính sách mạnh mẽ và nhu cầu xuất khẩu.

Mặc dù việc triển khai chương trình tiêm chủng của Việt Nam khởi đầu chậm chạp, nhưng Fitch vẫn kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt khoảng 7% trong các năm 2021 và 2022, phù hợp với sự phục hồi kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn, mức độ tăng trưởng xuất khẩu được duy trì và sự dần bình thường hóa hoạt động kinh tế trong nước.

Trong khi đó, nguồn tài chính từ nước ngoài của Việt Nam tăng cao hơn nữa bất chấp đại dịch. Xuất khẩu tăng khoảng 7% vào năm 2020 tính theo đô la Mỹ, và tài khoản vãng lai thặng dư khoảng 3,6% GDP.

Hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ phản ánh sự tăng nhu cầu đối với các linh kiện công nghệ cao. Điều này có liên quan đến việc tăng cao doanh số bán thiết bị điện tử ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác. Đồng thời, Việt Nam cũng hưởng lợi từ việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, do chi phí đầu tư gia tăng ở Trung Quốc và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Các chỉ số dự báo sức mạnh kinh tế Việt Nam

Fitch dự báo tài khoản vãng lai của Việt Nam sẽ vẫn thặng dư ở mức 1,2% và 2% GDP vào năm 2021 và 2022, so với mức thâm hụt trung bình là 1,7% khi đánh giá ở bậc “BB”.

Năm 2020, Việt Nam được hưởng dòng vốn FDI mạnh đổ vào lĩnh vực sản xuất. Vốn FDI ròng vào năm 2020 là 15,4 tỉ USD (khoảng 4% GDP), gần với mức của năm 2019. Fitch dự báo dòng vốn lớn này sẽ tiếp tục nhờ Việt Nam có khả năng được hưởng lợi từ sự chuyển hướng thương mại đang diễn ra cũng như việc tham gia vào các hiệp định thương mại như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực.

Với những tác động của COVID-19, Fitch ước tính thâm hụt ngân sách năm 2020 của chính phủ nhìn chung tăng khiêm tốn ở mức 3,5% GDP (thấp hơn mức trung bình 7,2% đối với bậc BB), vì chi tiêu chủ yếu là nhằm giảm bớt tác động của đại dịch.

Ngoài ra, nợ chính phủ nhìn chung năm 2020 vẫn ổn định ở mức 38,5% GDP vào năm 2020. Tỉ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam dự kiến sẽ duy trì ở mức khoảng 39% vào năm 2021 và 2022, vẫn thấp hơn mức trung bình đối với các quốc gia có chủ quyền được xếp hạng “BB”.

Nguồn tham khảo:

https://www.investopedia.com/terms/f/fitch-ratings.asp

https://www.fitchratings.com/research/sovereigns/fitch-revises-vietnam-outlook-to-positive-affirms-rating-at-bb-01-04-2021