Xử lý nợ xấu - VAMC được trao thêm quyền

Ngày 16-6-2016, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 08/2016/TT-NHNN về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC).
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bổ sung quy định nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm bớt khó khăn trong công tác trích lập dự phòng rủi ro hàng năm. Ảnh: TUỆ DOANH
Ngân hàng Nhà nước đã chủ động bổ sung quy định nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm bớt khó khăn trong công tác trích lập dự phòng rủi ro hàng năm. Ảnh: TUỆ DOANH

Thông tư 08 (hiệu lực từ 1-8-2016) có một số nội dung đáng chú ý như gia hạn thời hạn của trái phiếu đặc biệt (TPĐB), trao cơ chế chủ động và quyền hạn nhiều hơn cho VAMC trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu và tạo điều kiện cho các TCTD có cơ hội ghi nhận doanh thu từ việc bán nợ.

Giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro hàng năm cho ngân hàng

Điều 15a của Thông tư 08  bổ sung nội dung: việc gia hạn thời hạn của TPĐB sẽ được áp dụng cho các đối tượng là TCTD đang thực hiện phương án cơ cấu lại theo đề án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và TCTD gặp khó khăn về tài chính mà việc trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB có thể dẫn đến kết quả kinh doanh lỗ. Như vậy có thể nói, NHNN đã chủ động bổ sung quy định nhằm hỗ trợ các TCTD giảm bớt khó khăn trong công tác trích lập dự phòng rủi ro hàng năm.

Thời gian gia hạn và thời gian gốc của TPĐB theo quy định lên tới 10 năm nên những TPĐB mà VAMC đã phát hành để mua nợ của các TCTD trước đây với kỳ hạn năm năm sẽ có cơ hội gia hạn thêm năm năm nữa, đồng nghĩa với việc số tiền trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB theo quy định trước đây là 20% trị giá TPĐB/năm có cơ hội giảm về còn 10%/năm. Cần nhớ rằng hầu hết TPĐB mà VAMC phát hành trong giai đoạn 2013-2014 chủ yếu là ở kỳ hạn năm năm.

Điều này sẽ giúp các ngân hàng không chịu quá nhiều áp lực về kết quả kinh doanh hàng năm. Trước nay, các ngân hàng lo ngại giá trị trích lập dự phòng rủi ro cho TPĐB quá lớn có thể ăn hết lợi nhuận đạt được trong năm và dẫn đến việc lỗ.

Điều 50 của Thông tư 08 sẽ khuyến khích các TCTD bán các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm chất lượng tốt và có giá trị cao hơn khoản vay, giúp các TCTD vừa làm sạch bảng cân đối, nâng cao chất lượng tín dụng, vừa có thêm thu nhập từ việc bán nợ.

VAMC chủ động hơn trong xử lý nợ xấu

Điều 27 của Thông tư 08 về nguyên tắc cơ cấu lại khoản nợ xấu đã mua cho phép VAMC được xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại các khoản nợ xấu đã mua cả theo giá trị thị trường hoặc bằng TPĐB, trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của khách hàng vay và không yêu cầu phải trao đổi với TCTD bán nợ trước khi cơ cấu lại như trong Thông tư số 19 ban hành trước đây. Điều này sẽ giúp VAMC chủ động hơn trong công tác tái cơ cấu nợ xấu cho khách hàng, từ đó giúp khách hàng có thể gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ phù hợp và có cơ hội phục hồi lại hoạt động kinh doanh.

Điều 28 đề cập đến việc điều chỉnh lãi suất của khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB.  Theo đó, quy định mới yêu cầu VAMC hàng quí phải công bố các mức lãi suất tham chiếu và cơ sở xác định các mức lãi suất này, bỏ nội dung các điều kiện để được điều chỉnh lãi suất. Đồng thời, VAMC chỉ cần thông báo việc điều chỉnh lãi suất cho TCTD bán nợ mà không cần phải trao đổi với TCTD đó trước khi quyết định như quy định cũ.

Điều 29 quy định về việc miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB. Các điều kiện để được miễn, giảm lãi mà doanh nghiệp phải đáp ứng đã dễ thở hơn. Cụ thể, điều kiện “Khách hàng vay trả nợ ngay hoặc cam kết trả nợ trong vòng 60 ngày tối thiểu 5% số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả tại thời điểm xem xét miễn, giảm lãi phạt, phí, lãi vay đã quá hạn thanh toán” đã được dỡ bỏ.

Khoản 2 điều 29 cũng quy định VAMC phải trao đổi với TCTD bán nợ trước khi quyết định miễn, giảm lãi. Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời hạn để TCTD hồi đáp tăng từ 5 ngày lên 10 ngày và điểm mới là “sau thời hạn trên, VAMC quyết định và chịu trách nhiệm về việc miễn, giảm lãi tiền quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm”.

Điều 30 về biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ của các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB cũng trao quyền tự quyết và chủ động hơn cho VAMC khi bổ sung quy định sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày VAMC có văn bản đề nghị TCTD phải có ý kiến trả lời bằng văn bản về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khoản nợ xấu, thì VAMC được quyền “quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ”.

Về việc bán nợ xấu đã mua, Thông tư 08 quy định chi tiết hơn về số lần bán đấu giá, công tác định giá, phương thức chào giá và bổ sung thêm quy định bán nợ xấu được mua theo giá thị trường. Ngoài ra, quy định mới cũng cho phép VAMC được chủ động thực hiện bán đấu giá khoản nợ xấu trong trường hợp VAMC và TCTD bán nợ không thống nhất được phương thức hoặc điều kiện bán nợ. Đây là một sự bổ sung cần thiết giúp VAMC có thể xử lý nợ nhanh hơn thay vì phải chờ sự thống nhất ý kiến từ TCTD bán nợ.

Điều 47 (bổ sung) của thông tư này còn cho phép VAMC được sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro đối với các khoản nợ xấu được mua theo giá thị trường. Đặc biệt, sau năm năm nếu không thể thu hồi được thì có thể xuất toán khoản nợ đã xử lý rủi ro ra khỏi ngoại bảng sau khi được NHNN và Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.

TCTD có cơ hội tăng thêm thu nhập khi bán nợ theo giá thị trường

Thông tư 08 bổ sung thêm điều 43a về xử lý số tiền thu hồi nợ của khoản nợ xấu được mua theo giá trị thị trường bằng trái phiếu. Số tiền này sẽ gửi tại TCTD sở hữu TPĐB dưới hình thức tiền gửi không hưởng lãi.

Điều 50 bổ sung thêm quy định khi TCTD bán nợ cho VAMC theo giá trị thị trường, nếu giá bán nợ cao hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ thì phần chênh lệch cao hơn được hạch toán vào thu nhập trong năm tài chính của TCTD bán nợ.  Điều này sẽ khuyến khích các TCTD bán các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm chất lượng tốt và có giá trị cao hơn khoản vay, giúp các TCTD vừa làm sạch bảng cân đối, nâng cao chất lượng tín dụng, vừa thêm thu nhập từ việc bán nợ.

Với những điều chỉnh như trên, kỳ vọng tiến trình xử lý nợ xấu của toàn ngành sẽ đẩy nhanh được tiến độ và thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán nợ, mua bán tài sản của Việt Nam. Những quy định mới cũng tạo điều kiện cho các TCTD đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh có cơ hội giãn thời gian trích lập dự phòng, giảm áp lực trong bối cảnh toàn ngành ngân hàng đang gặp nhiều thách thức.

Theo TBKTSG