Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh hội thảo đã làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về nội hàm khái niệm, vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đặc điểm, nội dung của công tác xây dựng văn hóa trong Đảng.
Các tham luận nêu rõ văn hóa trong Đảng quyết định năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, đồng thời góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, để đẩy mạnh công tác xây dựng văn hóa trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, cần thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần đẩy mạnh tuyên truyền về các giá trị văn hóa của dân tộc và Đảng, về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trong Đảng. Quán triệt sâu sắc các chủ trương của Đảng và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Xây dựng văn hóa trong Đảng là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng và từng đảng viên, cần triển khai đồng bộ, khoa học, liên tục. Gắn kết xây dựng văn hóa trong Đảng với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng đảng viên về chính trị, tư tưởng, chuyên môn, đạo đức, lối sống.
Hai là, tiếp tục rà soát, nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về xây dựng văn hóa trong Đảng. Thường xuyên kiểm điểm, tự phê bình, nâng cao bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; xây dựng phong cách gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân của đảng viên.
"Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị. Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ba là, phát huy vai trò của các chủ thể, đặc biệt là cấp ủy Đảng và người đứng đầu các cấp trong xây dựng văn hóa trong Đảng. Thu hút sự tham gia của nhân dân, trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, gắn với đánh giá, khen thưởng, kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên, tạo bước chuyển trong ý thức tự giác và trách nhiệm của từng tổ chức và đảng viên trong thực hành các giá trị văn hóa trong Đảng.
Bốn là, cần tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về giá trị văn hóa trong Đảng, biểu dương những tấm gương sáng và phê phán những hành vi tiêu cực. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền. Bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc các giá trị văn hóa tốt đẹp của Đảng.
Năm là, cần tăng cường hợp tác văn hóa quốc tế, đa dạng hóa các hình thức giao lưu văn hóa đối ngoại. Việc kết hợp chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và kinh tế sẽ góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác.