Xem xét, công bố hết dịch COVID-19, đưa vắc xin vào Chương trình TCMR quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 giao Bộ Y tế chủ động sửa đổi, bãi bỏ các quy định về phòng chống dịch, đưa vắc xin phòng bệnh vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia.

Bộ Y tế chuẩn bị công bố hết dịch COVID-19
Bộ Y tế chuẩn bị công bố hết dịch COVID-19

Ngày 19/6, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 (gọi tắt là Ban chỉ đạo) tại phiên họp thứ 20, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.

Theo đó, Ban chỉ đạo thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B.

Ban chỉ đạo đề nghị các địa phương thực hiện việc tổng kết, đánh giá công tác phòng, chống dịch trong ngành, lĩnh vực và trên địa bàn, gửi kết quả về Bộ Y tế trong tháng 6/2023.

Đồng thời, Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Bộ Y tế thực hiện nhiều vấn đề, đáng lưu ý là chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xem xét, công bố hết dịch theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Y tế hướng dẫn các bộ ngành, địa phương rà soát, chủ động thực hiện hoặc đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bãi bỏ các quy định liên quan đến phòng, chống dịch, nghiên cứu, triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 phù hợp tình hình và tiêm vắc xin phòng Covid-19 hằng năm trong Chương trình TCMR quốc gia.

UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc rà soát tình hình dịch bệnh, công bố hết dịch trên địa bàn theo thẩm quyền trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

vt-10-2903.jpeg
Vắc xin vẫn được coi trọng khi bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B

Đất nước gánh chịu nhiều mất mát, hy sinh

Trước đó, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết luận: lần đầu tiên Việt Nam phòng, chống dịch truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A ở quy mô quốc gia, trong điều kiện chưa có tiền lệ và kéo dài (từ đầu năm 2020 đến nay).

Đây là đại dịch diễn biến hết sức phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, tác động sâu sắc, nhiều mặt đến kinh tế - xã hội và là thử thách lớn đối với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, nhất là ngành Y tế và trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều thiếu thốn, hạn chế về nguồn lực, kinh phí, chưa chủ động được thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh, nhiều quy định của pháp luật còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch.

Ban chỉ đạo đã đúc kết được một số biện pháp, phương pháp có tính lý luận và thực tiễn như: phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa biện pháp hành chính và biện pháp khoa học; triển khai đồng bộ 3 trụ cột phòng, chống dịch (cách ly, xét nghiệm, điều trị); xây dựng, triển khai phù hợp công thức phòng, chống dịch “5K+vắc xin+thuốc+công nghệ+ý thức của người dân và các biện pháp khác”; đưa ra chủ trương và thực hiện có hiệu quả Chiến lược vắc xin gồm: Quỹ vắc xin, ngoại giao vắc xin và tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vắc xin miễn phí lớn nhất trong lịch sử.

Trong đại dịch, đất nước đã phải gánh chịu rất nhiều mất mát, hy sinh, đặc biệt trong đó có trên 43.100 người tử vong.

Một lần nữa, Thủ tướng Chính phủ thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước gửi lời chia buồn sâu sắc và lời thăm hỏi đến các gia đình có người mất do COVID-19, nhất là những gia đình có người thân tham gia phòng, chống dịch đã hy sinh./.