|
Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA). Ảnh: BBC Anh. |
Tại Đài Loan, nhà cầm cầm quyền Đảng Dân Tiến luôn thực hiện chính sách "thân Mỹ, xa lánh Trung Quốc", sẽ đối mặt với sự lựa chọn khó khăn, do Đài Loan đang chiếm đóng đảo Ba Bình của Việt Nam (một cách bất hợp pháp).
Một số tờ báo Đài Loan ngày 10/7 đồng loạt cho rằng một khi bà Thái Anh Văn từ bỏ Biển Đông thì sẽ đụng vào "giới hạn" của Trung Quốc, gây ra "hậu quả rất nghiêm trọng" đối với quan hệ hai bờ.
Tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 10/7 cho biết đối với ảnh hưởng của vụ kiện Trung Quốc của Philippines, Bộ An ninh Quốc gia Đài Loan đã đưa ra dự đoán về các khả năng, trong đó có khả năng xấu nhất.
Sau khi PCA đưa ra phán quyết, Bà Thái Anh Văn có thể đích thân lên tiếng bày tỏ lập trường, hoặc dùng hình thức "tuyên bố" để xác định phương hướng hoạt động của Đài Loan trên Biển Đông trong tương lai.
Có chuyên gia nhận định, nhà cầm quyền Đảng Dân Tiến sẽ không nhắc đến vấn đề "đường 11 đoạn" (đường chữ U, Trung Quốc gọi là "đường chín đoạn").
Nguồn tin của tờ Vượng báo Đài Loan trong bài viết ngày 10/7 suy đoán, trường hợp "xấu nhất" là PCA phán quyết đảo Ba Bình (thuộc chủ quyền của Việt Nam, đang bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp) là "đá", nhưng cho rằng "khả năng này tương đối thấp".
Nếu trường hợp này xảy ra, Đài Loan có thể sẽ tuyên bố phán quyết này của PCA "không có hiệu lực pháp lý", Đài Loan sẽ không chấp nhận và không thừa nhận.
Đồng thời, người tiền nhiệm vừa về vườn, ông Mã Anh Cửu vẫn cố bám víu lấy vấn đề Biển Đông. Tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 10/7 tiết lộ, Hội nghiên cứu Luật quốc tế Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) đến ngày 14/7 tới sẽ tổ chức "Tọa đàm vụ kiện trọng tài Biển Đông", ông Mã Anh Cửu sẽ có mặt và lên tiếng.
Dự đoán, ông Mã tiếp tục nhắc lại lập trường cũ, đồng thời kêu gọi nhà cầm quyền Đảng Dân Tiến phải tiếp tục kiên trì lập trường của ông ta, tức là bảo vệ cái gọi là "chủ quyền" Biển Đông.
Hồi tháng 3/2016, ông Mã Anh Cửu đã mời các thành viên của Tiểu ban Biển Đông thuộc Hội nghiên cứu Luật quốc tế Trung Hoa Dân Quốc trong đó có luật sư Trần Trường Văn để đưa ra "ý kiến" lên PCA, có ý đồ ngăn chặn PCA ra phán quyết xác định đảo Ba Bình là "đá".
Ngày 9/7, Chủ tịch Đảng Thân Dân Đài Loan, ông Tống Sở Du đã ngang nhiên tuyên bố "(Đài Loan) tuyệt đối không thể nhượng bộ chủ quyền Biển Đông". Ngoài ra, ông Tống khuyến nghị các bên liên quan ở Biển Đông cùng xây dựng "cơ chế đường dây nóng qua lại Biển Đông" để máy bay, tàu thuyền của các bên đi lại được tự do và an toàn.
Trong nội bộ Đảng Dân Tiến Đài Loan cũng có ý kiến chủ trương từ bỏ Biển Đông. Hơn nữa, vừa qua, nhà cầm quyền Thái Anh Văn đã rút tàu hộ vệ (tàu tuần duyên) lớp 100 tấn khỏi đảo Ba Bình. Tờ Thời báo Hoàn Cầu bêu xấu rằng hành động này có "động cơ không tốt".
Tuy nhiên, đến chiều ngày 10/7 Lực lượng tuần duyên Đài Loan đã điều tàu tuần duyên Vĩ Tinh lớp 1.800 tấn xuất phát từ Đài Loan đến đảo Ba Bình (hành động triển khai này là bất hợp pháp), nhưng tờ Tin tức Liên hợp Đài Loan cho rằng, họ không hề cho biết khi nào thì điều tàu hộ vệ lớp 100 tấn quay trở lại đảo Ba Bình.
La Trí Chính, ủy viên lập pháp (nghị sĩ) của Đảng Dân Tiến cho biết chính quyền Thái Anh Văn sẽ không nói đến "vùng biển lịch sử" hoặc "chủ quyền" để tránh nói "trùng" với lập trường của phía Trung Quốc.
Tờ Vượng Báo Đài Loan ngày 10/7 cho rằng từ khi lên cầm quyền đến nay, tân lãnh đạo Đài Loan bà Thái Anh Văn chưa hề đề cập một chữ nào đến "đường chữ U" trước đây, rõ ràng đã cân nhắc tới lập trường của Mỹ. Nhưng, từ bỏ "đường chữ U" thực chất chính là từ bỏ các đảo ở Biển Đông.
Có chuyên gia cho rằng một khi kết quả trọng tài phủ định sự tồn tại của "đường chữ U", nhà lãnh đạo Thái Anh Văn sẽ cho Mỹ thuê đảo Ba Bình. Do đó, khả năng Bắc Kinh điều quân đội đến chiếm trước đảo Ba Bình sẽ tăng mạnh.
Tờ Thời báo Trung Quốc ngày 10/7 cho rằng để hàn gắn quan hệ hai bờ, nhà lãnh đạo Thái Anh Văn gần đây liên tiếp "tung bóng" với hy vọng dựa vào người của "phe Lam" làm chủ tịch Quỹ Giao lưu Hai bờ (Đài Loan) để khắc phục thiếu sót cơ chế trao đổi chính thức của hai bờ sau ngày bà Thái Anh Văn nhậm chức Tổng thống Đài Loan (20/5/2016).
Tuy nhiên, động thái chính sách Biển Đông của bà Thái Anh Văn sau khi PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines có thể sẽ ảnh hưởng đến phương hướng quan hệ hai bờ.
Tình hình Biển Đông sẽ rất phức tạp
Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc đoán rằng nếu bà Thái bày tỏ lập trường đi theo Mỹ thì không chỉ sẽ tiếp tục làm xấu đi quan hệ hai bờ, mà còn có thể bị Trung Quốc tin rằng bà Thái sẽ thúc đẩy "Đài Loan độc lập".
Tờ Tin tức bình luận Trung Quốc cho rằng nhìn vào các phát biểu của bà Thái Anh Văn về vấn đề Biển Đông, chủ trương Biển Đông của bà khác hẳn với nhà cầm quyền Đảng Quốc Dân (đảng phái thân Bắc Kinh).
Bài viết này xúi giục Bắc Kinh tìm cách ngăn chặn Đảng Dân Tiến trở thành người hỗ trợ cho Mỹ trong vấn đề Biển Đông, từ đó làm ảnh hưởng to lớn đến tình hình Biển Đông và quan hệ hai bờ trong tương lai.
Từ bài viết này cho thấy, Trung Quốc rất lo lắng khả năng Đài Loan dưới thời bà Thái Anh Văn từ bỏ "đường 11 đoạn" trở thành hiện thực, khiến yêu sách "đường 9 đoạn" vô lý, phi pháp của Bắc Kinh trở nên vô nghĩa.
Diễn biến tình hình Biển Đông thời thời gian tới sẽ rất phức tạp, đánh cờ Biển Đông chuyển ngoặt sang một trang mới.
Chính quyền mới Đài Loan do bà Thái Anh Văn lãnh đạo đã tạo ra một mối lo to lớn cho Bắc Kinh về khả năng Đài Loan ngày càng rời xa Trung Quốc. Mối lo này sẽ còn kéo dài chừng nào Đảng Dân Tiến còn nắm quyền ở Đài Loan.
Ở Philippines, ông Rodrigo Duterte vừa lên nắm quyền, các quan điểm của ông còn đang gây tranh cãi, nhưng thực chất nội dung các phát biểu của các nhà lãnh đạo mới Philippines cho thấy, Philippines đang vận dụng một sách lược ngoại giao linh hoạt hơn để chuẩn bị cho giai đoạn mới – giai đoạn hậu phán quyết của PCA, tạo không gian cho Philippines xoay xở tốt hơn trong thời gian tới để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia.
Philippines chắc chắn không bao giờ từ bỏ "chủ quyền" và "quyền lợi biển" của họ. Philippines có thể cùng “chia sẻ” tài nguyên với Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình dựa trên các quy định của UNCLOS, chứ không phải hợp tác vô nguyên tắc.
Nói chung, tình hình Biển Đông thời gian tới sẽ diễn biến rất phức tạp. Đánh giá kỹ tình hình, vận dụng khôn khéo sách lược ngoại giao và các sách lược khác để bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia sẽ vượt qua được các thách thức.