World Bank: Trung Quốc tăng trưởng chậm nhưng bền vững hơn

Báo cáo Cập nhật kinh tế Đông Á Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (World Bank) vừa công bố ngày 11/4 nhận định, kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong những năm tới nhưng bền vững hơn.

Theo World Bank, tăng trưởng khu vực Đông Á dự tính sẽ giảm từ 6,5% năm 2016 xuống còn 6,2% giai đoạn 2017 - 2018. Con số dự báo này phản ánh quá trình dịch chuyển dần sang mô hình tăng trưởng chậm hơn, bền vững hơn của Trung Quốc, với mức dự báo 6,7% năm 2016 và 6,5% năm 2017, trong khi tốc độ tăng trưởng năm 2015 là 6,9%.

Trong đó, Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục chuyển hướng sang tăng trưởng chậm hơn nhưng bền vững hơn. Tăng trưởng dự báo sẽ giảm từ 6,9% năm 2015 xuống còn 6,7% năm 2016 và 6,5% các năm 2017 và 2018. Cần tiếp tục thực hiện cải cách hướng tới tái cân đối cầu trong nước. Đặc biệt, tăng trưởng đầu tư và sản lượng công nghiệp sẽ giảm, phản ánh nỗ lực hạn chế nợ của chính quyền địa phương, giảm dư thừa năng lực công nghiệp và tái định hướng kích thích tài khoá sang lĩnh vực xã hội. Mặt khác, thị trường lao động và thu nhập hộ gia đình tiếp tục tăng mạnh sẽ dẫn đến tăng tiêu dùng cá nhân. Xu thế chyển hướng sang lĩnh vực xã hội vẫn tiếp tục và được hỗ trợ bởi các chính sách giảm nhẹ quản lý trong các ngành dịch vụ xã hội. Giá dầu thấp tiếp tục làm tăng cầu, và các biện pháp chính sách có mục tiêu dự kiến sẽ được áp dụng khi cần để đảm bảo quá trình suy giảm chỉ diễn ra ở tốc độ chậm.

Trong số các nền kinh tế lớn trong khối ASEAN thì Philippines và Việt Nam có viễn cảnh tăng trưởng sáng sủa nhất. Philippines sẽ được hưởng lợi từ việc tăng tốc thực hiện dự án ống dẫn theo hình thức PPP, thị trường xuất khẩu khá đa dạng, và giá nguyên vật liệu toàn cầu rẻ. Nhưng viễn cảnh trung hạn còn phụ thuộc vào việc liệu đầu tư tư nhân có lại trở thành đầu tàu tăng trưởng hay không. Tại Việt Nam, cầu trong nước và xuất khẩu sản phẩm chế tạo sẽ tăng mạnh nhưng rủi ro vẫn tồn tại do còn bị sức ép tài khoá và thực hiện tái cơ cấu khá chậm. Dự kiến tăng trưởng tại lndonesia sẽ tăng tốc nhưng vẫn phụ thuộc vào kết quả thực hiện một chương trình đầu tư công đầy tham vọng và chương trình cải cách nhằm hạn chế tệ quan liêu và luật pháp không rõ ràng. Tại Malaysia, cầu từ Trung Quốc giảm và giá nguyên vật liệu thấp sẽ làm hạn chế tăng trưởng và chi công. Tại Thái Lan, cầu bên ngoài yếu và chính sách không rõ ràng sẽ tiếp tục làm ảnh hưởng tới đầu tư tư nhân.

Ngoại trừ Trung Quốc, các nước đang phát triển trong khu vực tăng trưởng 4,7% trong năm 2015, và tốc độ sẽ tăng đôi chút, 4,8% năm 2016 và 4,9% giai đoạn 2017 - 2018, nhờ vào tăng trưởng tại các nền kinh tế lớn khu vực Đông Nam Á. Tuy vậy, viễn cảnh mỗi nước một khác tuỳ vào mức độ quan hệ thương mại và tài chính của họ với các nước thu nhập cao và với Trung Quốc, và còn tuỳ thuộc vào xuất khẩu nguyên vật liệu.

Theo Đầu tư