Vụ sạt lở đất kinh hoàng xảy ra một tháng trước đây ở Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) với những hậu quả vô cùng thảm khốc, đã đặt ra nhiều vấn đề về quy hoạch dân cư ở khu vực miền núi, đặc biệt là dấy lên quan ngại về công tác quy hoạch thuỷ điện và bảo vệ rừng ở tỉnh Quảng Nam.
Để có cái nhìn đầy đủ về vụ việc, nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trong công tác quy hoạch phát triển ở khu vực miền núi, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My.
PV: Sau 30 ngày kể từ khi xảy ra sự cố sạt lở ở Trà Leng, đến nay công tác khắc phục đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Văn Mẫn: Công tác cứu nạn, tìm kiếm các nạn nhân đã được chúng tôi nỗ lực hết sức. Tất cả khu vực hiện trường đã được đào xới để tìm kiếm những người mất tích. Nhưng đến nay vẫn còn 13 người chưa được tìm thấy.
Mặc dù đến nay, công tác tìm kiếm đã gần như vô vọng, nhưng chúng tôi vẫn túc trực nhân lực, phương tiện để tìm kiếm theo yêu cầu của người dân, nhằm chia sẻ nỗi đau cũng như ý nguyện của người dân là "còn nước còn tát".
Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tại hiện trường tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở ở Trà Leng |
PV: Sau sự việc, chính quyền đã đánh giá lại nguyên nhân của vụ sạt lở chưa, thưa ông?
Ông Trần Văn Mẫn: Ngay sau sự việc, chúng tôi đã phải đánh giá lại công tác định cư cho người dân, cũng như cảnh báo sạt lở, lũ đối với người dân trên toàn huyện. Vì Trà My là vùng núi nên có thể nói bất cứ ở đâu cũng có nguy cơ sạt lở và vấn đề lựa chọn vị trí tái định cư cho người dân cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Các vấn đề về quản lý bảo vệ rừng, quy hoạch rừng và rừng trồng cũng được xem xét.
Trong vụ sạt lở đất ở Trà Leng, do đây là lưu vực của một dòng suối, lại gặp thời tiết bất thường kéo theo lưu lượng mưa quá lớn nên đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng như vậy.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My trả lời phỏng vấn VietTimes về nguyên nhân vụ sạt lở đất ở Trà Leng |
PV: Dư luận cho rằng nguyên nhân của vụ việc là do công tác bảo vệ rừng chưa tốt, mà cụ thể là tình trạng chặt phá rừng trồng keo chính là một trong những nguyên nhân gây nên vụ sạt lở đất ở Trà Leng. Ông nghĩ gì về ý kiến này?
Ông Trần Văn Mẫn: Đây là vấn đề cần phải nghiên cứu đầy đủ, có luận chứng khoa học mới có thể kết luận được. Song cũng có thể đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ sạt lở đất.
Tôi nói là "có thể", vì theo trực quan đánh giá trên toàn tuyến, các vị trí sạt lở đa số là ở các rừng keo. Vì thế, trước nguy cơ này, từ nhiều năm qua, huyện đã có chủ trương không cấp rừng để người dân trồng keo, do rễ cây keo không có khả năng bám giữ đất.
PV: Vậy nguyên nhân do thuỷ điện thì sao, thưa ông? Liệu chính quyền có kiện các chủ đầu tư không?
Ông Trần Văn Mẫn: Nói vụ sạt lở do thuỷ điện là không đúng. Vì khi xảy ra vụ việc này, toàn bộ hệ thống thuỷ điện nhỏ trên địa bàn đều ở bên dưới, nên nếu nói nguyên nhân do thuỷ điện là không chính xác.
Như tôi đã nói, vụ việc sạt lở ở Trà Leng không liên quan đến thuỷ điện.
Hiện trường sau 30 ngày xảy ra vụ sạt lở đất ở Trà Leng |
PV: Trước những thiệt hại của vụ sạt lở, xin ông cho biết trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ làm gì để giúp người dân nơi đây ổn định đời sống?
Ông Trần Văn Mẫn: Vấn đề quan tâm hiện nay của chúng tôi là công tác tái định cư cho các hộ dân bị thiệt hại trong vụ sạt lở ở nóc ông Đề. Huyện đã lên phương án hỗ trợ xây dựng nhà tạm cho tất cả các hộ dân bị thiệt hại trong vụ sạt lở, để người dân ổn định cuộc sống trong ít nhất 3 tháng và sau đó là bố trí tái định cư.
Hiện chúng tôi đã chọn được vị trí tái định cư cho người dân với tiêu chí vừa đảm bảo an toàn, kiên cố, vừa đúng với tập quán, thói quen và kinh nghiệm của người dân, để tránh những vụ việc đau lòng tương tự xảy ra.
- Xin cảm ơn ông!