Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 có bùng nổ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ so với năm trước, đánh dấu là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng. Điều này làm dấy lên kì vọng thị trường sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2025.

Thấy gì trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024?

Trái phiếu là kênh dẫn vốn trung – dài hạn quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), kể từ năm 2017 tới nay, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp luôn đạt trên 100.000 tỷ đồng/năm, đặc biệt tăng trưởng mãnh liệt trong giai đoạn 2019 – 2021 mà đỉnh cao là năm 2021 với giá trị phát hành 742.743 tỷ đồng.

Sau 2 cú sốc Tân Hoàng Minh – Vạn Thịnh Phát trong năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm nghiêm trọng. Phải tới năm 2023, với sự ra đời của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, thị trường này mới bắt đầu hồi phục, tăng trưởng 26% so với năm trước.

Năm 2024, thị trường trái phiếu tiếp tục đạt được sự tăng trưởng ấn tượng với tổng giá trị phát hành đạt 443.457 tỷ đồng, tăng 31% so với năm trước. Trong đó, có 429 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 410.544 tỷ đồng và 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.914 tỷ đồng.

Xét theo ngành, ngân hàng chiếm 69% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024. Theo sau là bất động sản với tỷ trọng 20%, công nghiệp 4%, tài chính 3%, chứng khoán 2%, tiêu dùng 1%, còn các ngành khác 1%.

Việc ngành ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất không có gì đáng ngạc nhiên, bởi năm qua, nhiều ngân hàng đã cấp tập phát hành trái phiếu để bổ sung vốn cấp 2 nhằm đáp ứng các quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Ảnh màn hình 2025-01-18 lúc 17.22.06.png
Số liệu tổng hợp số liệu từ VBMA. Ảnh: Hải Thu

Cụ thể, các ngân hàng chỉ còn được dùng 30% vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và tỷ lệ cho vay trên tổng vốn huy động phải dưới 85%. Trong bối cảnh huy động tăng chậm do mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, các ngân hàng buộc phải xoay qua kênh trái phiếu để bổ sung cơ cấu vốn trung, dài hạn và dùng nguồn lực này tài trợ các dự án, nhất là khi tín dụng cho thấy đà tăng trưởng khá tốt trong năm 2024.

Với bất động sản, dù tỷ trọng năm 2024 sụt giảm 3,5 điểm % so với năm trước nhưng giá trị phát hành đã tăng thêm hơn 15.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã có thể quay lại thị trường trái phiếu một cách tương đối chắc chắn, dù cho theo dữ liệu của VIS Rating, nhóm bất động sản nhà ở và xây dựng chiếm tới 52% số lượng tổ chức phát hành có hồ sơ tín nhiệm yếu cũng như nhóm bất động sản nhà ở chiếm 62% tổng lượng trái phiếu chậm trả.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2025 có thể bùng nổ?

Dù đã đạt được bước tiến đáng kể trong năm 2024, song trao đổi với VietTimes, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng, cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp khó tạo ra được sự tăng trưởng đột phá trong năm 2025 vì 3 nguyên do.

Một là những vụ án trái phiếu trước đó đã làm tổn thương nặng nề niềm tin của nhà đầu tư. Dẫu 2 năm qua, nhờ các chính sách của Chính phủ, niềm tin đã có sự hồi phục, song vẫn còn khá mong manh.

Hai là các tổ chức phát hành trái phiếu cần thêm thời gian để chứng minh với nhà đầu tư về năng lực của mình, nhất là trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn.

Ba là số tổ chức phát hành được xếp hạng tín nhiệm vẫn còn ít, trong khi lượng nhà đầu tư có đủ năng lực thẩm định tài chính của doanh nghiệp chưa cao.

TS Nguyễn Tri Hiểu
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng. Ảnh: Đình Huy

Về cơ cấu phát hành, TS Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận năm 2025 sẽ không có thay đổi căn bản nào. “Ngân hàng sẽ vẫn dẫn đầu về tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tiếp theo là bất động sản”, ông nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. HCM, đánh giá thị trường trái phiếu năm 2025 sẽ nối dài mạch tăng trưởng đã đạt được trong 2 năm trước đó.

Ngân hàng sẽ vẫn giữ vững vị trí chủ đạo trong cơ cấu phát hành, do nhu cầu huy động vốn lớn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, nhờ sự hồi phục tích cực của thị trường bất động sản, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng có sự thuận lợi để huy động vốn trái phiếu.

“Dù có khía cạnh tích cực, song cơ cấu phát hành như trên cho thấy thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa được đa dạng hoá. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả để giảm tải cho hệ thống ngân hàng. Do vậy, Chính phủ cần có thêm chính sách phát triển thị trường”, ông Huân nhấn mạnh.

Nói về nỗi lo năm 2025 sẽ có 216.670 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó có 120.640 tỷ đồng trái phiếu bất động sản (theo VBMA) có thể gây tác động xấu tới thị trường, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng thị trường sẽ không đối diện với nguy cơ khủng hoảng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả để giảm tải cho hệ thống ngân hàng. Do vậy, Chính phủ cần có thêm chính sách phát triển thị trường.

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân

Nguyên do là tình hình tài chính của các doanh nghiệp bất động sản đã được cải thiện so với giai đoạn trước, giúp tăng khả năng phát hành trái phiếu mới hoặc vay ngân hàng để đảo nợ.

“Trường hợp xấu nhất thì doanh nghiệp lại gia hạn với trái chủ, hoán đổi nợ sang cổ phần. Tôi cho rằng doanh nghiệp bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất rồi”, ông Huân bình luận.