WB: “Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3% trong cả giai đoạn 2016-18“

VietTimes -- Ngân hàng Thế giới đã hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,4% so với mức 2,9% đưa ra hồi tháng 1/2016. Động thái này dựa trên tốc độ tăng trưởng chậm tại các nền kinh tế phát triển, giá hàng hóa nguyên liệu (commodity) vẫn giữ ở mức thấp, thương mại toàn cầu yếu và dòng vốn bị thuyên giảm.
WB: “Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3% trong cả giai đoạn 2016-18“

Theo báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất, các nước mới nổi xuất khẩu hàng hóa nguyên liệu và các nước đang phát triển đang phải vật lộn với tình trạng giá dầu và giá các mặt hàng nguyên liệu khác bị ghìm ở mức thấp. Riêng  yếu tố này đã chiếm một nửa mức hạ dự báo. Các nền kinh tế này dự đoán chỉ tăng 0,4% năm nay, trong khi mức dự báo đưa ra hồi tháng 1/2016 là 1,2%.

“Mức tăng trưởng chậm này cho thấy các nước phải theo đuổi các chính sách nhằm tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cho nhóm những người nghèo cùng cực,” ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói. “Tăng trưởng kinh tế vẫn là yếu tố quan trọng nhất giúp thực hiện giảm nghèo và chính vì vậy nên chúng tôi rất quan ngại về tình trạng sụt giảm tăng trưởng mạnh tại các nước phát triển xuất khẩu nguyên liệu do giá hàng hóa nguyên liệu thấp.”

Trong đó, Ngân hàng Thế giới đánh giá triển vọng của Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cụ thể như sau:

Những diễn biến gần đây: Tăng trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương giảm xuống còn khoảng 6,5% như dự đoán. Tại các nước nhập khẩu nguyên vật liệu trong khu vực, hoạt động kinh tế đã tăng cường nhờ tăng cầu nội địa, thị trường lao động hoạt động tốt và giá năng lượng thấp. Các nước trong khu vực cũng đã chứng tỏ khả năng kháng cự tốt trước các tác động kinh tế tiêu cực từ bên ngoài nhờ có khoảng đệm tốt và thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng trong một số năm gần đây với kết quả đạt được là giảm mức độ tổn thương.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất khu vực, đã thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng thừa công suất, cầu bên ngoài kém, và bấp bênh tài chính. Kết quả là hoạt động kinh tế suy giảm. Tuy vậy, các biện pháp ổn định cũng góp phần giảm nhẹ tốc độ đi xuống. Khu vực dịch vụ đã chiếm vị thế của công nghiệp chế tạo và trở thành nhân tố thúc đẩy tăng trưởng chính tại Trung Quốc.

Tại các nước khác trong khu vực tình hình tăng trưởng cũng khả quan do tiêu dùng tăng nhờ giá nhiên liệu thấp, đầu tư công, và niềm tin của nhà đầu tư vào khung chính sách vĩ mô cẩn trọng. Lạm phát ở mức thấp đã cho phép các ngân hàng trung ương áp dụng các chính sách tiền tệ thích ứng (accommodative policies). Xuất khẩu giảm trong năm 2015 nhưng đã cho thấy một số dấu hiện tăng trở lại hồi đầu năm nay. Thị trường tài chính còn biến động hồi đầu năm nhưng đã ổn định trở lại, một phần do nhận thấy chính sách tiền tệ thích ứng tại các nước phát triển sẽ được áp dụng lâu hơn dự tính ban đầu.

Viễn cảnh: Dự kiến tăng trưởng khu vực Đông Á Thái Bình Dương sẽ giảm xuống còn 6,3% trong năm 2016 như đã dự đoán trước đây, trong đó mức tăng trưởng Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 6,7% như đã dự đoán hồi tháng Giêng. Toàn khu vực, trừ Trung Quốc, sẽ đạt mức tăng trưởng 4,8% trong năm 2016, bằng với mức năm 2015.

Kết quả dự đoán của chúng tôi dựa trên giả định nền kinh tế Trung Quốc sẽ chậm lại một cách có trật tự nhờ thực hiện tái cấu trúc một cách trơn tru và áp dụng các biện pháp kích thích chính sách phù hợp. Tại các nước khác trong khu vực, tăng trưởng sẽ phụ thuộc vào tăng đầu tư (tại một số nề kinh tế lớn như In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Thái Lan) và tăng tiêu dùng nhờ giá nguyên vật liệu thấp (Thái Lan, Phi-lip-pin, Việt Nam).

Mức tăng trưởng nhẹ tại các nước ASEAN vừa đủ bù cho sụt giảm tăng trưởng tại Trung Quốc trong năm nay. Sự phục hồi tại các nước phát triển, giá năng lượng thấp, tăng cường ổn định chính trị và điều kiện thuận lợi trên thị trường tài chính toàn cầu bất chấp việc Hoa Kỳ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ có lợi cho các nước trong khu vực.

Trong số các nước xuất khẩu nguyên vật liệu, dự kiến In-đô-nê-xi-a sẽ đạt mức tăng trưởng 5,1% năm 2016 (năm 2015 là 4,8%) với điều kiện là phải thực hiện cải cách nhằm khuyến khích đầu tư và nâng cao năng suất. Ma-lai-xi-a sẽ giảm tăng trưởng xuống mức 4,4% năm 2016 (năm 2015 là 5%) do cầu trong nước suy giảm. Thái Lan sẽ tăng tốc dần dần nhưng sẽ vẫn nằm dưới mức 3% tính chung cho cả giai đoạn 2016-18 do nợ hộ gia đình làm giảm gia tăng tiêu dùng và do xuất khẩu cũng chỉ tăng nhẹ.

Các hoạt động kinh tế tại Phi-lip-pin sẽ gia tăng và đạt mức tăng trưởng 6,4% năm 2016 (năm 2015 là 5,8%) nhờ các dự án hợp tác công tư và chi công tăng. Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 6,3% trong cả giai đoạn 2016-18 do đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp chế tạo hiện đang rất cạnh tranh về chi phí.

Rủi ro: Về cơ bản, rủi ro ngắn hạn khá đồng đều. Các rủi ro tiêu cực gồm khả năng tăng trưởng Trung Quốc sẽ suy giảm mạnh hơn dự kiến mặc dù khả năng này khó xảy ra, và khả năng thị trường tài chính biến động mạnh hơn do tỷ lệ kéo cánh của doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức cao. Rủi ro tích cực gồm khả năng tăng trưởng cải thiện tại các nước phát triển mang lại thuận lợi cho các nước trong khu vực vì các nước này có nền thương mại mở, và khả năng giá nguyên vật liệu tiếp tục giảm.

Đối với các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc thì mục đích chính sách chính là phải tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tăng trưởng dựa trên tiêu dùng và dịch vụ và giảm dần tỷ lệ kéo cánh. Cần tiếp tục tái cơ cấu nhằm cải thiện viễn cảnh dài hạn. Đối với các nước khác trong khu vực thách thức chính sách chủ yếu là làm sao có thể tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn và hòa nhập hơn, đồng thời giữ vững ổn định tài chính vĩ mô.

Một số nước như Mông-cổ, Papua New Guinea, và Việt Nam sẽ phải đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn. Các nước In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Mông-cổ sẽ được hưởng lợi nếu tiếp tục cắt giảm sự lệ thuộc vào nguồn thu từ xuất khẩu nguyên vật liệu. Cải cách doanh nghiệp nhà nước, bao gồm tăng cường minh bạch và quản trị sẽ giúp Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam giảm rủi ro tài khoá liên đới. Phát triển thương mại và đầu tư theo chiều sâu trong khu vực sẽ giúp tăng cường các hoạt động kinh tế và tạo việc làm.

Các mối quan hệ đối tác mới, kể cả hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác như Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực mới đề xuất sẽ giúp củng cố quá trình tái cơ cấu, thúc đẩy thương mại và nâng cao tiềm năng tăng trưởng khu vực.

D.N