Vụ truy thu 408 tỷ tiền thuế: Sabeco “phản pháo”

Ông Chung Trí Dũng, Chủ tịch Công đoàn Sabeco khẳng định, Sabeco đặt nghi vấn "phải chăng có sự khác biệt trong cách thực thi kiểm toán giữa các công ty kiểm toán độc lập và Kiểm toán Nhà nước".
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Sabeco nộp thêm hơn 408 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2013 do "lách thuế" thông qua việc thành lập các công ty thương mại khu vực.

Theo tính toán, nếu Bộ Công thương, Bộ Tài chính chấp thuận ý kiến của Kiểm toán Nhà nước để nộp bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt Sabeco phải bị truy thu hồi tố từ năm 2008 đến nay với số tiền ước tính khoảng 3.500 tỷ đồng.

Mặc dù đại diện Kiểm toán Nhà nước đã thừa nhận, sự việc xảy ra với Sabeco là do "lỗ hổng" chính sách nhưng vẫn cho biết Sabeco phải đóng khoản thuế này.

Tại toạ đàm về việc thực hiện thuế tiêu thụ đặc biệt của Sabeco diễn ra vào sáng nay (15/7), đại diện Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn cho biết, việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt đến các công ty cổ phần thương mại khu vực (với hơn 90% vốn điều lệ của Công ty TNHH 1TV TM Bia Sài Gòn) xảy ra hiện tượng thuế đang chồng lên thuế, làm sai lệch bản chất của luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bởi lẽ, hàng hóa tiêu thụ từ Công ty TNHH một thành viên Thương mại Bia Sài Gòn đến các công ty cổ phần thương mại khu vực hiện có trên 400 cung tuyến vận tải với chi phí vận tải năm 2013 là trên 1.200 tỷ đồng.

Ngoài ra còn các chi phí cầu đường, phí dịch vụ bảo quản sản phẩm, phí bốc xếp, các phát sinh rủi ro khi vận tải…

Đại diện Sabeco cho rằng, cơ quan kiểm toán áp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đến 10 công ty cổ phần thương mại khu vực vì các công ty này cũng thuộc hệ thống kinh doanh của Bia Sài Gòn do có vốn góp của Công ty 100% vốn tại các công ty cổ phần thương mại khu vực này trên 90% để tính thuế tiêu thụ đặc biệt là chưa có cơ sở. Vì tất cả các đơn vị nêu trên đều có pháp nhân độc lập và hạch toán độc lập.

Đồng thời, vị đại diện này cho biết, Kiểm toán Nhà nước vừa qua chỉ thực hiện tại công ty mẹ và 4 công ty con gồm Công ty CP Bia Sài Gòn - Sông Lam, Công ty CP Bia Sài Gòn - Quảng Ngãi, Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây và Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội, nhưng lại đề xuất áp thuế và truy thu đển 7 công ty con; có nghĩa là có 3 công ty không thực hiện kiểm toán nhưng vẫn đề nghị truy thu là chưa đúng quy định.

Đặc biệt, theo Sabeco, hàng năm, công ty mẹ, các công ty con và công ty liên kết cũng được các công ty kiểm toán độc lập (cả trong nước và trên thị trường kiểm toán thế giới như: KPMG, PWC, E&Y, Deloitte…) thực hiện kiểm toán và vẫn luôn được xác nhận Bia Sài Gòn đã thực hiện nghiêm túc quy định về thuế thuế tiêu thụ đặc biệt.

"Phải chăng có sự khác biệt gì trong cách thực thi kiểm toán giữa các Công ty kiểm toán độc lập và Kiểm toán nhà nước", ông Dũng đặt câu hỏi.

Cũng theo vị này, đến giờ Sabeco vẫn chưa hình dung thủ tục để có thể thực hiện việc truy thu sẽ phức tạp như thế nào, vì theo quy định, Bia Sài Gòn phải báo cáo xin chỉ đạo của Bộ Công Thương, sau đó lại xin Bộ Tài chính cho phép được sử dụng các nguồn tiền trên để nộp ngay lại cho Bộ Tài chính.

Giải thích liên quan đến lý lẽ của Kiểm toán Nhà nước cho rằng chính sách có "lỗ hổng", đại diện Sabeco cho biết, "lỗ hổng" này không phải Sabeco tạo ra và do đó cơ quan nhà nước cần phối hợp để xây dựng các văn bản quy phạm để điều chỉnh, hướng dẫn các doanh nghiệp.

Tập thể Sabeco gửi tâm thư vì bị truy thu thuế 408 tỷ

Sau kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco phải nộp bổ sung hơn 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, tập thể cán bộ nhân viên của hãng bia này đã viết tâm thư gửi các cơ quan quản lý Nhà nước, phản đối kết luận này.

Cho đến nay, các tranh cãi về tính đúng- sai trong việc truy thu thuế TTĐB đối với Sabeco vẫn chưa có hồi kết.Trước đó, ngày 18/3, Sabeco cũng đã có báo cáo giải trình về kết luận của KTNN gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Tổng Cục thuế và Tổng KTNN. Hãng bia này đề nghị chỉ nộp 58,5 tỷ đồng tiền thuế GTGT, TNDN, TNCN... Nếu nộp 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB như kết luận KTNN, sẽ làm tăng thuế TTĐB ở công ty lên khoảng 3,3% thuế suất, làm ảnh hưởng lớn tới hiệu quả kinh doanh của Tổng công ty, giảm lợi nhuận 350-400 tỷ/năm, tương ứng 4.000 tỷ đồng kể từ năm 2008. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi trực tiếp của các cổ đông, ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hoá công ty.

Theo Bizlive