Xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, kéo theo Thế chiến 3

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Xung đột Nga - Ukraine phải chấm dứt trong vòng 2 tháng nữa, nếu không sẽ có nguy cơ vượt tầm kiểm soát, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cảnh báo.
Một hệ thống pháo phản lực TOS-1A của Nga (Ảnh: Drive).
Một hệ thống pháo phản lực TOS-1A của Nga (Ảnh: Drive).

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng, cơ hội hạ nhiệt và tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay giữa Nga và Ukraine rất ít ỏi và các bên không còn nhiều thời gian.

"Đàm phán hòa bình cần bắt đầu trong vòng 2 tháng tới, nếu không cuộc xung đột sẽ tạo ra những thách thức và căng thẳng không dễ gì hóa giải", nhà ngoại giao 98 tuổi của Mỹ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ngày 23/5 ở Davos, Thụy Sĩ. Ông Kissinger cũng cho rằng, kết quả đàm phán sẽ quyết định mối quan hệ phần còn lại của châu Âu với Nga cũng như với Ukraine.

Ông Kissinger là người có quan điểm tiếp cận thực tế về các vấn đề quan hệ quốc tế. Cách đây 8 năm, khi chính biến nổ ra ở Ukraine, ông từng ủng hộ Ukraine trở thành một quốc gia trung lập và làm cầu nối giữa Nga và châu Âu hơn là một chiến tuyến cho phương Tây. Ngược lại, Ukraine đến nay vẫn theo đuổi tham vọng gia nhập liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn dắt.

Ông nhấn mạnh, phương Tây nên nhớ rằng "Nga đã 400 năm là một phần thiết yếu của châu Âu" và châu lục này nên thận trọng để "tránh đẩy Nga vào một liên minh lâu dài với Trung Quốc".

Xung đột Nga - Ukraine và tác động của nó là một trong những chủ đề được quan tâm khi lãnh đạo các nước họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới trong tuần này.

Phát biểu tại diễn đàn, tỷ phú Mỹ George Soros cảnh báo, xung đột Nga - Ukraine có nguy cơ kéo theo Thế chiến III và gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. "Cuộc xung đột này có thể là khởi đầu của Thế chiến thứ III", ông Soros nói. Ông cũng cho rằng, châu Âu đang đối phó với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine với tốc độ, sự phối hợp mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

Mặt khác, ông cảnh báo, châu Âu sẽ dễ bị tổn thương do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga. Nhà tài phiệt Mỹ dường như đề cập đến các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp đặt lên lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga. Moscow là nguồn cung năng lượng lớn nhất cho châu Âu, đó là lý do tại sao đến nay châu lục này chưa thể thống nhất kế hoạch cấm vận hoàn toàn năng lượng Nga.

Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine từ cuối tháng 2 với tuyên bố "phi quân sự hóa" và "phi phát xít hóa" quốc gia láng giềng. Tâm điểm xung đột hiện nay là vùng Donbass ở miền Đông Ukraine. Trong khi Nga dồn binh lực về đây, Ukraine cũng liên tục được phương Tây viện trợ vũ khí. Trong bài phát biểu trực tuyến tại diễn đàn ở Davos, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa kêu gọi phương Tây cung cấp vũ khí, đặc biệt vũ khí tầm xa, cho Kiev và tiếp tục gây sức ép với Moscow bằng lệnh trừng phạt.