Thông báo vắn tắt của Bộ Tư lệnh Không gian Vũ trụ Mỹ nêu rõ: “Nga đã thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh vào ngày 15/11 và bắn trúng vệ tinh ‘Kosmos-1408’ của Nga. Các mảnh vỡ đã nằm rải rác trong quỹ đạo thấp gần Trái Đất.”
Truyền thông phương Tây đưa tin thí nghiệm này tạo ra hàng nghìn mảnh vỡ. Mỹ đã xác nhận vụ thí nghiệm đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi được và hàng nghìn mảnh vụn nhỏ không thể theo dõi và cũng đã lan ra khắp quỹ đạo trái đất.
Theo các tin tức liên quan, ngày 15/11, Mỹ đã theo dõi vụ Nga phóng tên lửa tại bãi phóng Plesetsk, tên lửa bắt kịp vệ tinh ‘Kosmos-1408’ từ bên dưới, bắn trúng và phá hủy nó. Vị trí nơi vệ tinh bị phá hủy cách bề mặt Trái Đất khoảng 480 km, trong khi độ cao quỹ đạo của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) và Trạm Vũ trụ của Trung Quốc là 400 km. Điều này có nghĩa là vụ thí nghiệm này đã gây ra mối đe dọa cho thiết bị của hai trạm vũ trụ chở người này.
Các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS của Mỹ trên quỹ đạo cách Trái Đất 400km (Ảnh: AP). |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói tại cuộc họp báo hôm 15/11: "Sớm hôm nay, Liên bang Nga đã tiến hành một cách vô trách nhiệm vụ thử hủy diệt vệ tinh, phóng trực tiếp tên lửa chống vệ tinh vào một trong các vệ tinh của họ. Cho đến nay, vụ thử đã tạo ra hơn 1.500 mảnh vỡ trên quỹ đạo có thể theo dõi và hàng trăm nghìn mảnh nhỏ hơn. Những mảnh vỡ này hiện đang đe dọa lợi ích của tất cả các quốc gia."
Ông nói: "Thử nghiệm này sẽ làm gia tăng đáng kể rủi ro của các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế và các hoạt động của các trạm không gian có người lái khác."
"Hành vi nguy hiểm và vô trách nhiệm của Nga có hại cho sự phát triển bền vững lâu dài của không gian vũ trụ, và cho thấy rõ ràng rằng việc Nga phản đối việc vũ khí hóa không gian là thiếu chân thành và đạo đức giả. Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác và đồng minh để đáp trả hành vi vô trách nhiệm của họ."
Giám đốc NASA Bill Nelson nói ông "rất tức giận" về vụ thử nghiệm này. Ông nói trong một tuyên bố: "Nga có một lịch sử lâu đời và lưu truyền rộng rãi trong lĩnh vực phóng tàu vũ trụ có người lái. Thật khó có thể tưởng tượng rằng nó (vụ thử) gây nguy hiểm không chỉ cho các phi hành gia Mỹ và đối tác quốc tế trên Trạm Vũ trụ Quốc tế, mà còn cả các phi hành gia của họ và các phi hành gia trên Trạm vũ trụ Trung Quốc.”
Hiện nay nhiều quốc gia đã có khả năng diệt vệ tinh từ Trát Đất (Ảnh: Toutiao). |
Một số chuyên gia quân sự đã phân tích và cho rằng cuộc thử nghiệm này cho thấy khả năng chống vệ tinh của Nga đã ngày càng hoàn thiện, trong tương lai, ba nước Trung Quốc, Mỹ và Nga sẽ cạnh tranh gay gắt hơn trong lĩnh vực này.
Mặc dù thiếu các dữ liệu chi tiết liên quan, có nhiều dấu hiệu cho thấy trình độ của Trung Quốc trong lĩnh vực chống vệ tinh không thua kém Mỹ và Nga, đã đạt được những kết quả đáng kể.
Vào đầu năm nay, Mỹ đã chính thức tiết lộ có một cuộc chạm trán giữa các tàu vũ trụ trên quỹ đạo ở khoảng cách cao 36.000 km so với Trái đất vào nửa cuối năm 2020. Vào thời điểm đó, vệ tinh USA-271 của Mỹ đã cố gắng tiếp cận vệ tinh Shijian-20 (Thực Tiễn-20) của Trung Quốc. Tuy nhiên, vệ tinh Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng cơ động và lẩn tránh, cách xa vệ tinh của Mỹ.
Vụ này không có nghĩa là nhận được sự quan tâm về một vụ tấn công và phòng thủ vệ tinh, mà cho thấy trình độ công nghệ của Trung Quốc trong lĩnh vực này là không thể xem thường.
Trên thực tế, Trung Quốc đã tiến hành các vụ thử tên lửa chống vệ tinh ngay từ năm 2007. Trong cuộc thử nghiệm đó, tên lửa loại 1 Kaituozhe-1 (Khai Thác Giả-1) mang đầu đạn động năng phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương và bắn trúng vệ tinh Fengyun-1C (Phong Vân-1C) trọng lượng 750 kg đã không còn sử dụng ở tốc độ 8 km/s theo hướng ngược lại, phá hủy nó ở quỹ đạo độ cao 863 km. Đây là vụ thử nghiệm đánh chặn vệ tinh thành công đầu tiên của Trung Quốc.
Các mảnh vỡ do vệ tinh bị hư hỏng đã trở thành nguy cơ lớn đối với Trái Đất (Ảnh: BBC). |
Hơn 10 năm sau đó, khả năng chống vệ tinh của Trung Quốc đã tiếp tục được cải thiện. Ví dụ, trong cuộc thử nghiệm chống tên lửa giai đoạn giữa do Trung Quốc tiến hành vào đầu năm 2018, tên lửa Dongneng-3 (Động Năng-3) với vai trò đánh chặn được đánh giá là có hiệu suất chống tên lửa xuất sắc và là vũ khí chống vệ tinh tiên tiến nhất của Trung Quốc.
Tạp chí Foreign Affairs của Mỹ từng tuyên bố Dongneng-3 là tên lửa đánh chặn giai đoạn giữa kiểu va chạm có hiệu suất tốt nhất của Trung Quốc, và Trung Quốc cũng có nhiều loại tên lửa có khả năng đánh chặn ngoài khí quyển và khả năng đánh chặn chống vệ tinh, bao gồm Dongneng-2, Hongqi-19, và tên lửa SC-19 chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chống vệ tinh.
Có ý kiến phân tích chỉ ra rằng, so với Dongneng-1 và Dongneng-2, tên lửa Dongneng-3 sử dụng hệ thống bắt mục tiêu tiên tiến hơn, có tốc độ bay nhanh hơn và tầm bắn lớn hơn, đồng thời có thể tấn công chính xác các vệ tinh quỹ đạo tầm trung và tầm cao. Serie tên lửa Dongneng của Trung Quốc tạo thành sự sắp xếp theo quỹ đạo, mang lại cho Trung Quốc khả năng tấn công vệ tinh toàn diện.
Vụ thử của Nga hôm 15/11 đã phá hủy vệ tinh Kosmos-1408 bị hư hỏng của chính Nga. Đây là vệ tinh do thám được phóng vào năm 1982, nặng hơn một tấn và đã ngừng hoạt động từ nhiều năm trước. Hậu quả là các mảnh vỡ đã buộc các phi hành gia của Trạm Vũ trụ Quốc tế phải trốn trong khoang vũ trụ. Trên Trạm Vũ trụ Quốc tế đang hoạt động ở độ cao khoảng 420 km hiện có 7 phi hành gia, gồm 4 người Mỹ, 1 người Đức và 2 người Nga.
Cục Không gian Vũ trụ Nga đã hạ thấp vụ việc. "Quỹ đạo của những vật thể đó đã đi chệch quỹ đạo của Trạm vũ trụ quốc tế. Hôm nay, họ buộc các nhân viên phải vào khoang vũ trụ theo quy trình tiêu chuẩn," cơ quan này viết trên Twitter.
Mặc dù những vật thể khó kiểm soát này không gây ra sự cố nhưng nguồn gốc của chúng hiện đang gây nên sự quan ngại nhiều hơn.
LeoLabs, một công ty chuyên theo dõi các mảnh vỡ trong không gian, cho biết radar của họ ở New Zealand đã phát hiện thấy nhiều vật thể ở vị trí được cho là của vệ tinh đã chết từ lâu.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Ben Wallace, tuyên bố rằng vụ thử "hoàn toàn coi thường sự an toàn và bền vững của không gian." Ông cũng nói: "Các mảnh vỡ từ vụ thử sẽ vẫn ở trên quỹ đạo, gây rủi ro cho các vệ tinh và tàu vũ trụ có người lái trong mấy năm tới."
Giới quan sát cho rằng không thể kiểm soát hiện trường mảnh vỡ do va chạm tốc độ cao. Hàng ngàn mảnh vỡ, một số sẽ được đẩy xuống trái đất, đến nơi an toàn, nhưng nhiều mảnh cũng sẽ trôi lên các khu vực cao hơn, nơi chúng sẽ gây trở ngại cho các nhiệm vụ hoạt động trong nhiều năm tới, bao gồm cả những quốc gia thực hiện thử nghiệm tên lửa.
Tình trạng rác vũ trụ đang xấu đi nhanh chóng. 64 năm hoạt động trong vũ trụ có nghĩa là hiện có khoảng 1 triệu vật thể chuyển động không có kiểm soát trong không gian, những vật thể này có kích thước từ 1 cm đến 10 cm.
Sự va chạm của bất kỳ vật thể nào trong số này cũng có thể kết thúc sứ mệnh của các vệ tinh khí tượng hoặc viễn thông quan trọng. Các quốc gia cần làm trong sạch môi trường không gian, không làm ô nhiễm thêm nữa.
Cho đến nay, khá nhiều quốc gia có khả năng phá hủy vệ tinh từ mặt đất, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Các cuộc thử nghiệm loại tên lửa này rất ít, nhưng mỗi lần tiến hành đều gây ra sự lên án rộng rãi vì nó gây ô nhiễm môi trường không gian.
Khi Trung Quốc phá hủy một vệ tinh thời tiết ngừng hoạt động vào năm 2007, nó đã tạo ra hơn 2.000 mảnh vỡ có thể xác định được. Loại mảnh vỡ này đã gây ra tác hại liên tục cho việc thực hiện các sứ mệnh không gian, bao gồm của cả chính Trung Quốc.
Hình ảnh đáng sợ của rác vũ trụ bao quanh Trái Đất qua sự mô tả của giới nghệ thuật (Ảnh: Zhihu). |
Trước đó, Brian Weeden chuyên gia nghiên cứu về tình trạng không gian cho biết nếu người ta khẳng định rằng Nga đã tiến hành một vụ thử gây nguy hiểm cho Trạm vũ trụ quốc tế, thì hành vi này "không chỉ là vô trách nhiệm".
Các hoạt động thăm dò không gian khác đã cố gắng tránh để các thiết bị cứng – cho dù là thiết bị vẫn đang hoạt động hay ngừng hoạt động – bay gần với quỹ đạo của trạm vũ trụ.
Tuy nhiên, khi những vệ tinh bị phế bỏ và những mảnh vỡ tên lửa ở quá gần, các phi hành gia buộc phải áp dụng biện pháp đề phòng. Với tốc độ di chuyển rất lớn những vật thể dạng này có thể dễ dàng xuyên thủng vỏ bên ngoài của trạm vũ trụ.
Các biện pháp phòng ngừa thường bao gồm đóng cửa giữa các khoang hoặc chui vào khoang không gian đưa các phi hành gia lên trạm vũ trụ, như hôm 15/11. Trong toàn bộ quá trình thực hiện nhiệm vụ của các phi hành gia, những khoang không gian này được kết nối với Trạm vũ trụ quốc tế và được sử dụng như "xuồng cứu sinh" khi họ cần nhanh chóng thoát ra ngoài.