|
Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam |
Tăng tốc bằng mọi giá
Cục Trồng trọt cho biết, sản lượng vụ lúa đông-xuân 2015-2016 toàn vùng Nam bộ đạt gần 11 triệu tấn, giảm trên 700.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng ĐBSCL giảm đến 630.000 tấn ở vụ đông-xuân và hụt thêm 5.300 tấn nữa của vụ hè-thu. Hạn hán, xâm mặn kéo dài làm diện tích lúa toàn vùng bị thiệt hại lên đến 85.000 ha.
Để bù đắp sản lượng lúa bị thiếu hụt từ 2 vụ lúa chính, Cục Trồng trọt đã đưa ra kịch bản ứng phó và chỉ đạo cho các địa phương vùng ĐBSCL phải mở rộng diện tích, tăng năng suất lúa vụ thu-đông 2016 này.
Tại Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Kiều, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, vụ thu-đông tới thành phố sẽ mở rộng diện tích gieo sạ lên 60.000 ha, vượt 7.000 ha so kế hoạch. Cùng thời điểm này, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời cũng cho biết, tỉnh này đã lên kế hoạch xuống giống 45.000 ha lúa thu-đông; và có thể tăng thêm 5.000 ha. Các tỉnh trong vùng cũng đang xây dựng kế hoạch tăng thêm diện tích lúa vụ 3…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định: Mặc dù vụ lúa hè-thu ở ĐBSCL xuống giống muộn do hạn, mặn; tuy nhiên, vẫn còn cơ hội lớn cho vụ lúa thu-đông. Khả năng vụ này có thể tăng thêm ít nhất 25.000 ha, tương đương sản lượng lúa 130.000-150.000 tấn, đủ để bù đắp cho sản lượng bị thiếu hụt.
Trong khi đó, các chuyên gia cảnh báo, sản xuất nông nghiệp 6 tháng cuối năm gặp rất nhiều khó khăn vì diễn biến thời tiết bất thường do biến đổi khí hậu lại gặp mưa lũ, dịch bệnh bùng phát. Theo các chuyên gia, thu-đông là vụ lúa luôn gặp nhiều khó khăn, rủi ro nhất trong năm.
Từ tháng 6 đến nay, mới đầu mùa mưa nhưng ĐBSCL đã gánh chịu những cơn mưa dầm dề làm ngập úng lúa hè-thu và những diện tích thu-đông gieo sạ sớm, khiến nông dân đối diện thua lỗ ngay từ đầu vụ, vì phải bơm tát cứu lúa và gieo sạ lần 2.
Biết là lỗ nhưng bà con nông dân vẫn phải "nhắm mắt" mà làm, vì ngoài 3 vụ lúa trong năm, thời gian còn lại nông dân không có việc gì để làm. Bà con cho biết, vụ 3 chỉ lấy công làm lời hoặc huề vốn; thậm chí, có thể lỗ vốn nhưng vẫn phải làm, chẳng lẽ “ngồi không” suốt 3 tháng trời. Nuôi trồng thủy sản thì nông dân lại thiếu vốn, không kiến thức và sản phẩm làm ra không biết bán cho ai !
Với quyết tâm tăng diện tích, năng suất, sản lượng lúa thu-đông, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương và các cơ quan chức năng liên quan phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và kịp thời ứng phó với điều kiện sản xuất bất lợi. Đảm bảo kế hoạch về tổng diện tích và hoạt động sản xuất vụ thu-đông an toàn thắng lợi, kết thúc việc xuống giống trước 20-8, chậm nhất là ngày 30-8-2016.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Ngọc Đệ (Trường Đại học Cần Thơ) nêu ý kiến ngược lại. Tiến sĩ Đệ cho rằng, không nên mở rộng diện tích vụ thu-đông mà phải giảm xuống. Bởi lẽ, thu-đông là vụ lúa sản xuất trong điều kiện bất lợi, năng suất thấp chỉ 4-5 tấn/ha, chất lượng lúa thấp do thu hoạch trong điều kiện mưa bão, tăng chi phí sấy bảo quản, khó làm ra gạo xuất khẩu và giá bán lại không cao. Thời tiết ít nắng, ẩm độ cao, cây lúa yếu, sâu bệnh phát triển; vì thế, nên tăng diện tích, năng suất của 2 vụ lúa chính (đông-xuân và hè-thu) hơn là làm thêm vụ thứ 3.
Xuất khẩu vẫn ảm đạm
Gạo xuất khẩu chính ng̣ạch Việt Nam giai đoạn 2009-2015 luôn đạt mức từ 6 triệu tấn trở lên mỗi năm. Sau nhiều năm duy trì sản lượng xuất khẩu ở ngưỡng cao; năm nay, VFA (Hiệp hội Lương thực Việt Nam) lần đầu tiên phải điều chỉnh giảm mạnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo do gặp khó khăn lớn về thị trường. Đầu năm, VFA đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2016 phải đạt 6,5 triệu tấn như các năm trước nhưng nay phải hạ xuống còn 5,65 triệu tấn.
Thực tế 6 tháng đầu năm cho thấy, xuất khẩu gạo chỉ đạt 2,657 triệu tấn (giảm 1,99%); dự kiến 6 tháng cuối năm xuất khẩu thêm cỡ 3 triệu tấn; như vậy, cả năm giảm 14% so cùng kỳ 2015. Tuy nhiên, từ quý 2-2016 đến nay, thị trường xuất khẩu gạo luôn "ảm đạm"; vì thế, nó như ngầm "hứa hẹn" sẽ còn tiếp tục "ế ẩm", chí ít cũng tới hết quý 3-2016. Nguyên nhân chính là do các thị trường tập trung và truyền thống chưa có dấu hiệu sẽ mua thêm gạo trong những tháng sắp tới.
Cuối tháng 6 vừa qua, cơ quan lương thực quốc gia Philippine tuyên bố có đủ lượng gạo dự trữ cho đến những tháng giáp hạt (từ tháng 7 đến tháng 9) nên chưa thể mở thầu cung ứng gạo. Còn Indonesia thì "im lặng" trước mọi đề nghị mua-bán gạo. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam (mỗi năm nhập trên 50% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam); Song, 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất sang thị trường này 35% tổng lượng gạo mà họ dự kiến nhập khẩu cả năm nay, nên sức mua có dấu hiệu giảm dần.
Thị trường châu Phi mặc dù sản lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm tăng 10,75% so cùng kỳ năm 2015 nhưng các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn do đồng Euro mất giá so USD. Tại thị trường Trung Quốc thì đồng Nhân dân tệ cũng “đang yếu”, nước này lại vừa ký Nghị định thư với Việt Nam, không nhập gạo qua đường tiểu ngạch mà đòi hỏi phải có hợp đồng qua cửa chính ngạch để kiểm soát, kiểm dịch thực vật.
Những khó khăn trên trở thành lực cản đáng kể khi doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Nếu không có chuyển biến mạnh từ các thị trường nhập khẩu gạo trong nửa cuối năm thì thị trường xuất khẩu gạo Việt sẽ rơi vào cảnh "đìu hiu" và lượng gạo tồn kho sẽ rất lớn. Thực tế hoạt động xuất khẩu gạo vừa qua cho thấy tình hình kém sáng sủa.
Cục Trồng trọt dự tính: sản lượng lúa cả năm 2016 ước đạt 44,251 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm 2015. Sau khi cân đối cho tiêu dùng trong nước và an ninh lương thực, lượng gạo dành cho xuất khẩu cỡ 7,595 triệu tấn. Như vậy, so với mục tiêu xuất khẩu gạo, dù đã được VFA hạ xuống còn 5,65 triệu tấn, cộng với lượng gạo tồn kho dồn sang năm 2017 “cầm chắc” 2 triệu tấn. Đó là một con số đáng lo ngại.
Bất chấp việc sản xuất gạo trong nước đang dư thừa, phải đưa vào tồn trữ khá lớn, vậy nhưng Bộ NN-PTNT vẫn quyết tâm đẩy mạnh sản xuất lúa vụ thu-đông (vụ thứ 3 trong năm), tăng tốc cả diện tích, năng suất và sản lượng; trong khi chất lượng lúa vụ này lại kém nhiều so với 2 vụ trước. Đến khi thu hoạch, nếu nguồn cung dư thừa, doanh nghiệp không thu mua, giá lúa lại rớt thì nông dân cầm chắc thua lỗ.
Sản xuất vụ thu-đông, vì vậy, sẽ đẩy nông dân vào tình thế khó khăn, "thắt ngặt". Và rồi, sau mỗi vụ lúa kém vui, lại thêm nhiều gia đình các tỉnh vùng lúa ĐBSCL tiễn con "hành quân" đến các khu công nghiệp ở miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh để kiếm sống.