Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội:

WHO khuyến cáo không bị bệnh không cần đeo khẩu trang, chuyên gia Việt Nam nói gì?

VietTimes -- Trước khuyến cáo của WHO cho rằng người dân không nên đeo khẩu trang nếu không mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) gây ra, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với BS. CKII. Khổng Minh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội – để làm rõ vấn đề này.
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho người dân tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: Minh Thúy
Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho người dân tại Bệnh viện Hữu Nghị. Ảnh: Minh Thúy

+ Có ý kiến cho rằng không nên đeo khẩu trang nếu không mắc COVID-19. Xin ông cho biết quan điểm về ý kiến này?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tất cả mọi người dân khi ra đường, đến những nơi công cộng bắt buộc phải đeo khẩu trang. Đối với người dân không có nguy cơ nhiễm bệnh chỉ cần sử dụng khẩu trang vải thông thường có thể giặt và phơi khô hàng ngày.

Ví dụ một người là mầm bệnh có ho, khạc,.. khi đeo khẩu trang thì giọt nước bọt sẽ không bắn ra ngoài khi tiếp xúc với người khác, góp phần giảm nguy cơ nhiễm bệnh.  

Người dân đeo khẩu trang. Ảnh: The Straits Times
Người dân đeo khẩu trang. Ảnh: 

The Straits Times

Riêng cán bộ y tế và những người đang thực hiện cách ly phải đeo khẩu trang y tế. Khẩu trang y tế nên ưu tiên sử dụng cho các cán bộ y tế - những người đang chịu trách nhiệm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm.

+ Việc không đeo khẩu trang khi đi ra ngoài gây ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người dân thưa ông ?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Hiện, số ca mắc COVID-19 đang ngày một tăng cao, người nhiễm và người không nhiễm virus SARS-CoV-2 rất khó phân biệt vì nhiều trường hợp mắc bệnh không có các triệu chứng như sốt, ho, khó thở.

Chính vì thế, người dân khi đi ra ngoài hoặc có tiếp xúc với người khác đều phải đeo khẩu trang để chủ động phòng bệnh cho bản thân và gia đình.

Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân khi đến bệnh viện. Ảnh: Minh Thúy
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt người dân khi đến bệnh viện. Ảnh: Minh Thúy 

Nếu trong gia đình có người được cách ly tại nhà thì mọi thành viên đều phải đeo khẩu trang. Bởi người được cách ly đã từng tiếp xúc với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

+ Việc đeo khẩu trang không đúng cách sẽ dẫn đến hậu quả gì thưa ông?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Chính những người không đeo khẩu trang sẽ phải chịu ảnh hưởng đến sức khỏe khi tiếp xúc với mầm bệnh và những người lây nhiễm.

Nếu người có nguy cơ mắc bệnh mà không đeo khẩu trang khi ra ngoài sẽ có khả năng truyền bệnh cho những người khác, vi phạm Luật phòng, chống bệnh Truyền nhiễm và Nghị định 101 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và phòng, chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch.

Hiện, đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý hành chính vì không đeo khẩu trang. Vì vậy, tôi nhấn mạnh lại một lần nữa người dân đã ra ngoài đường, ra nơi công cộng đều bắt buộc phải đeo khẩu trang.

+ Hiện HN có đáp ứng đủ nguồn cung khẩu trang dành cho bác sĩ, nhân viên y tế và ng dân không?

BS. CKII. Khổng Minh Tuấn: Hiện, khẩu trang vẫn đang được đáp ứng đủ cho các y, bác sĩ. Nhà nước vẫn đang đảm bảo đầy đủ khẩu trang cho các bác sĩ, những người cách ly ở khu cách ly tập trung.

Người dân nên chủ động sử dụng khẩu trang vải, có thể tự làm khẩu trang để ngăn giọt bắn khi ho, hắt hơi tiếp xúc với người khác, chủ động phòng, chống COVID-19.

+ Cảm ơn ông!