Xếp hạng tín nhiệm để lành mạnh hoá thị trường trái phiếu, cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp là giải pháp lành mạnh hoá thị trường được nhiều chuyên gia đồng thuận tại “Diễn đàn Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững” diễn ra vào chiều nay (19/5).
Toàn cảnh “Diễn đàn Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”
Toàn cảnh “Diễn đàn Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, bền vững”

Theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang có sự điều chỉnh sau nhiều năm ‘có dấu hiệu nóng’. Vị chuyên gia này cũng cho rằng, quy mô thị trường TPDN vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Trích dẫn số liệu của ADB, ông Lực cho biết, tính đến cuối tháng 3/2022, quy mô thị trường trái phiếu khoảng 3,3 triệu tỉ đồng (bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp niêm yết, trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết và trái phiếu chính phủ).

Trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng TPDN phát hành giảm mạnh. Doanh nghiệp bất động sản chỉ phát hành trái phiếu bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. “Thị trường trái phiếu có dấu hiệu giảm nhiệt rất rõ”, ông Lực nói.

Tuy nhiên, việc ‘giảm nhiệt’ ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng đặt ra vấn đề về nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế trong thời gian tới. “Hệ thống ngân hàng thời gian qua đã phải ‘gồng mình’ để cho vay trung và dài hạn, chiếm tới 45 – 50% tổng vốn cho nền kinh tế, phần nào có sự quá tải. Do đó, việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu là vô cùng quan trọng”, ông Lực nhấn mạnh.

Để lành mạnh hoá thị trường TPDN, ông Lực đề xuất phải có tổ chức xếp hạng tín nhiệm, phân loại trái phiếu, theo chuẩn mực quốc tế,. Khi đó, nhà đầu tư có thể phân biệt, tự quyết định đầu tư vào loại hình trái phiếu doanh nghiệp nào.

Song, việc xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp cũng cần phải có sự chọn lọc, có phân loại các doanh nghiệp nào bắt buộc phải xếp hạng để tránh gây gánh nặng chi phí cho tổ chức phát hành.

TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng, việc bắt buộc doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có tài sản bảo đảm là không cần thiết. “Nếu không có tài sản bảo đảm, doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất cao hơn, vì trái phiếu của họ rủi ro hơn”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Dẫn chứng kinh nghiệm ở thị trường Mỹ, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, đạo luật Dodd & Frank nêu lên việc quốc hội Mỹ nhìn nhận các công ty xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò là “gate keeper” cho thị trường tín dụng (trong đó có thị trường trái phiếu). Vai trò này tương tự như vai trò của các công ty kiểm toán, các nhà phân tích và thẩm định chứng khoán.

“Chính vì vai trò này mà công ty xếp hạng tín nhiệm cần phải có sự giám sát và chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý và nhà đầu tư”, ông Hiếu nói.

Trong khi đó, theo ông Phạm Xuân Hoè – Phó Viện trưởng Viện chiến lược, NHNN, nhà nước cần có cơ chế kiểm soát, thậm chí góp vốn thành lập các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm để đảm bảo sự minh bạch, độc lập trong việc xếp hạng tín nhiệm.

Theo TS. Phan Đức Hiếu – Uỷ viên thường trực Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, các nhà lập pháp có quan điểm thị trường đã tốt nhưng phải làm tốt hơn nữa, đồng thời xây dựng khung thể chế thuận lợi để thị trường trái phiếu có thể tăng quy mô lên tới 20% GDP.

Ở một góc nhìn khác, ông Hiếu cho rằng phải nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp nói chung, và đây là ‘công cụ tối ưu nhất’ trong dài hạn để doanh nghiệp tự tăng cường tính tuân thủ, tăng năng lực hấp thụ vốn, từ đó giảm gánh nặng cho nhà lập pháp.

Ngoài ra, ông Hiếu cũng cho rằng, cần phải có cơ chế để doanh nghiệp yếu kém có thể rút lui khỏi thị trường, trong đó có luật phá sản.

“Nếu luật phá sản có hiệu quả, kịp thời cho các doanh nghiệp có năng lực yếu phá sản thì sẽ giảm thiểu được rủi ro cho nền kinh tế”, ông Hiếu nói./.