Theo đó, đa số các đại biểu đều tán thành ý kiến đưa cao tốc Bắc – Nam vào kỳ họp này để xin ý kiến Quốc hội. Đoàn thư ký của Quốc hội sẽ sắp xếp lịch để đưa vào chương trình, xin ý kiến bước đầu của Quốc hội xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đây là vấn đề được đặt ra trước khi khai mạc kỳ họp này, nhưng để bảo đảm thời gian cho các cơ quan chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ nên UB Thường vụ QH chưa đưa vào chương trình . Vì vậy, “việc bổ sung kịp thời các nội dung này vào kỳ họp đang diễn ra là hết sức cần thiết” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Theo đó, Thủ tướng chấp thuận phương án 1 xây dựng cao tốc Bắc - Nam theo đề xuất của Bộ GTVT. Dự án này sẽ được đầu tư theo 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ nay đến 2025 được chia thành 2 phân kỳ. Cụ thể, từ năm 2017-2020 sẽ đầu tư khoảng 713km và chia thành 8 dự án gồm các đoạn: Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) theo hình thức đối tác công - tư (PPP), loại hợp đồng BOT;
Nâng quy mô 2 dự án thành phần đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình) và đoạn La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) từ 2 làn xe lên thành 4 làn xe; đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chia thành 20 dự án thành phần giao cho các địa phương thực hiện.
Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 130.216 tỷ đồng, trong đó phần vốn Nhà nước hỗ trợ đã được Thủ tướng đồng ý sử dụng 55.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ; phần vốn nhà đầu tư (vốn chủ sở hữu và vốn vay) khoảng 63.716 tỷ đồng.
Từ 2021-2025 đầu tư mới 659km để nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Giai đoạn 2 từ sau năm 2025 sẽ thực hiện mở rộng tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô phù hợp với quy hoạch được duyệt; căn cứ vào nhu cầu vận tải sẽ quyết định cụ thể thời điểm đầu tư, phương án đầu tư và nguồn vốn
Theo Bộ Giao thông vận tải, hành lang kinh tế Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM đi qua địa phận của 20 tỉnh và thành phố. vì vậy cần ưu tiên đầu tư, tạo động lực cho hành lang này, đặc biệt là yêu cầu về phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại