Ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là một bộ phận của thị trường mà còn là một thành phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu; cộng thêm sự nâng cấp liên tục của trí tuệ nhân tạo (AI) trong hầu hết các lĩnh vực, chính sách bán dẫn sẽ có ý nghĩa địa chính trị. Lập trường của ông Donald Trump đối với “Đạo luật Chip” đã gây nên sự chú ý rộng rãi trong ngành.
“Đạo luật Chip” bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ
Năm 2022, chính phủ Mỹ đã thông qua "Đạo luật Chip" trị giá 53 tỷ USD hỗ trợ cho ngành bán dẫn Mỹ. Kể từ đó, chính phủ Mỹ đã ban hành một số ưu đãi cho các công ty nhắm vào các bộ phận cụ thể của chuỗi cung ứng, với mục tiêu đưa hoạt động sản xuất chip về nước và bảo vệ Mỹ khỏi những gián đoạn địa chính trị.
Phân tích thị trường cho thấy việc đưa ra "Đạo luật Chip" không thể tách rời khỏi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump đã đặt nền móng cho việc đưa ra "Đạo luật Chip" sau này được thông qua trong nhiệm kỳ của ông Biden. Các nhà phân tích tại Moor Insights & Strategy cho rằng việc ông Trump liên tục chỉ trích TSMC tước đoạt hoạt động kinh doanh bán dẫn của Mỹ có thể là để thúc đẩy công ty này tăng cường đầu tư vào Mỹ và có thể xúc tiến “Đạo luật Chip 2.0”.
Người trong ngành nhìn chung cho rằng, so với tăng thuế toàn diện, các biện pháp khuyến khích như “Đạo luật Chip” có lợi cho ngành sản xuất chip của Mỹ hơn. Chỉ dựa vào thuế quan không thể kích thích sản xuất trong nước Mỹ mà sẽ làm tăng gánh nặng cho người tiêu dùng và làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng thương mại.
Nếu chính quyền tiếp theo mở rộng thuế quan, chi phí cuối cùng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ sẽ chỉ tăng lên. Với việc quy mô sản xuất chip ở Trung Quốc đại lục mở rộng, thuế quan đối với chip Đài Loan sẽ khiến sản phẩm của Mỹ đắt hơn nhiều so với sản phẩm từ các khu vực khác.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA) chỉ ra rằng các khoản trợ cấp, cho vay và ưu đãi thuế của “Đạo luật Chip” có tổng trị giá hơn 30 tỷ USD, kích thích mạnh mẽ tư nhân đầu tư vào ngành sản xuất chip của Mỹ. SIA cho rằng những biện pháp này rất quan trọng để tăng cường ngành công nghiệp chip Mỹ.
Thái độ hoàn toàn khác nhau đối với Đạo luật Chip
Nếu Đạo luật Chip thành công, tới năm 2032, khoảng 28% nguồn cung chip tiên tiến của thế giới sẽ đến từ Mỹ, trong khi hiện nay là 0%. Cho đến nay, Văn phòng Chương trình Chip Hoa Kỳ (The Chips Program Office, CPO) đã công bố khoản tài trợ trị giá 33,7266 tỷ USD và khoản vay lên tới 28,8 tỷ USD cho 20 công ty.
Đội ngũ tranh cử của bà Harris đã tuyên bố khuyến khích những nỗ lực của Đạo luật Chip trong việc cung cấp các khoản tài trợ, trợ cấp và khoản vay liên bang cho các công ty đủ điều kiện như Intel, TSMC, Samsung và Micron.
Tuy nhiên, có những dấu hiệu sơ bộ cho thấy ông Trump không hào hứng lắm với Đạo luật Chip sau khi nhậm chức. Đầu tiên, gần đây ông gọi dự luật này là "rất tồi tệ", cho rằng thỏa thuận đã lãng phí hàng tỷ USD để thu hút các công ty nước ngoài xây dựng công ty chip ở Mỹ. Ông Trump chủ trương tăng thuế để thu hút đầu tư, tin rằng điều này có thể thu hút các công ty chất lượng cao mà không tốn đồng nào.
Ngoài ra, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, gần đây được ghi nhận nói rằng nếu đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội không bị hạn chế và ông Trump đắc cử tổng thống, "rất có thể chúng ta sẽ bãi bỏ Đạo luật Chip”. Tất nhiên, ông Johnson nhanh chóng rút lại những lời lẽ đó, cho rằng việc "đơn giản hóa và cải tiến" Đạo luật Chip là cần thiết. Tuy nhiên, tình tiết này đã cảnh báo về tính bền vững lâu dài của biện pháp chính sách này.
Ông Trump từng nói rằng, sau khi trở lại Nhà Trắng, thuế quan sẽ được áp dụng đối với chip Đài Loan (Trung Quốc), mặc dù hơn 90% chip tiên tiến trên thế giới đều do TSMC cung cấp. "Chúng ta đã đầu tư hàng tỷ USD và để các công ty giàu có đến vay tiền và xây dựng các công ty chip ở đây", ông nói.
Hướng đi tương lai của “Đạo luật Chip” vẫn là ẩn số
Việc Đạo luật Chip trợ cấp hơn 50 tỷ USD cho các doanh nghiệp liên quan đến chất bán dẫn là điều ai cũng biết và dường như được phản ánh vào giá cả thị trường. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là giao dịch đã kết thúc, xét cho cùng, việc thực hiện cần có thời gian. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã buộc phải lập ra một đội ngũ và cơ quan hậu cần để quản lý dự án. Mãi đến tháng 12/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ mới công bố chi khoản trợ cấp đầu tiên.
Điều quan trọng ở đây là ngay cả khi biết được những thay đổi về chính sách, nguồn vốn từ đạo luật sẽ được triển khai ở đâu và khi nào vẫn chưa được biết. Cho dù chính quyền nào tiếp quản, sự chậm trễ đều sẽ là mối quan tâm lớn nhất.
Trong một ngành phải chịu đựng nỗi khổ của chu kỳ hưng suy, sự chậm trễ có thể làm hỏng mọi thứ. Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger tuần trước nói rằng công ty của ông vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản tài trợ nào để giúp xây dựng các nhà máy mới ở Arizona và Ohio, đồng thời chỉ trích tốc độ cung cấp vốn.
Mặc dù vậy, ông vẫn tin rằng sáng kiến này sẽ tiếp tục bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Gelsinger nói: “Đạo luật Chip là một dự luật lưỡng đảng có được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai bên”.
Ảnh hưởng đối với ngành công nghiệp chip Trung Quốc
Mở rộng sang lĩnh vực công nghệ, chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ có tác động lớn hơn nhiều đến triển vọng của các công ty công nghệ Trung Quốc so với bà Kamala Harris. Giới chức Trung Quốc cho rằng phong cách khó lường của ông Trump có thể gây tổn hại cho ngành công nghiệp vốn bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt, cũng có thể sẽ tăng thêm các hạn chế.
Trong nhiệm kỳ trước từ 2017 đến 2021, ông Trump đã cấm xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc với lý do nước này thực thi thương mại không công bằng và vấn đề an ninh quốc gia, từ đó gây ra chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức điều hành công nghệ Trung Quốc cho rằng thái độ hiếu chiến của ông, cùng với việc ông đột ngột áp thuế sâu rộng, có thể khiến các đồng minh của Mỹ lo lắng và phá hoại mọi nỗ lực phối hợp.
Topsperity Securities, một công ty môi giới chứng khoán có trụ sở tại Thượng Hải, đã viết hồi tháng 8: “Là người khởi xướng một cuộc leo thang toàn diện nhằm ngăn chặn công nghệ của Trung Quốc, nếu Donald Trump lên nắm quyền một lần nữa…ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc có thể lại bị đàn áp hơn nữa”.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, dù cuối cùng ai thắng cử, ngành công nghệ Trung Quốc đều đã tập trung hơn vào thị trường nội địa và đã tự cung tự cấp hơn so với khi ông Trump hay Biden lên nắm quyền các khóa trước đây.
Binh lính Ukraine chào mừng chiến thắng của ông Trump bằng sự hoang mang
Những hình ảnh ấn tượng về nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump
Lầu Năm Góc kỳ vọng ông Trump giữ vững cam kết của ông Biden với Ukraine
Theo Finance.sina