Xử lý vi phạm giao thông: Không nên khuyến khích sự liều lĩnh

Thanh Hằng
Thanh Hằng

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes  – Clip một cảnh sát giao thông (CSGT) ở huyện An Lão, Hải Phòng khi đang làm nhiệm vụ hôm 9/7 đã bị một chiếc  xe máy tông phải, gây thương tích cho cả CSGT và người vi phạm, đã gây “bão mạng” những ngày qua với những ý kiến trái chiều.

Không cần phải bàn cãi về việc vi phạm Luật giao thông của thiếu niên lái xe máy trên, khi đã đi xe vượt tốc độ cho phép (65/50km), không đội mũ bảo hiểm, không làm chủ tốc độ. Điều này cũng cảnh báo các bậc phụ huynh trong việc quản lý và giao xe cho con đi khi chưa đến tuổi trưởng thành, vì chính là một nguyên nhân gây nên tai nạn giao thông.

Nhưng từ vụ việc, có những điều cần đặt ra với lực lượng CSGT khi thực hiện nhiệm vụ, là kỹ năng và nghiệp vụ xử trí, để tránh phải hy sinh không cần thiết.

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với các chiến sĩ CSGT về áp lực khi làm nhiệm vụ. Nhưng  cho dù thế nào, thì vấn đề an toàn vẫn phải được đặt ra trên hết: An toàn cho chính mình, cho người vi phạm, cho cả những người khác đang trên đường.

Người  CSGT ra giữa đường để chặn xe
Người CSGT ra giữa đường để chặn xe

Camera hành trình do một ô tô ghi lại vụ việc cho thấy thiếu niên 16 tuổi đang lái xe với tốc độ khá cao và người CSGT lao ra giữa đường dừng xe, rồi lao vào đầu chiếc xe đang chạy để chặn. Đối đầu chiếc xe máy là ô tô chạy ngược chiều (ô tô có camera hành trình). Rõ ràng, hành động của anh CSGT lúc này là cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, thiếu niên lái xe đã “không may tông trực diện vào người thượng úy Quý”, đúng như Tuổi trẻ đã đưa tin, chứ không phải cố tình đâm vào CSGT.

Hậu quả cho thấy việc CSGT lao ra giữa đường chặn xe không chỉ nguy hiểm cho người CSGT, mà còn nguy hiểm cho cả người vi phạm khi cháu này cũng phải nhập viện. Nếu chiếc ô tô không phanh kịp, mà chiếc xe máy lại đổ ra đầu xe ô tô đúng lúc đó thì hậu quả còn lớn hơn nhiều!

 Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông, có ghi rõ “việc dừng phương tiện phải đảm bảo: An toàn, đúng quy định pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông”.

Hậu quả dẫn đến cả CSGT và lái xe vi phạm đều nhập viện
Hậu quả vụ vi phạm Luật giao thông khiến cả CSGT và lái xe đều nhập viện

“Điều 87 Luật Giao thông đường bộ 2008 và Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định cho phép CSGT dừng xe của người điều khiển vi phạm lại nhưng phải là “một cách an toàn” – theo luật sư Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn LS TP.HCM) cho biết trên Báo Thanh Niên.

Ngay với việc truy đuổi người vi phạm An toàn giao thông, Thông tư 01/2016/TT-BCA cũng qui định CSGT chỉ có quyền truy đuổi trong trường hợp phát hiện tội phạm, hoặc người đó có hành vi vi phạm nghiêm trọng có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, nhưng phải đảm bảo an toàn cho người truy đuổi và người bị đuổi.

An toàn được  đặt đầu tiên, đủ thấy Bộ Công an rất coi trọng yếu tố này cho người dân. Thế nhưng, trong vụ việc ở huyện An Lão, người CSGT đã không tuân theo quy định nên hậu quả đã xảy ra.

Lẽ ra, trường hợp này, anh CSGT không cần liều mình như vậy, khi đây không phải là tội phạm hình sự, mà chỉ là người dân vi phạm hành chính. CSGT hoàn toàn có thể ghi biển số, báo cho các chốt trạm CSGT tiếp theo để xử lý, hoặc sử dụng việc ghi hình, chụp ảnh để điều tra, xử lý “nguội”.  Như vậy, sẽ đảm bảo an toàn cho mọi người.

Việc phạt “nguội” giao thông đã được áp dụng cách đây 4 năm và hệ thống camera đã được trang bị ở nhiều tuyến đường, địa bàn. Chưa kể hệ thống camera của nhà dân dọc bên đường hoàn toàn có thể hỗ trợ CSGT khi truy tìm chủ xe vi phạm.

Một vấn đề nữa là cần có cái nhìn đúng đắn về vụ việc. Rõ ràng là anh CSGT đã lao vào chiếc xe máy (chứ không phải cậu thiếu niên cố tình đâm vào anh), mà chiếu theo Thông tư 01/2016/TT-BCA của Bộ Công an là chưa đúng với yêu cầu "dừng xe phải đảm bảo an toàn".

Vì thế, trên tài khoản Facebook cá nhân, TS. Nguyễn Đức Thành (Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính sách) bày tỏ: “Tưởng vụ này thì phải xem xét xử anh công an lỗi cản trở gây tai nạn giao thông chứ nhỉ? Còn thằng bé kia thì bị tội phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ xe máy, không làm chủ được tốc độ là rõ rồi. Ai phạm lỗi gì thì xử đúng thôi nhỉ.”

Trên Tiền phong, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - nguyên Tổ trưởng xử lý vi phạm (Công an TP Hà Nội) cũng cho rằng cán bộ xử lý vi phạm trong vụ việc còn thiếu kinh nghiệm, nghiệp vụ hạn chế.

Vì thế, không nên khuyến khích những hành động tương tự, càng không thể cho đó là hành động anh hùng. 

Nhớ câu chuyện về vụ cướp nhà băng ở nước ngoài, có nhân viên chống trả bọn cướp. Nhưng sau đó, ông giám đốc chẳng những không khen thưởng, mà còn khiển trách nhân viên vì đã tự đặt mình vào tình thế nguy hiểm, mà tính mạng con người quan trọng hơn tất cả.

Tính mạng con người cao hơn tất cả, đó là lý do nhiều người không đồng tình với hành động của anh CSGT.

Người vi phạm Luật giao thông dù sao cũng là dân và lỗi chỉ là vi phạm hành chính, vì thế không nên “một mất một còn” như với tội phạm, nhất là khi vẫn còn những cách xử lý an toàn khác.