|
Sau 2 thập kỷ kinh doanh và phát triển, Phúc Sinh đã có mặt tại 102 quốc gia trên thế giới, trở thành công ty đứng đầu Việt Nam về xuất nhập khẩu hồ tiêu, cũng là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước. Đây là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên được định giá 320 triệu USD khi nhận vốn từ một quỹ châu Âu vào năm 2024.
- Nhân dịp đầu xuân, VietTimes đã có dịp trao đổi với doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, về chuyện áp dụng chuyển đổi xanh theo ESG (môi trường, xã hội và quản trị) để đưa doanh nghiệp vươn mình ra thế giới.
- Chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhưng nhiều doanh nghiệp Việt hiện khá mơ hồ với câu chuyện này. Sau đại dịch Covid-19, chúng ta biết đến khái niệm ESG nhiều hơn. Nhưng nhiều doanh nghiệp nói rằng không có tiền để làm, không có kiến thức nên lúng túng triển khai. Đây là những điều hết sức thực tế.
Các doanh nghiệp hiện đang vật lộn với tình hình kinh doanh, nhiều công ty có xu hướng đóng cửa thì lấy đâu ra tiềm lực để phát triển bền vững. Ngành cà phê, cao su, gỗ đối mặt với việc đến 2025 phải làm các chương trình phát triển bền vững, trong đó có chống phá rừng, nhưng hầu hết chưa chuẩn bị.
Phát triển bền vững chính là phát triển đất đai, con người, sản xuất, nguồn nước theo tiêu chuẩn. Các tiêu chuẩn của Việt Nam đã khá rõ, đó là cơ sở để cho doanh nghiệp nắm bắt.
- Với Phúc Sinh, doanh nghiệp bắt tay làm chuyển đổi xanh ra sao?
- Với chúng tôi, chuyển đổi xanh không phải bây giờ mới làm mà từ 16 năm trước. Là công ty chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam ra thế giới, chủ yếu cho thị trường châu Âu nên khách hàng muốn chúng tôi phải làm các chương trình bền vững.
Năm 2008, các đối tác đưa ra mục tiêu vào năm 2015 phải có khoảng 50% hàng hóa trên kệ siêu thị của họ có chứng nhận phát triển bền vững. Hãy tưởng tượng 16 năm về trước, Việt Nam khi đó chưa có tư duy gì nhiều về phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Đến năm 2010, họ tuyên bố nếu chúng tôi không bắt tay vào làm thì sẽ mất khách hàng, không giữ được đơn hàng lớn. Câu chuyện phát triển bền vững của Phúc Sinh xuất phát từ sức ép của khách hàng lớn. Họ yêu cầu làm và chúng tôi phải thay đổi.
- Cơ hội là giữ được đơn hàng lớn. Vậy chi phí để chuyển đổi xanh là như thế nào?
- Chi phí để phát triển bền vững lúc đó rất lớn. Chúng tôi đã chi 5 tỷ đồng cho 2 năm đầu tiên (2010-2012), thuê chuyên gia nước người và làm việc với hàng nghìn nông hộ ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Sơn La.
Thời điểm đó, việc chi khoản tiền như vậy với một doanh nghiệp nhỏ như Phúc Sinh được xem là rất táo bạo. Công ty “đánh vật” về tài chính, vừa phải kinh doanh để có tiền, vừa phải để dành tiền để chuyển đổi.
Hai năm đầu, chúng tôi gần như “đốt” hết số tiền và thất bại vì chưa hiểu văn hóa của nông dân, văn hóa vùng miền canh tác. Khi các tổ chức nước ngoài đến, họ xuất hiện đột xuất ở cánh đồng, nhà máy mà không báo trước… nên sau đó đánh trượt.
Thất bại đó không phải là mất tất cả, mà các bài học, kiến thức được nhận ra. Chúng tôi tiếp tục làm và sửa chữa sai lầm, học thêm về văn hóa để kết nối các nông dân.
Năm 2014, chúng tôi tiếp tục chi một khoản tiền lớn để làm lại, và may mắn thành công. Phúc Sinh trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành gia vị của Việt Nam đạt chứng nhận Rainforest Alliance (RA - Tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững).
Đây là cột mốc, đồng thời là một bước tiến lớn giúp công ty thu được lợi nhuận về sau, để tái đầu tư phát triển lớn mạnh. Tính đến năm 2024, doanh thu của công ty đạt 8.000 tỷ đồng với 6 nhà máy hoạt động.
- Phúc Sinh đã có “trái ngọt” từ nguồn vốn FDI nhờ hành trình đến với ESG. Kế hoạch sử dụng số tiền này như thế nào, thưa ông?
- Những nỗ lực trên đã được các quỹ nước ngoài để mắt tới. Tháng 8/2024, chúng tôi nhận khoản đầu tư 25 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hà Lan. Hai tháng sau đó, chúng tôi tiếp tục nhận tài trợ không hoàn lại số tiền 575.000 Euro từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) nhằm hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững và ESG của công ty.
Chúng tôi sẽ sử dụng số tiền này để phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, đầu tư vào mua máy, đặt cọc một phần cho các dự án mới. Và điều quan trọng là chúng tôi đầu tư lớn vào con người và hệ thống.
- Đầu tư nông nghiệp không phải cuộc chơi dễ dàng vì nhiều doanh nhân đã chật vật và phải từ bỏ. Điều gì tạo nên sự thành công của Phúc Sinh ngày hôm nay?
- Câu chuyện của Phúc Sinh không phải điều gì “đao to búa lớn”. Chúng tôi giải quyết những việc cần phải hướng tới và quan trọng nhất là người quản lý có định hướng tốt trong điều hành.
Đến nay, mọi người mới nhắc đến ESG và an toàn vệ sinh thực phẩm, còn Phúc Sinh đã làm điều này 16 năm trước. Nhận thức đầu tiên rất quan trọng và khi có nhận thức đúng và kiên định thì dù gặp khó khăn, chúng ta vẫn từng bước vượt qua. Thành công đến từ sự kiên trì, kiên nhẫn, làm sai thì làm lại và học hỏi.
Ở góc độ quản lý, tôi muốn nói rằng muốn phát triển bền vững phải xuất phát từ chủ doanh nghiệp, từ chính CEO chứ không phải thuê một người ngoài đến để làm phát triển bền vững, vì sẽ không thành công và chi phí rất lớn.
- Nhìn rộng hơn với ngành nông nghiệp, để góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo ông, chúng ta cần làm gì?
Ngày xưa, chúng ta đều nghĩ rằng khai thác quặng mới mang lại lợi ích kinh tế cao. Nhưng với nông nghiệp, nếu chúng ta làm tốt thì mỗi năm đều thu về hàng chục tỷ USD. Tôi cho rằng nông nghiệp mới là vàng ròng bền vững.
Sau đại dịch, phát triển bền vững, an toàn thực phẩm là một nhu cầu cấp thiết, không còn là lời nói suông. Trước mắt, chúng ta phải từng bước chống phá rừng, xanh hóa và làm giảm ảnh hưởng carbon. Ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải bắt tay vào làm thì việc hướng tới Net Zero là điều hoàn toàn khả thi.
Chúng ta xuất khẩu sang châu Âu 30-40% lượng cà phê, rồi cao su, gỗ... Nếu châu Âu không chậm lại 1 năm việc áp chương trình chống phá rừng thì các lô hàng của Việt Nam hiện nay đã không thể xuất khẩu. Các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lý cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Ở bên ngoài, mọi thứ đang rất quyết liệt.
- Xin cảm ơn ông!