|
Chính phủ Trung Quốc khuyến khích không lãng phí thực phẩm, người trẻ tuổi có xu hướng mua đồ ăn sắp hết hạn sử dụng (Ảnh: SCMP) |
Lily cảm thấy rất vui khi mua hàng với giá hời và chia sẻ điều này với một người bạn, nhưng người bạn nói rằng dùng đồ ăn uống gần hết hạn sử dụng gây rủi ro về sức khỏe. Nghe vậy, Lily không dám kể với người khác nữa vì sợ rằng họ nghĩ cô sống quá tằn tiện.
Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục thói quen mua thực phẩm gần hết đát của mình, bởi chúng được giảm giá. Mặc dù không dám kể với bạn bè nữa, nhưng cô đã tạo dựng được cả một cộng đồng trực tuyến gồm hơn 57.000 người chuyên chia sẻ mẹo vặt về mua thực phẩm sắp hết hạn.
“Tôi thấy ở trên mạng có rất nhiều người mua cùng loại thực phẩm như vậy, và tôi thấy rằng chả có điều gì xấu khi mua thực phẩm sắp hết hạn” – Lily cho hay.
Trong vài năm trở lại đây, mua thực phẩm sắp hết đát dần trở thành một xu hướng phổ biến ở Trung Quốc, trong lúc mà chính quyền nước này thông qua Luật Chống lãng phí thực phẩm mới trong tháng 4/2021. Luật quy định các nhà hàng “chỉ dẫn hoặc lừa dối” khách hàng gọi đồ ăn quá thừa thãi sẽ bị phạt tiền. Luật cũng cấp “các show ăn uống” hoặc “thi ăn uống” trên mạng xã hội.
|
Một cửa hàng của Hotmaxx, chỉ chuyên bán đồ ăn sắp hết đát, ở Bắc Kinh (Ảnh: SCMP) |
Theo một báo cáo năm 2020 của Quốc hội, các thành phố của Trung Quốc bỏ thừa gần 18 tỉ kg thức ăn mỗi năm.
Từ trước khi luật này có hiệu lực, một số siêu thị ở Trung Quốc đã thu hút được rất nhiều khách hàng nhờ chính sách bán giảm giá thực phẩm gần hết hạn.
Tại Siêu thị Yongwang, Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, thường có một rổ hàng hóa đặt tại cuối mỗi dãy hàng thực phẩm, bên trong chứa đầy các mặt hàng như pasta, trà, dầu ăn, nước lẩu…thường là sắp hết hạn sử dụng.
Một nhân viên siêu thị ten Liu cho hay các loại thực phẩm này có giá bán giảm tới 70% so với giá gốc, và nhân viên vẫn đi kiểm tra các mặt hàng này mỗi ngày để xem chúng đã quá đát hay chưa.
“Điều này chắc chắn sẽ giúp giảm được rất nhiều đồ bỏ phí”, Liu nói. Nhiều siêu thị có quy định tiêu hủy thực phẩm đã quá hạn sử dụng, bởi vậy họ đã tăng cường bán loại mặt hàng này nhờ chính sách giảm giá cực sâu.
Suốt nhiều năm qua, hầu như chỉ có người lớn tuổi mới bỏ công sức đi săn hàng sắp hết đát. Nhưng dần dần, người trẻ tuổi cũng bắt đầu theo xu hướng này.
|
Khách hàng xếp hàng chờ trả tiền tại một cửa hàng chuyên bán đồ ăn sắp hết đát ở Bắc Kinh (Ảnh: SCMP) |
Ban đầu, bản thân Lily cũng rất băn khoăn về việc thực phẩm sắp hết hạn sử dụng có ảnh hưởng tới sức khỏe của cô hay không, nhưng sau đó vẫn quyết định mua vì thấy giá cả quá hấp dẫn.
“Một cửa hiệu bánh bán bánh cuộn giảm giá tới 50% vào khoảng thời gian sau 4h00 chiều mỗi ngày” – cô nói – “Các cửa hiệu khác còn giảm giá tới 70 – 80%. Nếu tôi có thể ăn chúng một cách nhanh chóng, vậy thì tôi nên mua chúng”.
Trên kênh Douban chuyên săn hàng sắp hết đát mà cô thiết lập, có tên “Tôi yêu thực phẩm sắp hết đát”, các thành viên thường xuyên trao đổi cách lựa chọn nhãn hàng, cửa hàng trực tuyến để mua, và các loại thực phẩm ngon…đương nhiên tất cả đều là hàng sắp hết hạn sử dụng.
Một đoạn post khá nổi trên kênh này đưa ra câu hỏi: “Các bạn có xấu hổ vì mua đồ ăn sắp hết đát?”. Phần lớn bình luận phía dưới nói rằng chả có gì đáng xấu hổ khi vừa tiết kiệm được tiền túi lại vừa không lãng phí thức ăn.
Một số đoạn video chỉ rõ các cửa hàng và khu vực bán thực phẩm sắp hết đát cũng phổ biến trên mạng. Một vlogger trên Bilibili đã đi tới một cửa hàng ở Bắc Kinh với chỉ 100 NDT (15,55 USD) trong túi và mua được một túi đầy đồ ăn vặt.
Ở những thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải, nhiều cửa hàng và khu mua sắm chuyên bán thực phẩm sắp hết hạn sử dụng mọc lên để đáp ứng thị hiếu người dân.
HotMaxx, một cửa hiệu chuyên bán đồ ăn sắp hết đát với mức giảm giá từ 50 – 80%, đã nhanh chóng phát triển kể từ năm 2020, với hơn 50 cửa hàng chỉ tính riêng ở Thượng Hải. Họ đã đạt thỏa thuận với hơn 200 nhãn hàng thực phẩm nổi tiếng, trong đó có công ty bánh kẹo Ferrero của Italy, nhà sản xuất đồ ăn vặt Want Want của Đài Loan.
Tuy nhiên, hiện tại thì thực phẩm gần hết đát vẫn chỉ là một thị trường ngách, bởi chính phủ Trung Quốc không có chính sách khuyến khích hành vi mua sắm này hay quản lý thị trường này. Dù vậy thì ngành công nghiệp này vẫn phát triển kể từ khi luật chống lãng phí thực phẩm được thông qua.
Ngay trong tháng này, một đội quản lý của chính phủ ở Nam Kinh đã phát hiện ra một cửa hàng bánh mì vứt những sản phẩm ế của họ, vi phạm luật chống lãng phí thực phẩm. Đây là lần đầu tiên mà luật này được thực thi ở Nam Kinh.
Truyền thông Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền. Kênh truyền hình trung ương CCTV đã phát sóng chương trình về kênh của Lily như một ví dụ điển hình về chiến dịch chống lãng phí thực phẩm, giúp cho lượng người đăng ký theo dõi kênh của cô tăng thêm tới 10.000.