Tình hình Biển Đông mới nhất:

Bà Thái Anh Văn sẽ có tuyên bố lập trường Đài Loan về Biển Đông sau phán quyết PCA?

VietTimes -- Căn cứ vào đánh giá tình hình, tuyên bố của các nhà lãnh đạo được Đài Bắc gọi bằng các chức danh gồm Tổng thống hoặc Thủ tướng sẽ chú trọng đến 3 vấn đề lớn.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Chinatimes Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Chinatimes Đài Loan.

Tờ Thời báo Tự do Đài Loan ngày 10/7 cho hay Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở The Hague, Hà Lan sẽ công bố kết quả phán quyết vụ kiện trọng tài Biển Đông vào ngày 12/7 tới. 

Cơ quan Chính phủ Đài Loan sẽ căn cứ vào ảnh hưởng của nội dung phán quyết đối với tình hình đảo Đài Loan để đưa ra phản ứng ở các mức độ khác nhau.

Nếu tác động đến cái mà Đài Bắc tuyên bố là "chủ quyền", bà Thái Anh Văn sẽ đích thân đứng ra phản ứng, Tổng thống Đài Loan có khả năng sẽ nhấn mạnh cái gọi là "kiên trì chủ quyền Biển Đông, bảo đảm quyền lợi tự do hàng hải và hàng không". Bài báo coi đây là "lập trường đã định" của Đài Loan.

Trong thời điểm PCA chuẩn bị đưa ra phán quyết, tình hình căng thẳng ở Biển Đông leo thang. Từ ngày 5 đến ngày 11/7, Quân đội Trung Quốc tổ chức một cuộc tập trận trái phép quy mô lớn ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). 

Trong khi đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan Hải quân Mỹ và các tàu chiến khác đang tuần tra trên Biển Đông.

Đứng trước tình hình Biển Đông có xu hướng trở nên phức tạp, trước khi kết quả phán quyết của PCA được công bố, Phủ Tổng thống, các cơ quan Ngoại giao, Quốc phòng Đài Loan đã công khai lên tiếng với các ngôn từ tương đối "thận trọng", chỉ cho biết sẽ "theo dõi chặt chẽ" vụ kiện trọng tài Biển Đông. 

Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc. Ảnh: Sina Trung Quốc.
Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc. Ảnh: Sina Trung Quốc.

Vụ kiện do Philippines đưa lên PCA chủ yếu có vài trọng điểm, trông đợi PCA phán quyết ở trên Biển Đông đâu là đảo, đá và điểm cao thủy triều. Điều này sẽ ảnh hưởng đến "các đảo" do Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng rầm rộ (một cách bất hợp pháp) trong những năm qua - PCA có thể xác định tính hợp pháp của những "đảo" này.

Ngoài ra, theo báo Đài Loan, nếu nội dung trọng tài mở rộng đến đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện do Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp), thì cũng sẽ ảnh hưởng đến cái gọi là "chủ quyền của Đài Loan". 

Philippines đã tiến hành thách thức đối với yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc. Lần này, kết quả trọng tài chắc chắn sẽ tác động đến phạm vi chủ quyền do Trung Quốc tuyên bố (bất hợp pháp) ở Biển Đông.

Tình hình sau phán quyết

Mặc dù hai bên đương sự của vụ kiện trọng tài lần này là Philippines và Trung Quốc, nhưng chính quyền Đảng Dân Tiến của Đài Loan cũng nắm chắc đầy đủ các thông tin liên quan đến khả năng ảnh hưởng đến Đài Loan.

Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: UDN Đài Loan.
Đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Đài Loan chiếm đóng bất hợp pháp. Ảnh: UDN Đài Loan.

Cơ quan quốc phòng an ninh Đài Loan đã suy đoán về các loại trường hợp có khả năng xảy ra, bao gồm cả kết quả xấu nhất. 

Đối với vấn đề này, Tổng thống Thái Anh Văn cũng có khả năng đích thân nói ra lập trường hoặc dùng hình thức "tuyên bố" để tăng cường nói rõ với cộng đồng quốc tế, đồng thơi đưa ra phương hướng cho các hành động tiếp theo của Đài Loan ở Biển Đông trong tương lai.

Căn cứ vào đánh giá tình hình, tuyên bố của các nhà lãnh đạo được Đài Bắc gọi bằng các chức danh gồm Tổng thống hoặc Thủ tướng sẽ chú trọng đến 3 phần dưới đây: 

Thứ nhất, nhấn mạnh Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), bảo đảm tự do hàng hải và hàng không. 

Thứ hai, sẽ nhấn mạnh toàn bộ quá trình trọng tài không thông báo cho Đài Loan, bày tỏ "đáng tiếc" về vấn đề này.

Thứ ba, sẽ kêu gọi các nước tự kiềm chế, ngồi xuống bàn đàm phán để cùng bàn bạc, giải quyết tranh chấp, các nước có trách nhiệm cùng duy trì hòa bình, ổn định khu vực.