Hai báo cáo điều tra mới đây cho thấy rằng Mỹ đã cung cấp vũ khí và đạn dược mua từ một số nước Đông Âu cho các nhóm khủng bố ở Syria dưới cái cớ chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS). Các loại vũ khí bao gồm súng trường AK-47, súng phóng lựu tên lửa, súng cối, và các loại vũ khí và đạn dược khác mua tại Cộng hòa Séc, Georgia, Serbia, Bulgaria, Romania và Ukraine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao cho các chỉ huy quân đội Mỹ tại Syria quyền phát động các cuộc tấn công, các cuộc đột kích và chiến dịch như trong khu vực chiến tranh đang diễn ra, nới lỏng các biện pháp hạn chế gây thương vong cho dân thường. Tuy nhiên, các biện pháp trên đã không giúp thay đổi mạnh mẽ tình hình theo hướng Mỹ mong muốn.
Lầu Năm Góc khởi xướng chương trình "đào tạo và trang bị” để hậu thuẫn các lực lượng ủng hộ Mỹ trên mặt đất. Tuy nhiên, chương trình này đã thất bại và bị hủy bỏ. Những nhóm phiến quân Syria được Mỹ hậu thuẫn đã cố gắng tung ra các cuộc tấn công dọc biên giới Jordan nhưng không thành công.
Mỹ đã buộc phải rút quân khỏi al-Tanf, khu vực ngã ba đường biên giới chính thức giữa Syria, Jordan và Iraq, đành nhường lại khu vực biên giới cho các lực lượng chính phủ Syria. Liên minh do Mỹ lãnh đạo đã quyết định không tiến vào thành phố Deir ez Zor từ phía đông, nơi mà quân đội Syria gần đây đã phá vỡ cuộc vây hãm IS đã kéo dài trong suốt ba năm qua. Nhìn chung, tất cả những nỗ lực của Mỹ thời gian qua đã xôi hỏng bỏng không. Ảnh hưởng của Mỹ đối với các sự kiện ở Syria khá hạn chế.
Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd được Mỹ hậu thuẫn đã bị mắc kẹt trong cuộc chiến đánh chiếm Raqqa. Người Kurd không có ý muốn chiến đấu với bất cứ ai ngoài khu vực lãnh thổ mà họ kiểm soát. Hơn nữa, việc dựa vào SDF đã làm xấu đi mối quan hệ giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ và đó là một vấn đề lớn mà hiện không có giải pháp nào hóa giải.
Không có chút hy vọng mỏng manh về việc các nhóm phiến quân Syria sẽ đoàn kết. Nhưng theo các báo cáo gần đây, các nhóm này đang tập hợp lại trước nguy cơ bị quân đội Syria tiêu diệt. Hàng chục phe nổi dậy của Syria, trong đó có nhóm Hồi giáo cực đoan khét tiếng Ahrar al-Sham, đã ủng hộ kế hoạch thống nhất phong trào chống chính quyền vốn chia rẽ sâu sắc và thành lập cái gọi là “Quân đội quốc gia thống nhất” (UNA).
Sự hình thành của đội quân ủy nhiệm này là do sáng kiến của Thổ Nhĩ Kỳ. Ý tưởng trên được đưa ra vào tháng 8 bởi cái gọi là chính phủ tạm thời lưu vong của phe đối lập và Hội đồng Hồi giáo Syria (SIC). Nhiều nhóm phiến quân Syria đã thống nhất dưới cờ của lực lượng phiến quân đã bị đánh bại bởi nhóm vũ trang al-Sham của Hayat Tahrir al-Sham, một chi nhánh của al-Qaeda trước đây, đã giành quyền kiểm soát ở tỉnh Idlib hồi tháng 8. Vì đội quân này không đủ mạnh để chống lại nhóm phiến quân theo chủ nghĩa khủng bố, nên khó có thể hy vọng các nhóm lại có thể chống lại các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria được lực lượng không quân Nga yểm trợ.
Sự hình thành của UNA được mệnh danh để chứng minh với thế giới rằng có những lựa chọn thay thế cho chính phủ Syria của tổng thống Assad dẫn đầu và lực lượng khủng bố IS. Các đại biểu phe đối lập Syria đã tới Doha vào ngày 7/9 để gặp Bộ Ngoại giao Qatar, sau khi thành lập quân đội chung. Chuyến thăm này là một phần của cuộc tấn công ngoại giao với các quốc gia ủng hộ trước cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York bắt đầu. Phe đối lập Syria dự kiến sẽ thành lập một phái đoàn duy nhất để có thể gặp mặt trực tiếp với chính quyền Damascus trong vòng đàm phán kế tiếp dự kiến sẽ diễn ra tại Geneva vào tháng tới.
Nỗ lực này diễn ra khi viện trợ, tiền bạc và vũ khí cho phe đối lập "ôn hòa" của Syria đang giảm dần cùng với sự hỗ trợ của quốc tế. Cuối tháng 8 vừa qua, chính phủ Jordan đã bày tỏ hy vọng mở cửa lại biên giới với Syria vì mối quan hệ với Damascus đang "đi đúng hướng". Đây là một động thái rất quan trọng và có ý nghĩa rất lớn. Jordan có hơn 370km đường biên giới với Syria . Tháng 8, Ả-rập Xê-út cũng đã trao đổi với phe đối lập Syria về chuyện ông Assad tiếp tục nắm quyền.
Phương Tây dường như đã giảm tông trong việc đòi lật đổ tổng thống Assad. Mỹ cũng không còn coi việc phải ra đi của Assad là điều kiện tiên quyết để đàm phán hòa bình ở Syria. Tháng 7/2017, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh cho CIA ngừng hỗ trợ các nhóm nổi dậy chống Assad. Theo The Washington Post, "quyết định này cung cấp cho Nga xác nhận cuối cùng rằng Nga sở hữu Syria”.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cũng tin rằng sự ra đi của Assad "không phải là điều kiện tiên quyết". Ông Johson thậm chí còn cho rằng Assad có thể chạy đua bầu cử. Tháng 6 vừa qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Paris không còn coi Assad là một ưu tiên thay đổi trong cuộc xung đột Syria.
Thực tế đã trở nên rõ ràng rằng sự hỗ trợ cho các lực lượng chống Assad đã thất bại trong việc tạo ra những kết quả đáng kể. Kết quả là không có thế lực lớn nào vẫn khăng khăng ủng hộ yêu cầu của phe đối lập Syria nhằm xóa bỏ Assad trong bất kỳ tiến trình ngoại giao hay đàm phán hòa bình nào.
Hayat Tahrir al-Sham là nhóm phiến quân lớn duy nhất công khai phản đối sáng kiến thiết lập các khu vực giảm xung đột – sáng kiến được đưa ra bởi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nhưng nhóm này chỉ hoạt động giới hạn ở Idlib và ảnh hưởng của lực lượng này bên ngoài tỉnh Idlib là không đáng kể. Tiến trình hòa bình ở Astana do Nga khởi xướng đã được công nhận trên toàn thế giới. Và nó chứng tỏ đã và đang vận hành trên thực tế. Lực lượng quân cảnh Nga sẽ chịu trách nhiệm giám sát khu vực giảm xung đột thứ tư trong Idlib. Khu vực nổi dậy chính sẽ bị "đóng băng". Động thái này sẽ ngăn cản quân đội Mỹ hoặc bất cứ thế lực nào khác chia cắt Syria.
Tổng thống Assad đã quản lý được hầu hết dân số và phần lớn các vùng lãnh thổ quan trọng của đất nước. Chính phủ Syria đã đánh bại những thế lực tìm cách lật đổ ông Assad. Hiện nay chính quyền Assad đã giành quyền kiểm soát các thành phố chính của đất nước và có một lợi thế đáng kể về sức mạnh quân sự. Tháng trước, Hội chợ Quốc tế Damascus đã được tổ chức để tượng trưng cho sự trở lại của cuộc sống bình thường.
Robert Ford, cựu đại sứ Mỹ tại Damascus từng chứng kiến những ngày đầu của cuộc nổi dậy nay buộc phải thừa nhận: "Chính phủ Bashar Assad đã chiến thắng trên mặt trận quân sự. Và tôi không thể nhìn thấy bất kỳ triển vọng nào của phe đối lập Syria có thể bắt buộc ông Assad phải có những nhượng bộ lớn trong đàm phán hoà bình".
"Phe đối lập có thể tụ tập lại nhưng thực tế hiện nay đủ để nhận ra rằng họ đã không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến”, ông Staffan de Mistura, đặc phái viên trung gian hòa giải của Liên Hợp Quốc nói vào ngày 6/9. Ông đánh giá cuộc chiến đã kết thúc và một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc có thể sẽ diễn ra ngay sau đó.
Một vòng đàm phán mới của Liên hợp quốc về Syria sẽ bắt đầu vào tháng 10. Những người tham gia sẽ phải sống với thực tế mới là phương Tây đã mất ở Syria, trong khi Nga và các đồng minh của Mát xcơva đã giành chiến thắng. Chiến tranh gần như chấm dứt; xây dựng lại và xây dựng đất nước đang đi đầu.