Trà Leng - nỗi đau còn đọng, niềm hy vọng tìm người thân của nhiều gia đình đang vơi dần

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Sau 30 ngày kể từ chiều 28/10 định mệnh, người Trà Leng không còn đủ nước mắt để khóc, nhưng ngày ngày, những ánh mắt ấy vẫn cứ dán chặt vào từng nhát đào trong đống đổ nát chỉ mong sao nhìn thấy một phần thần thi thể người thân.

Người Trà Leng dán mắt vào từng viên đá được đào lên với hy vọng tìm thấy thi thể người thân
Người Trà Leng dán mắt vào từng viên đá được đào lên với hy vọng tìm thấy thi thể người thân

Trà Leng bây giờ ra sao?

Chúng tôi trở lại Trà Leng vào một ngày cuối tháng 11, khi những cơn mưa rừng tạm dứt. Mặt đường đã ráo nhưng đường lên Trà Leng vẫn ngổn ngang bùn đất. Mất gần 3 giờ đồng hồ để từ TP Tam Kỳ lên đến trung tâm huyện Bắc Trà My và mất thêm gần 1 giờ nữa để vượt qua hơn 15km từ Bắc Trà My theo QL40B lên đến Trà Leng (huyện Nam Trà My), nơi xảy ra trận sạt lở núi kinh hoàng vùi lấp 11 ngôi nhà của người dân nơi đây và khiến 23 người thiệt mạng.

Mặc dù đường đã dễ đi hơn rất nhiều so với một tháng trước, nhưng chiếc xe bán tải vẫn ì ạch, trườn mình qua những hố sình lầy, bãi đá mồ côi để đưa chúng tôi đến với Trà Leng...

Sạt lở đất luôn rình rập trên cung đường đến Trà Leng

Sạt lở đất luôn rình rập trên cung đường đến Trà Leng

Chốc chốc bên đường là những chứng tích để lại của những vụ sạt lở đất ám ảnh người dân nơi đây. Bất ngờ, Trà Leng lại đón chúng tôi bằng cơn mưa rừng, một thứ “đặc sản” ở xứ sở này.

Trước mắt chúng tôi là khung cảnh hoang tàn đổ nát. Những khối đá tảng to bằng những ngôi nhà đã bị bật ra khỏi mặt đất bởi nước lũ và cuốn phăng ra dòng suối, nằm chềnh ềnh. Vệt xói lở hiện ra chênh vênh như vách núi muốn nuốt chửng tất cả những ai đi qua đây.

Clip: Trở lại Trà Leng sau 30 ngày xảy ra vụ sạt lở đất kinh hoàng.

Tại hiện trường vụ sạt lở, nơi đâu cũng thấy chân hương và bàn thờ. Xa xa phía sười núi, ngổn ngang những bát hương nguội lạnh cùng những ụ đất mới đắp là nơi an nghỉ của những nạn nhân trong vụ sạt lở đất kinh hoàng 30 ngày trước...

Bà Đoàn Thị Ngọc - người có chồng mất tích trong vụ sạt lở cho biết, gần tháng nay, bà túc trực tại hiện trường chỉ mong được tìm thấy thi thể chồng. Nhưng những hy vọng cứ gần như tắt lịm.

Hai vợ chồng bà quê ở Thăng Bình (Quảng Nam) cách đó 15km, đến Trà Leng sinh sống đã được gần 20 năm. Thế mà giờ đây, bà bỗng thành bơ vơ, tay trắng.

“Tôi chỉ mong muốn tìm được chồng, rồi xin địa phương hỗ trợ để về quê sinh sống, chứ ở đây sống sao được” – bà Ngọc nghẹn ngào

Hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng là vách núi nứt toác sâu hàng chục mét

Hiện trường vụ sạt lở ở Trà Leng là vách núi nứt toác sâu hàng chục mét

Bà Ngọc cho biết thêm, đây là lần thứ hai bà trắng tay. Lần trước hai vợ chồng gây dựng được ngôi nhà trên chính mảnh đất này, thế rồi hoả hoạn thiêu rụi. Nhưng ngày đó, bà có ông và cả hai cùng gây dựng lại. Nhưng lần này, vụ sạt lở quá sức với bà, khi chẳng những nhà cửa mất sạch, mà người thân yêu nhất cũng chẳng còn.

“Đâu còn gì nữa mà ổng cũng không tìm thấy ...” - bà Ngọc nói mà giọng ngậm nước mắt....

Chị Hồ Thị Thiêm (ở thôn 1, xã Trà Leng) – nhân chứng thoát chết trong vụ lở đất vẫn bị ám ảnh đến tận bây giờ, cho biết: “Tôi may mắn thoát chết và được đưa đi điều trị. Ra viện là tôi đến đây, mong tìm được con và người thân. Nhưng đến giờ vẫn không thấy”.

Hy vọng mong manh

Ở hiện trường tìm kiếm suốt 30 ngày qua lúc nào cũng có hàng chục chiến sĩ công an, dân quân và người dân túc trực, cần mẫn xới từng khối đá, từng mét đất để kiếm tìm với mong tìm thấy các nạn nhân mất tích.

Bàn thờ tập thể ngay tại hiện trường vụ sạt lở

Bàn thờ tập thể ngay tại hiện trường vụ sạt lở

Chỉ đạo công tác tìm kiếm tại hiện trường, ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - cho biết, suốt 1 tháng qua, các lực lượng bộ đội, công an, dân quân địa phương và người dân đã nỗ lực hết mức để tìm kiếm các nạn nhân. Nhưng đến nay vẫn còn 13 người chưa được tìm thấy.

“Thật sự chúng tôi đã "quần" khắp khu vực này để tìm những nạn nhân, nhưng đến nay thì gần như vô vọng. Để thoả ước nguyện của người còn sống, người dân nghi ngờ ở đâu là húng tôi điều xe máy để đào bới, tìm kiếm” – ông Mẫn chia sẻ.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My luôn túc trực tại hiện trường tìm kiếm các nạn nhân mất tích

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My luôn túc trực tại hiện trường tìm kiếm các nạn nhân mất tích

Cũng theo ông Mẫn, vấn đề quan trọng nhất của địa phương là tập trung khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, sinh kế cho người dân. UBND huyện Nam Trà My đã trưng dụng 3 gian nhà của trường mẫu giáo Trà Leng để làm nơi tá túc cho các hộ dân nơi đây.

Tại nơi ở tạm của những hộ dân, mọi người đang quây quần bên mâm cơm trưa muộn, vội vàng ăn để còn sớm quay trở lại hiện trường tìm kiếm. “Ăn rồi ra tìm tiếp cháu à, không biết phải làm sao đây” - ông Hồ Văn Đề (người có 8 người thân thiệt mạng và mất tích trong vụ sạt lở ở Trà Leng) nói với ánh mắt xa xăm.

Bữa cơm vội của những người may mắn thoát chết tại khu nhà tạm

Bữa cơm vội của những người may mắn thoát chết tại khu nhà tạm

Để sớm ổn định đời sống cho người dân, UBND huyện Nam Trà My một mặt nỗ lực tìm kiếm các thi thể các nạn nhân mất tích, một mặt lên phương án bố trí địa điểm thích hợp để tổ chức tái định cư cho người dân.

“Vấn đề hiện nay là ổn định nơi ở cho người dân sao cho an toàn và ít nhất là phải đảm bảo trong 3 tháng tới. Địa phương là huyện vùng núi, nguy cơ sạt lở có thể xuất hiện bất cứ đâu, nên bên cạnh việc chọn vị trí tái định cư an toàn, chúng tôi còn phải theo tập quán của người dân để ổn định cuộc sống lâu dài” – ông Mẫn cho biết thêm.