Thông tin trên được TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cung cấp trong cuộc trao đổi riêng với VietTimes.
Phạt tiền đến 200 triệu đồng và phạt tù đến 12 năm
- Thưa ông, hiện đang có nhiều những trường hợp bất hợp tác trong khai báo y tế và cách ly y tế, dẫn đến những hậu quả khôn lường của dịch COVID-19. Gần đây nhất, có trường hợp 5 người nhà của bệnh nhân số 35 phá cửa để trốn cách ly hay bệnh nhân số 17, bệnh nhân số 34 khai báo chưa trung thực.
TS. Nguyễn Huy Quang: Đối với đại dịch COVID-19, thời gian gần đây có hiện tượng trốn khai báo y tế, trong đó đặc biệt khai báo kiểm dịch y tế biên giới hoặc có khai báo nhưng không đúng nội dung khai báo, có hành vi che dấu bệnh của mình.
Chính vì lý do đó, việc khai báo không chính xác dẫn tới việc chúng ta ngăn chặn dịch ngay từ cửa khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Và từ đó, ta khó có thể xác định được người nào mắc bệnh truyền nhiễm, người nào nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người nào có bệnh mầm truyền nhiễm, người nào tiếp xúc với họ trên máy bay, trong sân bay và sau đó về với gia đình.
Nếu như chúng ta không xác định được cụ thể thì tình trạng lây lan bệnh truyền nhiễm này ở mức độ cao hơn, tức là lây từ nguồn lây ở nước ngoài về Việt Nam và bắt đầu ở Việt Nam cho người Việt Nam, làm ảnh hưởng rất nhiều đến cộng đồng, đặc biệt là ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng con người.
- Xin ông cho biết, có chế tài để xử lý việc này không và nếu có thì xử lý như thế nào?
TS. Nguyễn Huy Quang: Pháp luật đã có các quy định khá cụ thể đối với các trường hợp này. Đối với trường hợp không khai báo, luật quy định phạt tiền 1 - 2 triệu đồng; nếu cố tình che giấu thực tế bệnh trạng về bệnh này thì cũng bị phạt 1 - 2 triệu đồng.
Và sau đó, nếu có hành vi gian dối để trốn tránh cách ly thì cũng bị phạt 5 - 10 triệu đồng. Trong trường hợp cố tình trốn tránh khai báo, cố tình trốn tránh cách ly mà dẫn tới làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng làm chết người thì Bộ luật Hình sự còn có quy định tại điều 240 về việc làm lây lan bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thuộc nhóm A cho người.
Trong đó, việc xử lý được thực hiện ở 3 mức độ.
Thứ nhất, phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm đối với tội cố tình làm lây lan dịch bệnh này.
Thứ hai, phạt 5 - 10 năm tù đối với những trường hợp cố tình làm lây lan dịch bệnh dẫn tới có 1 người chết.
Trường hợp thứ ba, phạt 10 - 12 năm tù đối với người cố tình làm lây lan dịch bệnh và có đến 2 người chết trở lên.
Như vậy, luật đã có quy định rất cụ thể về các hành vi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính cũng như tội phạm hình sự. Ngoài ra, nếu như chúng ta xác định các trường hợp này làm lây lan dịch bệnh tại địa phương hoặc cả một khu vực cộng đồng khiến một khu phố, một làng xã phải ngừng hoạt động kinh doanh phát sinh lợi nhuận có thể chứng minh được mức độ thiệt hại thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể làm đơn kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, có 3 trách nhiệm về mặt pháp lý đối với người khai báo y tế thiếu trung thực hoặc trốn tránh cách ly là hành chính, hình sự và dân sự. Và có thể thấy, pháp luật đã có lường trước được các tình huống này và đều có các cơ chế pháp lý để xử lý.
Xử lý các trường hợp ca bệnh có biểu hiện thiếu trung thực như thế nào
- Những ngày qua, dư luận đang rất bức xúc về trường hợp khai báo thiếu trung thực của bệnh nhân COVID-19 thứ 17 và bệnh nhân thứ 34, làm khó khăn cho cơ quan chức năng và gây nguy cơ bùng phát dịch. Ông nhận định thế nào với những trường hợp này, thưa ông?
TS. Nguyễn Huy Quang: Chúng tôi đang xác định cụ thể mức độ vi phạm của các đối tượng này như thế nào.
Kể cả có phương án xử lý thì các đối tượng này đều đang là người bệnh. Và theo tính chất nhân văn theo pháp luật, của Đảng và Nhà nước thì chúng tôi chưa xem xét đối với các trường hợp này.
- Ông có đưa ra hình thức xử lý cụ thể đối với các trường hợp thiếu trung thực trong khai báo y tế cũng như là trốn tránh cách ly. Xin ông cho biết cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm thực hiện những việc này?
TS. Nguyễn Huy Quang: Có một số các cơ quan tham gia xử lý đối với các trường hợp này. Đầu tiên phải kể tới là thanh tra y tế. Khi kiểm dịch y tế cửa khẩu xác định có các trường hợp không khai báo hoặc khai báo là không đúng với tình trạng bệnh tật của họ thì kiểm dịch y tế cửa khẩu sẽ lập biên bản với các chứng cứ rất rõ ràng.
Nói một trường hợp sử dụng 2 hộ chiếu thì cần làm rõ hộ chiếu nào sử dụng ở cửa khẩu nào. Chúng ta cần xác định chính xác các hành vi vi phạm để xem xét, xử lý hành vi đó theo đúng quy định của pháp luật.
Tinh thần là chúng ta phải xác định được các hành vi vi phạm rất cụ thể và sau đó kiểm dịch y tế cửa khẩu trao đổi, báo cáo với thanh tra y tế để cơ quan này tiến hành lập biên bản về các hành vi vi phạm. Từ đó, sẽ có xác định cụ thể về hình thức và mức xử phạt.
Về việc nói xấu, bôi nhọ làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác liên quan dịch COVID-19, hiện cơ quan công an cũng đã xử lý rất nhiều các trường hợp.
Sẽ xử lý khi người vi phạm đã khỏi bệnh
- Cùng liên quan đến phòng, chống dịch nhưng hiện nay ta mới chỉ xử lý tin giả trong khi đó, các hành vi cố tình khai báo thiếu trung thực của các ca bệnh khiến cho việc chống dịch trở nên phức tạp thì chưa được xử lý, trong khi mức độ ảnh hưởng của 2 hành vi này có thể nói là ngang nhau, thưa ông?
TS. Nguyễn Huy Quang: Đối với các hành vi vi phạm như vậy, đề nghị thanh tra của các Sở và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, gồm Chủ tịch UBND các cấp, các cơ quan công an, các cơ quan xuất nhập cảnh, các cơ quan thanh tra y tế,… sẽ có trách nhiệm để xem xét, giải quyết và xử lý các trường hợp này.
Bên cạnh việc xử lý người tung tin giả, nói xấu liên quan đến đời tư của những người nhiễm COVID-19, đối với các trường hợp cố tình khai báo thiếu trung thực, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cũng khẩn trương xác minh.
Vấn đề cơ bản là phải xác định được cá nhân này vi phạm những vấn đề gì. Từ đó, chúng ta đối chiếu với các quy định của pháp luật để có các hình thức xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tất nhiên là các vi phạm này là đều phải xử lý khi mà họ đã khỏi bệnh.
- Xin cảm ơn ông!