WHO yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm dữ liệu về dịch COVID-19, Bắc Kinh từ chối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 11/1 đã nhắc lại yêu cầu Trung Quốc cần chia sẻ thêm dữ liệu về đợt bùng phát dịch bệnh mới, tuy nhiên Bắc Kinh đã từ chối.
Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ (Ảnh: UN).
Trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới tại Geneva, Thụy Sĩ (Ảnh: UN).

Tổ chức Y tế Thế giới đã nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng số liệu thống kê chính thức của Trung Quốc không cho thấy ảnh hưởng thực sự của sự gia tăng mạnh số ca nhiễm COVID-19 ở nước này hiện nay.

Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, nói với các phóng viên: “WHO vẫn cho rằng Trung Quốc đang báo cáo quá thấp số người chết”.

Ông chỉ trích định nghĩa hạn hẹp của Bắc Kinh về tử vong do COVID-19, chỉ ra rằng "cần khuyến khích các bác sĩ trong hệ thống y tế công cộng báo cáo những trường hợp này, chứ không nên khuyến khích họ làm như hiện nay".

Ngược lại, ông ca ngợi sự hợp tác của chính quyền Mỹ. Hiện nay, biến thể phụ XBB.1.5 mới của Omicron đang lan rộng nhanh chóng tại Mỹ. Ông nói: “Mỹ đã thể hiện sự minh bạch to lớn trong việc hợp tác với WHO liên quan đến dữ liệu và ảnh hưởng của những dữ liệu đó”.

Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO (Ảnh: AP).

Ông Michael Ryan, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO (Ảnh: AP).

Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách nhóm kỹ thuật về ứng phó với bệnh do SARS-CoV-2 của WHO, cho biết Washington đã cung cấp gần như tất cả dữ liệu có sẵn về XBB.1.5 cho đến nay. XBB.1.5 là biến chủng SARS-CoV-2 mới dễ lây truyền nhất cho đến nay.

Bà nói với các phóng viên rằng biến thể phụ này được phát hiện ở 38 quốc gia rõ ràng có "ưu thế tăng trưởng" so với các biến thể virus khác. Biến thể phụ này cũng được cho là tốt hơn trong việc lẩn tránh sự bảo vệ miễn dịch khỏi lây nhiễm hoặc vaccine trước đó. “Chúng tôi chưa nắm được dữ liệu về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh,” bà nói thêm.

Trong khi đó, ông Michael Ryan cảnh báo rằng, mặc dù Trung Quốc đã tăng cường hợp tác, nhưng "chúng tôi vẫn chưa có được đầy đủ thông tin để đánh giá toàn diện nguy cơ".

Ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, do thiếu thuốc thử kháng nguyên và thuốc, hệ thống y tế địa phương đã bị quá tải trước số ca nhiễm mới ngày càng gia tăng. Mọi người không mua được thuốc hạ sốt cũng không thể xét nghiệm virus. Dân chúng cho biết do thiếu bộ kit xét nghiệm nên "chúng tôi không biết mình có bị dương tính hay không”.

Ba năm sau khi thực thi các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, Trung Quốc đột ngột bỏ "chính sách zerocovid" vào tháng trước. Điều đó đã gây ra một làn sóng lây nhiễm tràn ngập các bệnh viện và quá tải ở các lò hỏa táng.

Số người nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh (Ảnh: Creaders).

Số người nhiễm SARS-CoV-2 ở Trung Quốc đang tăng lên rất nhanh

(Ảnh: Creaders).

Nhưng theo số liệu chính thức, Trung Quốc chỉ ghi nhận 37 ca tử vong liên quan đến COVID-19 kể từ tháng trước, trong tổng số 1,4 tỷ dân.

Trước sự khác biệt này, WHO bày tỏ sự hiểu biết đối với các quốc gia chọn cách yêu cầu xét nghiệm COVID-19 đối với khách du lịch đến từ Trung Quốc.

Ông Ryan cho biết: “Trong trường hợp không có dữ liệu, một số quốc gia đã quyết định thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều mà WHO cho là có thể hiểu được trong hoàn cảnh này”.

WHO cũng bày tỏ lo ngại rằng không chỉ Trung Quốc mà nhiều quốc gia khác không chú ý đầy đủ đến việc xét nghiệm và giải trình tự cần thiết để phát hiện các biến thể mới có thể có của SARS-CoV-2.

Kể từ đỉnh điểm của làn sóng lây truyền biến thể Omicron hồi năm ngoái, "số lượng trình tự được chia sẻ đã giảm hơn 90% và số quốc gia chia sẻ trình tự đã giảm 1/3", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với phóng viên CNN.

Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách nhóm kỹ thuật về ứng phó với dịch bệnh của WHO (Ảnh: Reuters).

Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách nhóm kỹ thuật về ứng phó với dịch bệnh của WHO (Ảnh: Reuters).

Tuy nhiên, vì SARS-CoV-2 tiếp tục giết chết từ 10.000 đến 14.000 người mỗi tuần kể từ tháng 9 năm ngoái, ông nói: "Thế giới không thể nhắm mắt làm ngơ trước điều này và hy vọng biến chủng này sẽ biến mất. Nó sẽ không biến mất.”

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói tại cuộc họp báo thường kỳ về dịch bệnh hôm 11/1 rằng do số ca tử vong mới liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc không được báo cáo đầy đủ, gần như chắc chắn rằng hơn 11.000 ca tử vong mới được báo cáo trên toàn cầu vào tuần trước đã bị đánh giá thấp.

Ông chỉ ra rằng kể từ tháng 2/2022, số ca tử vong mới hàng tuần được thông báo cho WHO đã giảm gần 90%; nhưng kể từ giữa tháng 9/2022, con số này vẫn dừng ở mức từ 10.000 đến 14.000. Ông nhắc lại rằng những con số như vậy là không thể chấp nhận được trong một thế giới đã có các công cụ để ngăn chặn những cái chết này.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng cho biết trong số hơn 11.000 ca tử vong do COVID-19 được báo cáo trên toàn cầu vào tuần trước, 40% đến từ Châu Mỹ, 30% từ Châu Âu và 30% từ khu vực Tây Thái Bình Dương. Hầu hết những người thiệt mạng thuộc nhóm nguy cơ, trong đó có những người già. Dữ liệu cho thấy trong nửa cuối năm 2022, nhóm từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 90% tổng số ca tử vong.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh rằng trong số 194 quốc gia thành viên của WHO, chỉ có 53 quốc gia cung cấp dữ liệu về các trường hợp tử vong được phân loại theo độ tuổi và giới tính.

Ông kêu gọi: "Với việc dịch bệnh COVID-19 bước sang năm thứ tư, chúng tôi yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên cung cấp dữ liệu được phân loại. Chỉ với dữ liệu chi tiết hơn thì bức tranh chống lại dịch bệnh mới rõ ràng hơn."

Bà Maria Van Kerkhove, người phụ trách kỹ thuật ứng phó với đại dịch COVID-19 của WHO, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại cuộc họp báo rằng trong vài tuần qua, thông qua liên lạc với các đồng nghiệp, đối tác kỹ thuật và quan chức chính phủ Trung Quốc, WHO đã đã nhận được thêm thông tin về Trung Quốc đối phó với đợt bùng phát COVID-19 hiện tại, bao gồm cách nâng cao năng lực quản lý lâm sàng, năng lực chăm sóc người bệnh nặng, các biện pháp điều trị và tiếp tục mở rộng mức độ bao phủ vaccine. WHO bày tỏ hoan nghênh các thông tin này.

Bà Van Kerkhove khi trả lời các nhà báo cũng chỉ ra rằng WHO đang nỗ lực để Trung Quốc lấp đầy một số lỗ hổng thông tin quan trọng, bắt đầu bằng việc hiểu sâu hơn về động thái lây truyền hiện tại của SARS-CoV-2 ở Trung Quốc. Đồng thời, cần phải hiểu rõ mức độ thực tế của áp lực chăm sóc đặc biệt và các trường hợp tử vong liên quan do đại dịch COVID-19 gây ra. WHO cũng yêu cầu Trung Quốc công bố thêm kết quả giải trình tự gene của virus để tiến hành phân tích chuyên sâu dựa trên các vị trí đột biến khác nhau và đánh giá sâu hơn các loại chủng đột biến đang lan rộng.

Ông Lương Vạn Niên người đứng đầu nhóm chuyên gia chống dịch COVID-19 của chính phủ Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Ông Lương Vạn Niên người đứng đầu nhóm chuyên gia chống dịch COVID-19 của chính phủ Trung Quốc (Ảnh: Xinhua).

Ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), nhà dịch tễ học, người đứng đầu nhóm chuyên gia do chính phủ Trung Quốc chỉ định, hôm 11/1 nói với các phóng viên: "Hiện nay không cần phải đi sâu vào chi tiết cụ thể của từng trường hợp. Nhiệm vụ chính trong thời kỳ đại dịch là điều trị."

Ông cũng nói: "Đối với toàn thế giới, trọng tâm hiện tại là vượt qua được đại dịch. Vượt qua được COVID-19 là một sự kiện sức khỏe cộng đồng được toàn cầu quan tâm rồi hãy quay đầu lại nghiên cứu cách phân loại cái chết."

Khi nói về việc phân loại tử vong do COVID-19, ông Lương Vạn Niên nói: "Tốt nhất là có sự đồng thuận toàn cầu. Nếu không có được sự đồng thuận, mỗi quốc gia hãy đưa ra cách phân loại theo tình hình của riêng mình".