|
Ảnh minh họa |
Bộ NN-PTNT cho biết: Sáu tháng đầu năm 2016, thị trường Trung Quốc hút hàng rất mạnh, đẩy giá heo hơi trong nước lên “cao ngất”: 52.000-53.000đ/kg.
Tuy nhiên, theo Tổng Giám đốc Công ty Vissan Văn Đức Mười: giá thành sản xuất heo hơi chỉ khoảng 40.000đ/kg, nếu không có yếu tố thương lái Trung Quốc tranh mua, thì giá heo hơi dao động ở mức 42.000-45.000đ/kg, người nuôi vẫn có lời. Nhưng "cuộc chiến" tranh mua đã đẩy giá lên cao. Heo xuất chuồng thường là 120kg/con, nếu bán cho lái Trung Quốc, người nuôi lãi 1,2-1,5 triệu đồng và đây là mức lãi siêu lợi nhuận - theo các chuyên gia.
Từ giữa tháng 5 đến nay, Trung Quốc "đóng biên" với lý do để kiểm soát dịch bệnh, khiến giá heo hơi trong nước “quay đầu”. Giá heo hơi tại các tỉnh miền Đông Nam bộ hiện rớt xuống còn 45.000đ/kg, ở miền Tây Nam bộ là 46.000đ/kg, và sẽ còn tiếp tục giảm, nếu Trung Quốc tiếp tục đóng biên.
Nguy hại hơn, khi thị trường "ăn hàng" mạnh, lại không cần kiểm tra chất lượng và heo gì cũng mua - kể cả heo sữa, heo thải loại, heo mỡ ngoại cỡ 120-140kg/con - càng dễ khiến cho người chăn nuôi ồ ạt tăng đàn, không nghe khuyến cáo và cũng chẳng màng đến chuỗi giá trị, họ cứ sử dụng chất cấm vô tội vạ.
Nhưng đặc biệt nguy hiểm là khi người tiêu dùng trong nước quay lưng với thịt heo nội.
Các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng này cho biết, heo hơi mua cao, thì phải bán cao là bình thường của cung-cầu, nhưng thịt heo đến tay người tiêu dùng lại thường bị… đội giá. Hiện tại các sản phẩm thịt heo nhập từ các nước phát triển dù đã chịu thuế 15% nhưng giá bán vẫn thấp hơn các sản phẩm cùng loại của ta từ 15.000-20.000đ/kg, trong khi chất lượng cao hơn, mức độ an toàn thực phẩm cũng bảo đảm hơn.
Và vì nhiều lẽ, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng chuyển qua dùng thịt ngoại, và ngành chăn nuôi trong nước đang mất dần thị phần thịt heo, như đã mất hơn 50% thị phần thịt bò vào tay bò Úc…
Đó là “bức tranh thời sự giữa năm”, còn trước đó, "thế trận" thị trường heo hơi ở các tỉnh Nam bộ cho thấy nhiều điều, khiến người kiên nhẫn cũng phải... băn khoăn…
Ùn ùn "ra trận"
Từ tết Nguyên đán đến đầu tháng 4-2016, biên giới phía Bắc đìu hiu do Trung Quốc tạm "đóng biên", hạn chế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam. Nhưng từ cuối tháng 4-2016, Trung Quốc lại mở cửa cho nhập khẩu không hạn chế heo của Việt Nam.
Ban đầu, thương lái Trung Quốc nhập tất tần tật các loại heo, nhưng sau đó thì chỉ nhập heo từ 80-120kg/con và lợn sữa. Thương lái cho biết, chở ra bao nhiêu lái Trung Quốc thu gom hết, lại không đòi hỏi chứng nhận tiêu chuẩn.
Xe chở lợn từ miền Đông và Tây Nam bộ vẫn ra biên giới phía Bắc ùn ùn như... ra trận ! Đường “ra biên giới” là quốc lộ 18, xe vận chuyển heo tăng đột biến. Mỗi xe trung bình chở 200 con, trọng lương mỗi con từ 80-120kg, xếp làm 3 tầng, tổng trọng lượng khoảng 20 tấn mỗi chuyến. Nhờ thế mà các dịch vụ ăn theo như: rửa xe, tắm heo, thực hiên "kỷ xảo" tăng trọng được dịp nở rộ .
Lái heo miền Tây cho biết, nếu tin "tình báo" từ biên giới báo về rằng, ngả cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) tạm đóng biên thì lập tức lái sẽ “bẻ hướng” vận chuyển heo sang cửa khẩu Bắc Phong Sinh hoặc Hoành Mô để xuất hàng.
Theo Cục Chăn nuôi, mỗi ngày ước có 5.000 heo các loại được xuất sang Trung Quốc. Song, thực tế còn cao hơn thế. Giá heo hơi trong nước cũng tăng đột biến theo, lên 51.000-53.000đ/kg, tới biên giới, lái Trung Quốc mua với giá 62.000-63.000đ/kg.
Với mỗi xe heo xuất biên thành công, sau khi trừ chi phí, lái Việt lãi khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, xuất theo thời vụ, không hợp đồng, rủi ro cao, mức lãi như vậy là thấp nếu không muốn nói là... nguy hiểm. Để tăng mức lãi, lái cho heo nghỉ ngơi, tắm mát, trước giờ bán làm "kỹ xảo", bằng cách “tọng” vào bụng mỗi con 4-5 kg bột cho tăng trọng, kiếm thêm vài trăm ngàn đồng.
Sốt cao nhất là heo con do nhu cầu nóng. Loại heo 3-5kg/con, 12-18kg/con, 18-24kg/con có giá chênh lệch cả triệu đồng mỗi tấn. Điều này được lý giải là do người Trung Quốc thích ăn heo sữa và quan niệm “heo càng bé thì càng ít... nhiễm chất cấm” (?)
"Gu" ẩm thưc của người Trung Quốc luôn khác lạ. Ngoài heo sữa, họ còn ưa chuộng heo già, heo nái, đặc biệt là heo mỡ ngoại khổ, cân nặng 120-130kg/con. Trong khi đó, thị trường nội địa và xuất khẩu sang các nước khác lại chỉ tiêu thụ lợn 100kg/con và nạc nhiều.
Đóng biên, lái lỗ nặng, chợ vẫn...đông ken
Trước thực trạng “sốt” heo, truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 4-5-2016 chính quyền thành phố Bắc Kinh mở kho dự trữ, đưa ra thị trường 3.000 tấn thịt heo đông lạnh để giải toả áp lực khan hiếm nguồn cung, giá tăng cao. Đây là lần đầu tiên Bắc Kinh mở kho kể từ khi thiết lập cơ chế dự trữ các mặt hàng thiết yếu kể từ năm 1992. Đồng thời, chính quyền cũng cho "mở két" trợ giá bán lẻ thịt heo mỗi kilogram 9 nhân dân tệ.
Sau đợt "giải nhiệt" này cộng với lượng lớn heo nhập khẩu từ Việt Nam, thị trường Trung Quốc hết sốt, chính quyền các tỉnh có biên giới với Việt Nam sẽ đóng biên, lái heo Trung Quốc cũng biến mất. Rủi thay, đó lại là khi lái lợn miền Đông và Tây Nam bộ đã thu gom hàng và đang ào ào lên đường "xung trận" !
Theo Tổng cục Hải quan, cửa khẩu Móng Cái những ngày đầu tháng 5-2016, heo xuất sang Trung Quốc vẫn tấp nâp, trung bình mỗi ngày 100 xe, mỗi xe khoảng 200 con. Nhưng từ ngày 10-5-2016 trở đi, lái Trung Quốc bất ngờ ngừng mua, hàng trăm xe chở heo tắc lại các cửa khẩu. Lái heo miền Nam hoảng loạn, tìm mọi cách, ngõ ngách “đẩy” heo qua biên giới, chấp nhận hạ giá chịu lỗ. Nhưng số lượng bán được vẫn không là bao.
Cửa khẩu Móng Cái đóng băng, lái heo “cắt đường” chuyển sang cửa khẩu Tà Nùng (Cao Bằng) để tuồn hàng. Đi đường xa heo sụt cân, ngất ngư, chết, giá hạ, thêm chi phí nhưng vẫn không thể "nhét" được con nào qua biên giới, khiến lái lỗ nặng. Chỉ có mặt hàng heo sữa là còn tiêu thụ được, với số lượng khoảng 10 xe mỗi ngày qua cửa khẩu Tà Nùng.
Thị trường Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt, giá tăng cao khiến người chăn nuôi Việt Nam háo hức tăng đàn. Có công ty chuyên nuôi gà cũng phá đàn nuôi heo. Nhiều HTX nuôi heo, xã viên tự ý phá đàn bán cho lái rồi tăng đàn. Chăn nuôi heo trước đây cho ăn tấm, cám, nuôi 6-7 tháng mới "vô trăm" (100kg). Nay cho ăn thức ăn công nghiệp, rút ngắn thời gian nuôi còn 4 tháng. Giá thành chăn nuôi 35.000-36.000đ/kg, giá bán vào lúc “sốt cao” đã vọt lên 51.000-52.000đ/kg, người nuôi lãi đậm 15.000-16.000đ/kg, nên nhà nhà đua nhau tăng đàn.
Theo Cục chăn nuôi, đàn heo cả nước nhiều năm qua duy trì ổn định ở mức 26-27 triệu con, nhưng số liệu mới nhất cho biết đã lên tới trên 28 triệu con, cao hơn hàng triệu con so với nhu cầu. Heo tăng đàn ồ ạt thì nguy cơ không chỉ làm cung vượt cầu, mà còn dịch bệnh, nhiễm chất cấm và kéo giá thức ăn, thuốc thú y lên cao. Nguy cơ tiếp tục nữa là, do thời gian qua lái thu gom “bạo”, dẫn đến tình trạng khan hiếm nguồn con giống đạt chất lượng. Giá heo giống từ 72.000đ/kg tăng lên 82.000/kg mà chất lượng thì chỉ... trời biết.
Vẫn theo Cục chăn nuôi, việc tự phát bán heo giống và tái đàn đã phá vỡ cơ cấu giống của ngành chăn nuôi. Thị trường lên cơn sốt nên heo lấy thịt cũng cho phối giống. Viêc thả lỏng quản lý giống lợn đã làm ngành chăn nuôi Việt Nam thiệt hại mỗi năm 5.000 tỷ đồng. Hệ luỵ không chỉ làm giảm năng suất, chất lượng, mà việc phối giống bừa bãi còn làm suy yếu tầm vóc và chất lượng heo Việt.
Tuy thế, các doanh nghiệp vẫn lạc quan với dự báo thị trường thịt heo 2016. Giá heo thịt vẫn duy trì ở mức cao và ổn định ít nhất vài tháng nữa. Việc Trung Quốc ngưng mua thịt heo chỉ là nhất thời, không loại trừ đó là thủ đoạn. Vấn nạn trong xuất khẩu heo hiên này là xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, nên phập phù và không có gì đảm bảo an toàn cho thương nhân. Do thế, nếu Trung Quốc ngưng mua thì người chăn nuôi trong nước sẽ… lãnh đủ.