Những hạn chế này xuất phát từ đâu? Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) xung quanh câu chuyện này.
Sau thời kỳ ồ ạt XK nhưng không hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý bằng cách hạn chế đầu mối XK vẫn chưa hiệu quả. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Giai đoạn đầu, XK gạo chỉ có vài công ty Nhà nước, sau đó mở rộng thêm công ty Nhà nước cấp tỉnh và đến năm 2001, Nhà nước mới cho phép công ty tư nhân tham gia XK gạo. Tuy nhiên, khi có sự tham gia của lực lượng DN tư nhân đã xảy ra tình trạng DN có ít hay nhiều đều chạy đua XK bằng mọi giá , có những DN xuất được giá cao nhưng cũng có DN để thu hồi vốn nhanh đã bán rẻ. Từ đó, XK gạo xuất hiện sự cạnh tranh không lành mạnh giữa những DN XK. Do đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng tiêu chuẩn cho DN đầu mối XK gạo, tức là có DN XK đủ lớn, làm ăn lâu dài không theo phương thức “chụp giật”.
Thực tế này đặt ra yêu cầu quản lý XK gạo theo hướng cạnh tranh lành mạnh là đúng nhưng cách xử lý thì chưa đúng. Sự ra đời của Nghị định 109 là biện pháp hành chính chứ không phải biện pháp kinh tế. Thay vì dùng biện pháp kinh tế để loại bỏ DN nhỏ, DN làm ăn “chụp giật” thì chúng ta lại quản lý bằng biện pháp hành chính và giao cho cơ quan quản lý cấp phép, từ đó lại nảy sinh những tiêu cực khác.
Cách làm của các nước hoàn toàn khác, họ không cần cấp phép mà thúc đẩy DN cạnh tranh với nhau, thông qua đó chọn DN kinh doanh giỏi và quản lý bằng biện pháp kinh tế, ví dụ như đặt cọc, giảm thuế hoặc thưởng cho DN XK gạo đạt giá cao. Nói chung là dùng công cụ tài chính tiền tệ hoặc đòn bẩy kinh tế giúp hoạt động kinh doanh vẫn tự do nhưng đồng thời cũng giúp sàng lọc được DN. DN nào mạnh thì bám trụ, phát triển, còn DN nào không chịu được sức ép sẽ tự rút lui.
Trên thực tế, khi triển khai thực hiện Nghị định 109, việc cấp giấy phép XK gạo lúc đầu làm nghiêm túc (chỉ có vài chục DN đáp ứng tiêu chí) nhưng sau đó quá trình cấp phép cũng chọn ra những DN không đủ mạnh. Vì vậy, việc thực hiện Nghị định 109 đã không đạt được mục tiêu chọn DN giỏi, DN kinh doanh tốt để làm XK.
Việc quản lý XK gạo hiện nay, VFA còn đưa ra giá sàn XK để kiểm soát. Tuy nhiên, rất ít DN thực hiện theo giá sàn này. Liệu rằng, biện pháp quản lý XK bằng giá sàn có hiệu quả?
Giá sàn, giá trần là biện pháp phi thị trường. Nhà quản lý đưa ra giá sàn để “tỏ vẻ” rằng mình có quản lý nhưng thực chất là không quản lý được. Hợp đồng XK gạo ký với giá bao nhiêu chỉ người mua người bán mới biết.
Do vậy, việc quản lý giá sàn XK hiện lỗi thời. Thêm vào đó, giá sàn mua thóc của nông dân cũng đã lỗi thời. Giá ấy chỉ áp dụng trong thời kỳ bao cấp, thời kỳ giá Nhà nước quy định, còn áp dụng cho nền kinh tế thị trường, cho DN tư nhân tự do mua bán thì không có ý nghĩa gì. Giá sàn chỉ là “thuốc giảm đau” xoa vào để nhà quản lý nói rằng: Tôi vẫn quản!
Vậy theo ông, làm sao để có giá XK tốt nhất?
Muốn có giá XK tốt trước hết phải nâng chất lượng gạo lên theo hướng thay đổi tư duy thích trồng lúa năng suất cao, nhiều tấn nhiều tạ của người nông dân, tư duy thích mua gạo giá rẻ của DN. Vấn đề thứ hai, DN kinh doanh phải đi khai thác thị trường, đáp ứng yêu cầu thị trường, xem thị trường cần loại gạo gì (gạo thơm, gạo dẻo…) chứ không phải đi mua thóc rẻ của dân để bán rẻ cho thị trường dễ tính khi họ cần mua gấp. Vấn đề thứ ba, phải xây dựng được một số tập đoànkinh doanh gạo làm trụ cột cho công nghiệp lúa gạo. Hiện nước ta đều có những chính sách “ưu ái” DN nhỏ và vừa nhưng rất ít chính sách nuôi dưỡng DN lớn làm ăn giỏi, đôi khi những DN làm ăn giỏi dễ bị bắt bẻ, hay bị làm khó dễ. DN lớn không dễ luồn lách như DN nhỏ, hễ có sai sót phải đối mặt với rủi ro lớn.
Tôi cho rằng, khiếm khuyết lớn nhất của Việt Nam là không xây dựng được công ty kinh doanh XK lúa gạo đủ tầm cỡ kinh doanh thương mại trên thị trường quốc tế. Dù có 2 DN lớn là Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) nhưng đây lại là 2 Tổng công ty quốc doanh, cạnh tranh kinh doanh thì yếu nhưng quyền hành được giao rất lớn. Có thời kỳ chỉ ngồi bán chữ ký, cấp “quota” chứ không biết đến mặt hàng gạo tròn hay dài. Những DN này mang trong mình “máu quan chức” được phép kinh doanh nhân danh “người Nhà nước” để kiếm lợi nhuận, được quyền chi phối, điều khiển các DN kinh doanh XK gạo khác.
Ngành lúa gạo phải có những tập đoàn kinh doanh thực sự đi mua gạo, đi tìm thị trường, tìm khách hàng, đàm phán để có lợi nhuận tối đa và nắm được nhu cầu của thị trường, từ đó tác động đến người nông dân sản xuất sản phẩm gì chứ không chỉ loay hoay với những khách hàng ký hợp đồng tập trung vài trăm ngàn tấn mà thôi.
Hiện nay, các thị trường XK gạo tập trung chỉ có 2 Tổng công ty được phép tham gia đàm phán, giao dịch trực tiếp. Nhưng như ông nói, 2 Tổng công ty này cạnh tranh kinh doanh yếu. Làm sao để khắc phục tình trạng này, thưa ông?
Trên thực tế, hợp đồng tập trung là những hợp đồng mang dáng dấp của Nhà nước, được DN bỏ giá thầu thấp để trúng. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng giá thấp không làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của DN đàm phán ký hợp đồng mà tác động trực tiếp tới người nông dân bởi DN quay về mua lúa gạo của nông dân với giá thấp.
Hơn nữa, ở những hợp đồng tập trung, DN tư nhân không được tham gia đấu thầu. Nhưng bản thân DN trúng thầu (tức các Tổng công ty - PV) cũng phải hạ giá bằng cách bỏ giá thầu thấp hơn so với các nước để trúng thầu. Điều này còn nguy hiểm hơn việc DN trong nước cạnh tranh nhau bởi nó làm ảnh hưởng đến hạt gạo Việt Nam. Do vậy, cần chuyển đổi các công ty Nhà nước thành công ty kinh doanh thương mại thực sự, giảm bớt vai trò chi phối kiểu hành chính của họ và tạo cơ hội cho một nhóm DN tư nhân để họ hợp lực rồi cử đại diện đi đấu thầu.
Theo những gì ông nói, phải chăng việc điều hành XK gạo được tóm lại bằng hai chữ “phi lý”?
Với cách kiểm soát theo kiểu hành chính, phi thị trường, quản lý để mà quản lý, chúng ta nhận được kết quả, hạt gạo của Việt Nam bị hắt hủi trên thị trường, dù chất lượng tốt nhưng luôn bị đánh giá thấp, luôn thua thiệt. Người nông dân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” làm ra hạt gạo nhưng lại bị công ty kinh doanh gạo ăn chia lợi nhuận. Nếu cứ duy trì tình trạng này thì người nông dân không cất đầu lên được.
Vậy bài toán XK cần phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?
Tôi cho rằng, không có cách nào khác ngoài viêc cần phải tổ chức lại, tái cơ cấu toàn bộ theo mô hình thị trường cạnh tranh để nuôi dưỡng được một số tập đoàn kinh doanh có tên tuổi, có thương hiệu trên thị trường thế giới. Theo đó, phải tạo được trật tự trong thị trường, ai giỏi lĩnh vực nào thì làm lĩnh vực ấy thì mới có thể phát huy tác dụng, chi phối thị trường. Nếu chúng ta không chấp nhận trật tự đó mà áp đặt trật tự hành chính, cấp bậc (Bộ, Hiệp hội, Tổng công ty…) thì không giải quyết được vấn đề. Nếu chưa làm theo mô hình thị trường thì không bao giờ chúng ta có thương hiệu gạo, khi đó hạt gạo của Việt Nam có thể bị nhầm thành gạo Thái Lan hay Campuchia.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Hải quan