|
Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, biến chủng Mu đã được phát hiện ở 39 nước (Ảnh: AP). |
Theo các trang tin Chinatimes và Dwnews ngày 2/9, WHO cho biết biến chủng B.1.621, còn gọi là Mu, đã được coi là "variant of interest" (biến thể cần quan tâm), có nguy cơ kháng vaccine. Biến chủng Mu được phát hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021 và sau đó đã được tìm thấy ở 38 quốc gia khác, chủ yếu ở Nam Mỹ và Châu Âu.
Trong thông báo về dịch bệnh thường kỳ hàng tuần công bố ngày 31 tháng 8, WHO cho biết: "Sau khi biến chủng Mu xuất hiện lần đầu tiên ở Colombia vào tháng 1/2021, WHO đã nhận được các thông báo lẻ tẻ. Tại một số quốc gia Nam Mỹ và châu Âu đã xuất hiện dịch với quy mô khá lớn”.
Báo cáo trích dẫn thông tin được tải lên “GISAID Initiative” (Tổ chức sáng kiến chia sẻ thông tin dữ liệu dịch cúm toàn cầu), cho thấy tính đến ngày 29/8, hơn 4.500 trình tự gene đã được ghi nhận ở 39 quốc gia, trong đó 3.794 trường hợp là biến chủng B.1.621, 856 trường hợp là biến chủng B.1.621.1. Tổ chức sáng kiến khoa học toàn cầu này đã thu thập dữ liệu các trường hợp giải trình tự gene của virus và cung cấp nền tảng cơ sở dữ liệu cho phép truy cập công khai.
|
Biến chủng Mu đang tăng nhanh ở Colombia với tốc độ 39%. Trong ảnh, công nhân nghĩa trang đang đưa thi hài một nạn nhân COVID-19 vào mộ (Ảnh: AP) |
Theo báo cáo, mặc dù tỷ lệ lưu hành Mu trên toàn cầu hiện chỉ ở mức dưới 0,1%, nhưng tỷ lệ nhiễm hiện nay ở Colombia và Ecuador vẫn đang tiếp tục tăng, lần lượt tới 39% ở Colombia và 13% tại Ecuador.
WHO cũng chỉ ra rằng Mu "có một chuỗi đột biến thể hiện khả năng thoát khỏi miễn dịch", nhưng cũng nói thêm rằng vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ về kiểu hình (Phenotype) và đặc trưng lâm sàng của Mu.
Báo cáo cho biết, "Mu đang lưu hành ở Nam Mỹ, đặc biệt khi nó cùng lây truyền với biến thể Delta, đang được Tổ chức Y tế Thế giới theo dõi".
WHO đã coi Mu là một trong 5 loại "biến thể cần đề phòng", 4 loại còn lại là Eta, Iota, Kappa và Lambda. Trong khi đó, 4 biến thể đáng lo ngại (Variants of Concern, VOC) được coi là có khả năng làm trầm trọng thêm dịch bệnh bao gồm biến thể Alpha lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, đã xuất hiện ở 193 quốc gia; biến thể Beta đã xuất hiện ở 141 quốc gia, biến thể Gamma đã xuất hiện ở 91 quốc gia và biến thể Delta đã xuất hiện ở 170 quốc gia.
|
Có thông tin cho rằng biến chủng Mu có tính kháng vaccine. Trong ảnh: người dân Colombia tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh: Reuters). |
Theo thông tin do Tổ chức Sáng kiến chia sẻ dữ liệu cúm toàn cầu cung cấp, tại Mỹ đã ghi nhận 2.065 trường hợp mắc biến thể Mu, cao hơn các nước khác, tiếp theo là Colombia với 852 trường hợp và Tây Ban Nha với 473 trường hợp.
Mater Health Services và Paul Griffin, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Queensland ở Australia, cho biết tạm thời chưa có bằng chứng nào cho thấy nó đáp ứng các điều kiện để trở thành một biến thể “thoát khỏi miễn dịch" (escape variant).
MU liệu sẽ vượt qua Delta và ảnh hưởng đến các vaccine hiện có? Câu trả lời là, chưa thể xác định. Cho đến nay, không có bằng chứng nào cho thấy Mu có khả năng lây nhiễm cao hơn, đặc biệt là khả năng lây nhiễm mạnh hơn so với biến chủng Delta. Số lượng ca nhiễm Mu trên toàn cầu vẫn còn rất thấp, vì vậy vẫn còn cần phải được xem xét thêm.
Theo báo cáo dịch tễ học của WHO, dữ liệu sơ bộ cho thấy Mu dường như có khả năng chống lại các kháng thể.
Chuyên gia Paul Griffin nói rằng các thí nghiệm được tiến hành trong phòng thí nghiệm không thể cho bạn biết tình hình tổng thể của hệ thống miễn dịch của con người trong thế giới thực, mặc dù những nghiên cứu đó thực sự hữu ích. Các nhà nghiên cứu cần phải xem trong thế giới thực và trong môi trường lâm sàng các biến thể của virus có đặc điểm khiến vaccine thực sự mất tác dụng, trước khi họ có thể chính thức trả lời câu hỏi liệu Mu có làm suy yếu hiệu quả của vaccine hay không.
Ngoài khả năng “trốn tránh” các kháng thể do vaccine gây ra, Mu còn có các đặc điểm chung của coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2): người mang virus có thể không có triệu chứng.
|
Số người chết vì SARS-CoV-2 biến chủng Delta ở Indonesia rất nhiều khiến chính quyền phải mở rộng diện tích các nghĩa địa (Ảnh: AP). |
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ngày 1/9 cho biết, trong đợt kiểm dịch tại các sân bay Nhật Bản vào tháng 6 và tháng 7, người ta đã phát hiện ra 2 trường hợp mắc biến chủng Mu, hai người nhiễm bệnh đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Vương quốc Anh. Một người là một phụ nữ hơn 40 tuổi từ UAE đến Nhật Bản ngày 26/6 và trường hợp còn lại là một phụ nữ khoảng 50 tuổi từ Vương quốc Anh đến sân bay Nhật Bản vào ngày 5/7. Cả hai đều không có triệu chứng nhưng lại mang mầm bệnh trong người. Đây là hai ca nhiễm biến chủng Mu đầu tiên được xác nhận ở Nhật Bản.
Ngoài ra, chủng đột biến mới C.1.2 lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào tháng 5 năm nay cũng khiến các nhà khoa học lo lắng, bởi so với các chủng đột biến khác, C.1.2 có sức lây lan cao hơn và cũng có khả năng kháng vaccine mạnh hơn.
Bản in trước (Preprint) của một nghiên cứu được công bố vào tuần trước cho biết sau khi biến thể C.1.2 được tìm thấy ở Nam Phi, tại các nước Botswana, Trung Quốc, Cộng hòa Dân chủ Congo, Vương quốc Anh, Mauritius, New Zealand, Bồ Đào Nha và Thụy Sĩ, cũng đã lần lượt xuất hiện các ca bệnh liên quan đến biến chủng này.
Nghiên cứu do các nhà khoa học Nam Phi dẫn đầu này đã chỉ ra rằng chủng đột biến C.1.2 có tỷ lệ đột biến cao bất thường và cũng dễ bị đột biến hơn so với các "chủng đột biến được quan tâm cao" khác.
Nghiên cứu cho thấy rằng so với các chủng đột biến khác, C.1.2 có thể gây ra các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng hơn.