Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đó là phương án đầu tư kinh doanh phương tiện của Công ty Đường sắt Hà Nội. Công ty họ làm dự án. Vì thế, đây mới là chủ trương lập dự án để tính toán xem làm như thế nào và nhập như thế nào, từ đó tính toán hiệu quả mang lại chứ chưa triển khai.
Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, có thể đây là thông tin tại một cuộc họp nào đó người ta nêu vấn đề ra để nghiên cứu.
“Có, có hướng đó nhưng chưa triển khai”, ông Đoàn Duy Hoạch trao đổi với phóng viên.
Theo ông Đoàn Duy Hoạch, nếu nhập toa tàu phải qua đánh giá tác động môi trường theo thủ tục.
“Chủ trương nhập thì có nhiều hướng, nhập nguyên chiếc mới hoặc nhập cũ nhưng vẫn phải đảm bảo điều kiện của luật pháp Việt Nam chứ không phải muốn nhập thế nào thì nhập. Phải cơ quan nhà nước cho phép thì mới nhập được. Đây là người ta mới nêu vấn đề ra để nghiên cứu xem phương án nào, đóng mới tốt hay nhập dùng rồi tốt, làm sao cho hiệu quả kinh tế”, ông Hoạch nói.
Trước câu hỏi của phóng viên về quan điểm cá nhân trước việc nhập khẩu những toa xe cũ về dùng, ông Hoạch nói: “Theo quan điểm của tôi thì không có vấn đề gì, cứ làm theo đúng thủ tục nhà nước còn tính hiệu quả kinh doanh là của họ (doanh nghiệp). Họ là công ty cổ phần nên họ có đủ điều kiện kinh doanh của họ”.
Giải thích cho việc tại sao Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phải xin chủ trương từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, ông Đoàn Duy Hoạch cho biết, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội hiện nay là công ty cổ phần nhưng đương nhiên họ vẫn phải xin chủ trương người đại diện phần vốn Nhà nước là Tổng công ty, nhưng việc họ có nhập được hay không, họ sẽ phải tính đến hiệu quả làm ăn kinh doanh. Mặt khác, phải tuân thủ các quy định của luật pháp về vấn đề nhập khẩu thiết bị vật tư theo quy định của luật pháp chứ không phải thích là nhập.
“Tại sao không đóng mới ở nhà máy xe lửa Gia Lâm thì câu trả lời phải ở bước lập dự án, đóng mới hiệu quả hay là nhập nguyên chiếc mới hay nhập cũ. Việc này là tính hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Bây giờ cứ bắt người ta bắt “ông Gia Lâm” phải đóng cho ông này, việc này phải kế hoạch từ xưa.
Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp phải tính đầu tiên, sau đó mới tính đến việc tuân thủ quy định của luật pháp. Mình bây giờ không có chuyện bắt anh phải mua ở chỗ kia, đóng ở chỗ khác được”, ông Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nói.
Trước đó, sáng 3/2, báo chí đưa tin, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho hay đã nhận được sự chấp thuận của Công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - về việc mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc. Trong số này có tới 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước. Còn gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm.
Đây đều là những toa xe được sử dụng trên đường ray khổ 1.000mm nên theo ngành đường sắt là phù hợp với điều kiện hạ tầng trong nước. Hiện doanh nghiệp đang xin ý kiến của hai bộ Khoa học & Công nghệ và Giao thông vận tải để được hướng dẫn về thủ tục.
Theo đơn vị này, từ giữa năm ngoái, công ty mẹ Đường sắt Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Cục Đường sắt Côn Minh và giao cho hai công ty con là TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt đứng ra thương thảo với đối tác và xúc tiến thủ tục hợp đồng.
Đại diện doanh nghiệp khẳng định các mặt hàng kể trên không nằm trong danh mục các loại vật tư đã qua sử dụng thuộc diện cấm nhập khẩu của Nghị định 187. Trong khi đó, Thông tư 20 mà Bộ Khoa học Công nghệ ban hành quy định điều kiện các mặt hàng cũ được nhập khẩu đã được chính cơ quan này hủy bỏ và Thông tư 23 mới thay thế văn bản này phải tới 1/7/2016 mới có hiệu lực.
Theo Infonet